Đẩy mạnh phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa

08:01, 31/01/2020

Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, thời gian qua, phong trào xây dựng gia đình văn hóa (GĐVH), làng văn hóa (LVH) ở tỉnh ta đã thu hút đông đảo các gia đình, cộng đồng tham gia thực hiện, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Gia đình ông Trần Văn Hóa ở tổ dân phố 1 Liên Hà 2, phường Lộc Hạ (Thành phố Nam Định) nhiều năm liền đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa tiêu biểu”.
Gia đình ông Trần Văn Hóa ở tổ dân phố 1 Liên Hà 2, phường Lộc Hạ (Thành phố Nam Định) nhiều năm liền đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa tiêu biểu”.

Năm 2019 là năm đầu tiên thực hiện công nhận GĐVH, LVH theo Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17-9-2018 của Thủ tướng Chính phủ với nhiều điểm mới như: Tiêu chuẩn đạt GĐVH có 3 nhóm với 24 tiêu chí (trước đây thực hiện theo Thông tư 12/2011/TT-BVHTTDL có 3 nhóm với 11 tiêu chí); 7 nhóm trường hợp không được xét tặng GĐVH; tiêu chuẩn danh hiệu Khu dân cư văn hóa bao gồm 5 nhóm nội dung với 27 tiêu chí; 3 trường hợp không xét tặng danh hiệu Khu dân cư văn hóa; trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành, địa phương… Sau khi Nghị định số 122 được ban hành, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (ĐSVH) của tỉnh đã xây dựng kế hoạch, ban hành các chương trình phối hợp, công văn, chỉ đạo, triển khai thực hiện các nội dung của Nghị định mới, trong đó nhấn mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, tầm quan trọng của phong trào xây dựng GĐVH, LVH. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ năng công tác tuyên truyền, vận động thực hiện xây dựng GĐVH, LVH cho đội ngũ cán bộ văn hóa và Ban công tác Mặt trận cơ sở. Trong năm 2019, các huyện tổ chức 31 lớp tập huấn, các xã, thị trấn tổ chức hơn 2.500 buổi tuyên truyền về thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH”. Bên cạnh đó, ở các địa phương, các đoàn thể Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh các cấp tuyên truyền lồng ghép các tiêu chí xây dựng GĐVH, LVH vào nội dung sinh hoạt định kỳ để hội viên, đoàn viên hiểu, tích cực hưởng ứng. Với sự tập trung chỉ đạo và cách làm sáng tạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, phong trào xây dựng GĐVH, LVH đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Việc tổ chức đăng ký và bình xét danh hiệu GĐVH, LVH hàng năm diễn ra công khai, dân chủ. Năm 2019, toàn tỉnh có 521.160/613.378 gia đình được công nhận GĐVH, đạt tỷ lệ 85%; 3.495/3.634 làng (thôn, xóm, TDP) được công nhận danh hiệu văn hóa, đạt tỷ lệ 96,1%. Tiêu biểu trong phong trào xây dựng GĐVH, LVH là thành phố Nam Định và các huyện: Hải Hậu, Giao Thủy, Vụ Bản, Ý Yên, Nam Trực, Nghĩa Hưng. Ở huyện Vụ Bản, trong quá trình triển khai phong trào xây dựng GĐVH, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH” các xã, thị trấn trong huyện đều xây dựng kế hoạch, mục tiêu và phương hướng cụ thể, thiết thực, phù hợp với thực tế. Các địa phương đã lồng ghép xây dựng GĐVH vào các phong trào thi đua như: xây dựng “Khu dân cư văn hóa”, “Khu dân cư không có tội phạm, tệ nạn xã hội”; xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài; đền ơn đáp nghĩa; tổ chức các hoạt động “tương thân tương ái”. Việc giáo dục truyền thống gia đình, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, chăm sóc phụng dưỡng ông bà, cha mẹ được tăng cường; việc thực hiện quy ước về nếp sống văn minh, giữ gìn vệ sinh môi trường, phát huy “tình làng nghĩa xóm” được đông đảo người dân đồng tình hưởng ứng. Hiện nay, 100% số xã của Vụ Bản đã xây dựng được hương ước mới trên cơ sở kế thừa giá trị văn hoá tốt đẹp của các bản hương ước cổ, có đổi mới theo các yêu cầu xây dựng nếp sống văn hóa trong tình hình mới và đúng pháp luật. Đến nay, các đám cưới, đám tang trên địa bàn huyện được thực hiện theo đúng quy định về nếp sống văn hóa, hương ước thôn, xóm. Nhiều thôn trong huyện giữ vững danh hiệu LVH hơn 10 năm liền; tiêu biểu như: thôn Hoàng, thôn Lúa, xã Minh Tân; thôn Trung Nghĩa, xã Liên Minh; thôn Bùi Trung, xã Cộng Hoà, thôn Lê Xá, xã Tam Thanh… Tại Xuân Trường huyện chỉ đạo các địa phương tổ chức cho các hộ dân đăng ký thực hiện xây dựng GĐVH, LVH theo Nghị định số 122/2018/NĐ-CP, trong đó tập trung thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Cán bộ, đảng viên nêu cao ý thức gương mẫu thực hiện các quy chế, quy ước nếp sống văn hoá, đồng thời vận động các thành viên trong gia đình và người dân địa phương thực hiện phong trào xây dựng GĐVH, hưởng ứng các hoạt động giúp nhau giảm nghèo, “đền ơn đáp nghĩa”. Nhờ đó, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Đoàn Thanh niên cơ sở  thôn, xóm chủ động phối hợp với các đoàn thể, Ban công tác Mặt trận khu dân cư đẩy mạnh vận động “Cưới văn minh, tiết kiệm trong thanh niên”. Những thủ tục rườm rà trong việc tang gây lãng phí thời gian, tiền của và công sức được loại bỏ. Năm 2019 toàn huyện có 84,1% số hộ gia đình đạt danh hiệu GĐVH; 80,3% làng, thôn, xóm, tổ dân phố đạt danh hiệu LVH. Còn ở huyện Giao Thủy khi triển khai thực hiện phong trào xây dựng LVH, GĐVH đã chọn trọng tâm tuyên truyền về những giá trị tốt đẹp của gia đình, truyền thống Việt Nam, đẩy mạnh công tác phòng chống bạo lực gia đình. Phong trào xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện được đẩy mạnh. Toàn huyện thành lập được trên 400 câu lạc bộ với khoảng 10.500 lượt người tham gia sinh hoạt hàng năm. Nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự ủng hộ của nhân dân nên phong trào xây dựng LVH, GĐVH trên địa bàn huyện Giao Thủy đạt được nhiều kết quả tích cực. Năm 2019, toàn huyện có 53.175/60.795 hộ đạt danh hiệu GĐVH (đạt tỷ lệ 87,5%); 313/332 xóm, TDP văn hóa (đạt tỷ lệ 94,3%).

Ngày nay, quá trình đô thị hoá diễn ra nhanh chóng. Do tác động bởi mặt trái của cơ chế thị trường khiến cho các giá trị văn hoá truyền thống ở mỗi làng quê đang đứng trước nguy cơ mai một, biến dạng. Ở một số nơi, lối sống thực dụng len lỏi vào đời sống cộng đồng dân cư, gây rạn nứt, phá vỡ tình cảm bền chặt và mối quan hệ khăng khít giữa các gia đình, thôn, xóm... Trước tình hình đó, các địa phương đã triển khai sâu rộng và hiệu quả phong trào xây dựng LVH, GĐVH để đảm bảo kết hợp hài hòa giữa tiếp thu các giá trị văn hóa tiên tiến với gìn giữ bản sắc văn hoá làng quê. Các xã, thị trấn kế thừa có chọn lọc những giá trị văn hóa đặc sắc, bền lâu của các bản hương ước cổ đồng thời sửa đổi, bổ sung thành những quy ước nếp sống văn hoá hiện đại, lành mạnh được nhân dân đồng tình ủng hộ. Bằng việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ở các làng quê kết hợp tiếp thu có chọn lọc những giá trị văn hóa hiện đại, các địa phương trong tỉnh đã hội nhập một cách chủ động, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, khắc phục đẩy lùi những thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội, hướng con người tới lối sống tốt đẹp, văn minh.

Để phong trào xây dựng LVH, GĐVH phát triển bền vững, thời gian tới cần tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong công tác xây dựng đời sống văn hoá; thực hiện tốt cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các ngành thành viên Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH” từ tỉnh đến cơ sở. Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thấy được ý nghĩa tốt đẹp, lợi ích thiết thực của phong trào xây dựng LVH, GĐVH. Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng ĐSVH” các cấp cần tăng cường kiểm tra, hướng dẫn bình xét phân loại, công nhận và khen thưởng danh hiệu LVH, GĐVH ở các địa phương, cũng như xem xét thu hồi danh hiệu ở những nơi không còn đảm bảo tạo động lực để đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào xây dựng  LVH, GĐVH./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com