Đến với bài thơ hay

08:01, 17/01/2020

Nhân đọc Báo Nam Định số Tết Dương lịch (ra ngày 1-1-2020), trong đó có bài thơ “Vẫn nguyên hương lúa” của tác giả Nguyễn Thế Khanh, tôi nghĩ tác giả không chỉ viết cho riêng mình.

Câu cuối “Đón xuân Canh Tý đang về”, người đọc hình dung chắc tác giả đang ở xa nguyên quán, rất có thể đang sống ở thành phố, tết đến về thăm quê. Người đã xa quê mà về thăm quê trong dịp tết nên mới “Bâng khuâng trong dạ… đâu quên ngày nào”.

Cái “ngày nào” ấy không phải chỉ là một ngày nào đó cụ thể, mà là cả những năm tháng, những thời kỳ: tác giả đã sinh ra, khôn lớn, học tập và trưởng thành.

Tôi nghĩ, tác giả không chỉ là người thành đạt trong công tác mà còn là người sống có tâm, có lòng yêu quê hương, đất nước, gia đình. Tình yêu ấy từ những điều đơn giản và sâu lắng.

Hình ảnh làng quê “Đồng làng lúa chín… xôn xao mùa về”, “Lũy tre chim hót… tiếng nghe vọng trời”, làng quê đón nắng ban mai, nắng chiều và nhất là lúc hoàng hôn, ánh nắng chiếu xuống trông như “rót mật triền đê”. Làng quê sao mà đẹp quá, thân thương quá!

Xa quê, về thăm quê trong dịp tết nên mới hoài niệm “Tôi là tôi của ngày xưa” để muốn mọi người hiểu rằng: Những hình ảnh đó, việc đó là cảnh thật, việc thật của ngày xưa.

Những người thân trong gia đình, tác giả nhớ đầu tiên là người mẹ “Nâu sờn tấm áo… mấy thời nắng mưa” (!). Đó cũng là hình ảnh người mẹ nông dân Việt Nam chịu khó, chịu đựng.

Còn người cha - người nông dân thuở ấy đều là “bước thấp, bước cao, ôm từng gồi lúa xếp vào bờ Đông” - một dáng dấp lo toan, vất vả.

Đó là những hình ảnh của “cái đận” ngày xưa, nhưng tôi thấy tác giả muốn chú trọng một điều: Trong những lam lũ, khó khăn, vất vả, thiếu thốn của “ngày xưa” ấy vẫn nổi trội lên là tình cảm gia đình, cha mẹ, anh em thật là đầm ấm “Sum vầy có mẹ, có cha/Bên là em gái, bên là em trai”. Và chính từ nếp sống trong gia đình, xã hội thời xưa ấy, tác giả càng thấy nỗi nhớ thương “Bây giờ… còn mất, vắng ai?!”.

Không chỉ là hoài niệm tình cảm gia đình, tác giả còn gợi lại phong tục đẹp đẽ ở vùng quê: được mùa mọi người vui hơn, nhớ đến tổ tiên, ông bà, cha mẹ, “Dâng lên tổ tiên bát cơm đầu mùa”, mà có được mâm cao cỗ đầy như bây giờ đâu. Chỉ có “Ngát thơm cơm tám… rau dưa” nhưng vẫn đậm đà ấm cúng.

Gần câu cuối, tôi cứ băn khoăn tại sao tác giả lại viết: “Vẫn nguyên hương lúa… thơm ngoài đồng quê”. Chắc có lẽ tác giả cho rằng: Mọi sự là hoài niệm, giờ chỉ còn hương lúa thơm ngoài đồng là không thay đổi. Bởi rằng: Nhiều làng quê hiện nay đâu còn nhiều cảnh lũy tre làng chim đậu hót, lũ trẻ ít còn cảnh “Vờn theo cánh bướm, bẫy sâu cào cào”, mà thay bằng tường rào bê tông, nhà cao tầng, môi trường bị hủy hoại, làm gì còn cào cào, châu chấu nhiều như ngày xưa. Phong tục tập quán đẹp đẽ cũng bị lệch lạc đi nhiều.

Nhân ngày tết cổ truyền, qua bài thơ này tôi nghĩ: tác giả muốn gửi tới một thông điệp: Về tình yêu quê hương, đất nước, giữ gìn và phát huy những bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc, bảo vệ tài nguyên môi trường và đặc biệt là tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm. Đây là một bài thơ hay, đơn giản mà sâu sắc.

Đọc bài thơ để nghĩ: Mỗi mùa xuân đến, tết về, mọi người đều hân hoan chào đón, chúc nhau vui vẻ, an khang thịnh vượng để hòa cùng cuộc sống thanh bình của mùa xuân tươi đẹp ở mỗi miền quê, đất nước./.

Phạm Mạnh Hùng
(Xuân Trường)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com