Dân gian vùng Nam Trực từ lâu đã truyền tụng câu ca: “Chùa Bi cùng với đền Gin/Đất thiêng cảnh đẹp mấy nghìn năm nay”. Đã thành thông lệ, từ mồng 8 đến mồng 10 tháng Chạp hàng năm, nhân dân hai xã Bình Minh và Nam Dương lại tưng bừng mở hội đền Gin. Độc đáo nhất trong lễ hội là nghi lễ rước cá trắm và tục thi cỗ.
Di tích Đền Gin được Bộ Văn hoá xếp hạng cấp quốc gia năm 1962. Ảnh: Hồng Hạnh |
Về thôn Bái Dương, xã Nam Dương, chúng tôi may mắn gặp cụ Trần Xuân Vịnh, 84 tuổi, người đã có 24 năm phụng thánh, tham gia trong Ban tổ chức lễ hội. Dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng khu di tích đã được Bộ Văn hoá xếp hạng cấp quốc gia từ năm 1962, cụ Vịnh vừa giới thiệu tường tận về ngôi đền, nguồn gốc và những nét độc đáo của tục thi cỗ trong lễ hội.
Đền Gin là nơi thờ phụng và tri ân công đức của nhân dân địa phương đối với đức Long Kiều linh Thánh Kiều Công Hãn, người đã có công giúp Ngô Quyền đánh thắng quân giặc Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938, mở đầu thời kỳ tự chủ của dân tộc. Sử sách và truyền thuyết dân gian kể lại: Năm Đinh Mão (967), thành Phong Châu (Phú Thọ), nơi Sứ quân Kiều Công Hãn đóng giữ bị lực lượng của Đinh Bộ Lĩnh vây hãm. Trong tình thế nguy cấp, Kiều Công Hãn đã đem vài trăm thân binh mở đường máu, thoát vòng vây chạy về phía Nam. Sáng ngày 10 tháng Chạp, Kiều Công Hãn chạy đến vùng đất Thượng Hiền. Tại đây Lê Khai và Nguyễn Tấn đã bố trí sẵn lực lượng đón đánh, ông bị thương vừa phải chống trả, vừa tháo chạy. Đến Vũng Lẫm, xã Đồng Sơn thì sức đã kiệt, ông quay ngựa trở lại tới thôn An Lũng, xã Nam Dương, được bà hàng nước tên là Phạm Thị Già cứu giúp, dâng rượu và gỏi cá trắm. Ăn xong ông chạy đến Lũng Kiều, xã Hiệp Luật (nay thuộc thôn Chiền, xã Nam Dương) thì kiệt sức và tạ thế. Sáng hôm sau mối đùn thành mộ che kín khắp người, nhân dân gọi là mộ thiên táng. Tương truyền sau khi ông mất, nhân dân bốn xã: Bái Dương, Tang Trữ, Cổ Lũng, Hiệp Luật lập đền thờ ngay trên phần mộ cũ (nay thuộc thôn Chiền, xã Nam Dương). Nhân dân còn lập một miếu nhỏ phía ngoài cổng đền để thờ bà Phạm Thị Già, người có công dâng rượu và gỏi cá trắm cho ngài ăn trước khi hóa.
Cụ Trần Xuân Vịnh, thôn Bái Dương, xã Nam Dương bên mâm cá trắm đen rước dâng thánh trong lễ hội. Ảnh: Do cơ sở cung cấp |
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, lễ hội đền Gin vẫn được duy trì đến ngày nay, là một trong 10 lễ hội tiêu biểu của tỉnh với các nghi lễ và sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc như tế lễ, dâng hương, rước kiệu, vật võ, cờ tướng, tổ tôm điếm, hát chèo… Trong lễ hội, cá trắm đen là lễ vật không thể thiếu, đặc biệt trong lễ rước cá vào ngày chính kỵ mồng 10 tháng Chạp. Xưa kia, để có được 3 con cá trắm đen dâng lên Đức thánh vào ngày chính kỵ, nhân dân và chính quyền phong kiến của 4 xã phải tuân thủ theo quy định bất thành văn của Hàng tổng đó là: Hàng năm vào tháng 5, tháng 6 (âm lịch), mỗi xã cử ra 5 đến 7 người tỏa đi tìm khắp các địa phương như: Ninh Bình, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Phòng... để tìm mua cá với yêu cầu là cá trắm đen, được nuôi thả tự nhiên, to ít nhất cũng phải được từ 4 “vổ” trở lên (vổ được tính bằng chiều ngang của 4 đầu ngón tay của người đã trưởng thành sau đó khoanh tròn lên cổ cá). Khi đã đáp ứng mọi điều kiện, phải đặt trước cho người nuôi cá một ít tiền, từ đó trở đi cứ vào ngày rằm hàng tháng, xã đều tổ chức đến nơi đã đặt để thăm xem cá có khỏe mạnh không. Cứ như thế, cho đến ngày mồng 8 tháng Chạp, mỗi xã cử 5 vị có chức sắc cùng chục thanh niên khỏe mạnh đi rước cá về thả trong một chiếc thuyền được trang trí đẹp, có hoa, lụa đỏ. Cá trắm được thả vào một cái vạc bằng đồng lớn, đặt ở vị trí trang trọng nơi thờ bát nhang nhà quan. Sau đó hai vị chức sắc cùng trai làng bê bình nước đã được rước từ giếng đền, đổ vào vạc đồng và 3 con cá trắm sống ở đó đến khi được đưa lên kiệu rước. Trong thời gian cá được thả ở trong vạc, thường xuyên có 4 người trông coi suốt ngày đêm. Ngày nay, những con cá trắm được chọn phải là cá trắm to, có năm nặng tới 19kg. Sáng ngày mồng 10 tháng Chạp, 3 con cá trắm sống được đưa lên kiệu rước. Đi đầu đám rước là đội múa rồng, người cầm cờ hội, hai hàng cờ ngũ sắc, tiếp đến là chiêng, trống, bát biểu, phường bát âm, đội múa sanh tiền rồi đến kiệu cá. Đoàn rước đến sân đình, các trai tráng được chọn bế cá vào tế thánh. Xưa kia, sau khi tế xong, con cá to nhất phần người hành tế, con thứ nhì phần kỳ hào, con thứ ba phần người làm cỗ. Cũng theo cụ Trần Xuân Vịnh, trong 7 ván tế tại lễ hội đền Gin, tục tế cá trắm độc đáo nhằm ôn lại sự tích nhân dân địa phương đã dâng gỏi cá trắm cho tướng công Kiều Công Hãn trước khi hoá thần. Cùng với lễ rước cá, tục thi cỗ cũng hết sức độc đáo. Với đôi tay tài hoa, khéo léo, người dân 21 làng, thôn của 2 xã Nam Dương, Bình Minh đã lựa chọn những nguyên liệu tươi ngon nhất, những sản vật nông nghiệp của địa phương, sáng tạo ra nhiều loại cỗ như: “Cỗ ngọc”, “Cỗ các”, “Cỗ đồ đường”, “Cỗ mặn”, “Cỗ tứ linh”, “Cỗ ngũ sắc”... để tỏ lòng thành kính với đức thánh Long Kiều. “Cỗ ngọc” gồm 6 thứ giò, một bát mọc cua bể, một con cá rán, một con chim két, 5 quả nem, một đĩa nộm, một bát gà hầm nguyên con, một bát lòng lợn bung, một bát thịt lợn giả trâu, một bát chả quýt, một cái “cảnh lợn” (thịt vai lợn) và một bát chả chìa. “Cỗ các” giống như “cỗ ngọc” và có thêm một chiếc thủ lợn. “Cỗ đồ đường” được làm rất công phu với 5 loại bánh: bánh khoai, bánh nếp, bánh giáo, bánh gai, bánh ngũ sắc, được đóng bằng khuôn hình vuông, bày trên mâm với 5 bát chè, một đĩa xôi vò. “Cỗ mặn” có rất nhiều món ngon nhưng không thể thiếu được 8 loại giò: giò thủ, giò lá lật, giò chân, giò chả hoa, giò lòng, giò lựu, giò lụa, giò lây được làm hoàn toàn thủ công, giã bằng cối đá và chày gỗ. Với những bí quyết nhà nghề, phương thức làm giò đã được người dân làng Vọc chỉn chu, tỉ mỉ trong từng công đoạn, vừa có chất lượng thơm ngon vượt trội, vừa mang tính nghệ thuật cao. Người dân thôn Xứ Trưởng cũng tài hoa không kém khi mổ lợn, lấy mỡ bọc thành màng mỏng như tấm áo choàng bên ngoài. Có làng còn cầu kỳ dùng xôi gà, các thực phẩm tạo tác hình tượng vị tướng tay cầm giáo đang phi ngựa trên một gò đất có lối mòn, hình tượng lại nơi Kiều sứ quân đã về Bái Dương lần cuối trước khi mất. Hơn 40 kiệu cỗ được trang trí bắt mắt tạo thành đám rước kéo dài hàng cây số trở về đền, sắp xếp theo vị trí đã quy định để chấm giải trong niềm hân hoan, phấn khởi của người dân và du khách thập phương. Chính giữa đặt cỗ kính thiên là cỗ to nhất, làm đẹp và cầu kỳ hơn cả; hai bên sân đền đặt các kiệu cỗ của các thôn, làng với hình thức thể hiện phong phú, đa dạng. Dù giải thưởng cho kiệu cỗ đạt giải rất đơn sơ nhưng đã động viên rất lớn về mặt tinh thần, cổ vũ người dân tiếp tục lao động, sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng no ấm.
Tục thi cỗ đã trở thành nét đặc sắc riêng trong lễ hội đền Gin, không chỉ thể hiện lòng biết ơn, thịnh tình của người dân hai xã Nam Dương, Bình Minh đối với đức Long Kiều linh Thánh Kiều Công Hãn mà còn phản ánh sự tài khéo, văn hóa ẩm thực của người dân nơi đây. Những ngày tháng Chạp, khi cái Tết Nguyên đán đã cận kề, về với lễ hội đền Gin, du khách lại được đắm mình trong những sắc màu văn hóa lung linh, khơi dậy trong mỗi người niềm trân trọng những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc./.
Lam Hồng