Với bài thơ “Chợ Tết” gồm 44 câu được chia thành ba phần, nhà thơ Đoàn Văn Cừ đã vẽ lên một bức tranh tuyệt mỹ về một phiên chợ Tết, một khoảnh khắc giao thời của mùa xuân. Một khung cảnh làng quê thanh bình, yên ả. Và Tết đến! Buổi sớm mùa xuân mới đẹp làm sao! Lòng người vui náo nức, hân hoan còn cảnh sắc thiên nhiên cũng như quyến rũ gọi mời: Nào ta cùng ra chợ Tết!
Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi
Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà gianh
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh
Người các ấp tưng bừng ra chợ tết
Trước hết là “những thằng cu áo đỏ”, chúng không đi bình thường mà... “chạy lon xon” trên đường, rồi đến “vài cụ già chống gậy bước lom khom” và một “cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ”. Một không khí Tết rộn rã, tưng bừng. Qua một năm ròng lao động vất vả, cực nhọc thì những ngày Tết là dịp để cho những người dân thôn quê nghỉ ngơi, vui chơi; và cũng là để đánh giá thành quả lao động của họ trong suốt năm qua. Và chợ Tết chính là nét đặc trưng cho nền văn hóa thôn quê ấy.
Chợ quê. Ảnh: Chu Thế Vĩnh |
Phần hai bài thơ chính là khung cảnh của phiên chợ Tết. Những “người mua bán ra vào đầy cổng chợ” rồi những món hàng là sản vật làm ra từ bàn tay lao động của người dân thôn quê được bày ra “Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha”, “Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết”… Rộn ràng, đông vui như một đám hội nhưng không vì thế mà hối hả, vội vã:
Lũ trẻ con mải ngắm bức tranh gà
Quên cả chị bên đường đang đứng gọi
Mấy cô gái ôm nhau cười rũ rượi
Cạnh anh chàng bán pháo dưới cây đa…
Người ta đi chợ Tết không phải chỉ để mua bán như những phiên chợ thường nhật, mà là đi để chơi xuân, thế nên cứ việc thong thả. Ngày tết mà! Và kia nữa:
Một thầy khóa gò lưng trên cánh phản
Tay mài nghiên hý hoáy viết thơ xuân
Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm
Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ…
Đây là những nhân vật tiêu biểu cho trí thức nông thôn. Họ ra chợ để bán chữ thật, song vẫn có một phong thái ung dung khác hẳn với các vị chức sắc đằng kia: “áo cụ lý bị người chen sấn kéo” để đến nỗi “khăn trên đầu đương chít cũng tung ra”. Thế mới biết, khi ra chợ Tết thì mọi người đều bình đẳng như nhau; từ “thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ” cho đến bà cụ “nước thời gian gội tóc trắng phau phau” tất cả đều có chung một niềm hân hoan, háo hức đi chơi xuân, đón Tết. Và không chỉ có vậy mà làm nên phiên chợ Tết ấy còn có cả những con vật hiền lành vốn rất gắn bó, gần gũi với nhà nông. Này là “con bò vàng ngộ nghĩnh”, “con trâu đứng vờ dim hai mắt ngủ” và “con gà sống mào thâm như cục tiết/ một người mua cầm cẳng dốc lên xem”. “Con gà sống” món hàng cuối cùng của phiên chợ tết, bởi nó sẽ là vật tế dâng lên bàn thờ tổ tiên vào phút giao thừa thiêng liêng để mong cầu một năm mới an khang, thịnh vượng. Đó đã là một mỹ tục của người Việt từ bao đời.
Thế rồi phiên chợ Tết cũng tàn, không gian như tan ra, trầm lắng xuống “khi chuông tối bên chùa văng vẳng đánh”. Trên con đường lại lũ lượt những người ra về khuất dần trong ánh chiều vàng. Và chỉ còn lại những chiếc “lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ…”. Đoạn kết này đã được hai nhà phê bình văn học Hoài Thanh và Hoài Chân viết trong cuốn “Thi nhân Việt Nam” như sau: “Những câu ấy đã khép lại một thế giới và mở ra một thế giới. Khép lại thế giới thực và mở ra một thế giới mộng. Cảnh trước mắt vừa tan thì tình trong lòng cũng vừa nhóm. Mắt ta không thấy gì nữa nhưng lòng ta bâng khuâng”. Đúng là như vậy, vì xuyên suốt bài thơ là đầy những cảnh sắc tươi vui, nhộn nhịp, hóm hỉnh và cũng không kém phần duyên dáng, ý nhị. Để khi kết thúc, lúc đó ta mới ngẩn ngơ, luyến nhớ vì dường như ta vừa để tuột mất một chút gì thân thuộc quá chừng.
Nhà thơ Đoàn Văn Cừ viết bài thơ “Chợ Tết” khi ông mới ngoài hai mươi tuổi. Từ đó đến nay đã ba phần tư thế kỷ trôi qua, nhà thơ của chốn thôn dã, đồng quê Việt Nam giờ cũng đã thành người thiên cổ. Cuộc sống hiện tại đã có biết bao đổi thay và chợ Tết thôn quê giờ cũng không còn giống như những phiên chợ năm xưa nữa. Thế nhưng, khi đọc lại bài thơ “Chợ Tết”, ta vẫn thấy nó sống động và gần gũi bao nhiêu. Một chút chân chất, mộc mạc của trái bầu, trái bí; của hoa cải, rau răm đã lắng sâu vào tâm thức của mỗi người, và nó vẫn sẽ luôn mãi còn song hành với cái sôi động của cuộc sống hôm nay./.
Trần Hồng Giang