Đa dạng các môn thể thao truyền thống trong lễ hội mùa xuân

08:01, 17/01/2020

Dịp Tết Nguyên đán hàng năm, các địa phương trên địa bàn tỉnh lại nô nức tổ chức lễ hội truyền thống. Bên cạnh phần nghi lễ trang trọng, linh thiêng, trong phần hội, nhiều trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống đã được khôi phục thu hút sự tham gia của đông đảo người dân và du khách.

Vào đầu xuân Canh Tý 2020, huyện Giao Thuỷ hoàn thành xây dựng sới vật rộng 1.600m2 tại Khu di tích lịch sử văn hóa Đình - Đền Kiên Hành, xã Giao Hải, với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng. Sới vật có đầy đủ các trang thiết bị như: Đèn điện chiếu sáng, thảm trải sới thi đấu chuyên dụng, các trang thiết bị phục vụ thi đấu và các dãy ghế ngồi cho người xem. Theo thông lệ, vào ngày 5-6 tháng Giêng hàng năm, lễ hội Đình - Đền Kiên Hành được tổ chức nhiều hoạt động thể thao truyền thống, trò chơi dân gian hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân tham gia, trong đó sôi động nhất là môn vật cổ truyền. Xã Giao Hải có truyền thống võ vật với nhiều đô vật nổi tiếng, đội vật của xã luôn đại diện cho huyện tham gia thi đấu và đoạt giải cao tại Giải Vật tự do của tỉnh hàng năm. Nhằm phát triển môn vật truyền thống ở địa phương và đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân, những năm gần đây, xã Giao Hải đã đưa việc phát triển môn vật cổ truyền vào hương ước, quy ước các thôn làng. Cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể trong xã thường xuyên chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của môn vật cổ truyền để các thế hệ trẻ tham gia giữ gìn, phát huy; đồng thời, đưa môn vật truyền thống vào phong trào thể dục, thể thao ở địa phương. Ngoài Lễ hội Đình - Đền Kiên Hành, trong dịp đầu xuân, các địa phương của huyện Giao Thuỷ cũng tổ chức nhiều lễ hội với đa dạng các môn thể thao truyền thống. Lễ hội Đền - Chùa Thanh Khiết, xã Giao Yến diễn ra vào ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch tưởng nhớ các bậc tiền nhân đã có công khai hoang mở đất với các trò chơi dân gian như: chọi gà, tổ tôm điếm và đặc biệt là đi cà kheo. Đây là trò chơi dân gian đã được cải tiến từ hoạt động cụ thể trong đời sống lao động của những ngư dân ven biển. Lễ hội làng Hòe Nha, xã Giao Tiến diễn ra vào ngày 14-15 tháng Giêng âm lịch với nhiều trò chơi dân gian truyền thống; trong đó ngày 14 tháng Giêng sẽ diễn ra cuộc thi bơi chải với các tay chèo trong trang phục truyền thống, đầu chít khăn khéo léo đưa chải lướt đi vun vút trên dòng sông quê. Lễ hội Đền - Chùa Diêm Điền, xã Bình Hòa diễn ra vào ngày 19 tháng Ba âm lịch tưởng nhớ các ông tổ đã có công khẩn hoang lấn biển.

Giải bơi chải thôn Kiên Long, xã Giao Long, Giao Thủy. Ảnh: Chu Thế Vĩnh
Giải bơi chải thôn Kiên Long, xã Giao Long, Giao Thủy. Ảnh: Chu Thế Vĩnh

Trong những ngày lễ hội Đền - Chùa Diêm Điền diễn ra các môn thể thao truyền thống như đấu vật, đấu võ, các trò chơi chọi gà, tổ tôm điếm, thi đấu cờ người… Hấp dẫn nhất là thi đấu cờ người, “quân” cờ là các cô gái trẻ chưa có gia đình tuổi từ 15 đến 17 phục trang rực rỡ. Đội cờ Diêm Điền bao giờ cũng có một đội ngũ trẻ đẹp, trình diễn duyên dáng, tạo cho hội xuân của địa phương một sức hút mạnh mẽ với du khách… Vùng đất cổ Vụ Bản cũng nổi danh với hàng chục lễ hội mùa Xuân ở các xã Trung Thành, Quang Trung, Đại Thắng, Thành Lợi, Kim Thái với đa dạng các các môn thể thao truyền thống, các trò chơi dân gian. Đó là lễ hội Đền Giáp Nhất, xã Quang Trung diễn ra mùng 6, 7 tháng Giêng có tổ chức đánh cờ tướng với sự tham dự của hàng chục cờ thủ trong và ngoài huyện. Lễ hội Phủ Dầy, xã Kim Thái được tổ chức từ mùng 3 đến mùng 8-3 âm lịch hàng năm luôn có các môn: đấu vật, cờ người, múa lân, sư tử, rồng, hoa trượng hội... Huyện Xuân Trường nhiều năm qua đã khôi phục và phát triển môn bơi chải trong lễ hội làng An Cư, xã Xuân Vinh, làng Xuân Bảng, thị trấn Xuân Trường, làng Nhân Thọ, xã Thọ Nghiệp… vào mỗi dịp đầu xuân. Đặc biệt, lễ hội làng Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng diễn ra từ 12-15 tháng Giêng, trong đó ngày 15 là chính hội, diễn ra nhiều trò chơi dân gian như leo cầu ngô trên mặt nước, bắt vịt, cờ tướng, kéo co và độc đáo, sinh động; náo nhiệt nhất là trò thổi cơm thi, làm cỗ chay dâng thánh thần, tổ tiên trình diễn thi toàn bộ từ việc lấy nước, tạo lửa, đến thổi cơm, làm bánh. Nhiều lễ hội có các trò chơi diễn lại những sự tích gắn với nguồn gốc tên làng, gắn với những giai đoạn lịch sử quan trọng của dân tộc như lễ hội làng An Lá, xã Nghĩa An (Nam Trực) từ xưa đã nổi tiếng với các trò múa rồng, múa sư tử; lễ hội Trần Quang Khải, thôn Cao Đài, xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc) có biểu diễn đua thuyền đuổi bắt giặc ngoại xâm tưởng nhớ 3 lần đại thắng quân Nguyên - Mông của quân dân nhà Trần.

Theo thống kê sơ bộ, vào mùa xuân, trên địa bàn tỉnh có khoảng gần 100 lễ hội của các làng, xã được tổ chức khắp các huyện: Nam Trực, Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Ý Yên, Xuân Trường… với các môn thể thao truyền thống như vật, bơi chải, cờ người, cờ trình, kéo co, biểu diễn võ thuật và các trò chơi dân gian như leo cầu ngô, bắt vịt, thổi cơm thi, bịt mắt đập niêu...

Với mỗi người dân, được tham dự các môn thể thao truyền thống, các trò chơi dân gian không chỉ là dịp vui chơi, giải trí sau những tháng ngày lao động vất vả mà còn để thể hiện sự mạnh mẽ, dẻo dai sau quá trình rèn luyện kiên trì. Đó không phải là những vận động viên chuyên nghiệp mà trước khi lễ hội bắt đầu, các thôn, xóm đã lựa chọn những người khoẻ mạnh, khéo léo, mời các bậc cao niên hướng dẫn nên phần thi tài các môn thể thao cổ truyền, trò chơi dân gian diễn ra hết sức sôi động, thu hút được sự cổ vũ của người xem. Do vậy, các môn thể thao truyền thống được khôi phục có tác động khuyến khích phong trào tự rèn luyện, tập thể thao của các tầng lớp nhân dân trong suốt năm. Việc khôi phục và phát triển các trò chơi dân gian, các môn thể thao dân gian trong dịp đầu xuân còn là cơ hội để truyền giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc cho thế hệ trẻ, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo đúng định hướng của Đảng./.

Hoàng Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com