Cùng với phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, năm qua Đảng uỷ, UBND xã Yên Hồng (Ý Yên) đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”.
Làng văn hoá thôn Hoằng Nghị, xã Yên Hồng. |
Đảng ủy, UBND xã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản chỉ đạo của tỉnh, của huyện về nội dung, tiêu chuẩn “Làng văn hóa”, “Gia đình văn hóa” trên hệ thống đài truyền thanh xã, thông qua sinh hoạt các câu lạc bộ, đoàn thể thôn xóm để người dân thực hiện. Hàng năm, xã kiện toàn Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; hoàn thiện quy chế làm việc; tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho các thành viên ban chỉ đạo, cán bộ làm công tác văn hoá cơ sở… Phong trào xây dựng “Làng văn hoá”, “Gia đình văn hóa” lan tỏa, đi vào chiều sâu đã tạo điều kiện thúc đẩy nhân dân địa phương phát triển kinh tế, khơi dậy tinh thần tương trợ, giúp đỡ nhau trong lao động sản xuất, khai thác tiềm năng đất đai, tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao mức sống cho nhân dân. Cùng với nghề nông, nghề mộc thủ công phát triển. Tiêu biểu là nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở thôn Đằng Động được du nhập từ làng La Xuyên, xã Yên Ninh. Thôn có gần 400 hộ thì có tới 95% số hộ làm mộc mỹ nghệ, tạo việc làm cho hơn 600 lao động địa phương, hình thành gần 20 cơ sở sản xuất lớn chuyên chạm, khắc gỗ thủ công; mỗi cơ sở thu hút từ 10-15 lao động. Tiêu biểu như cơ sở sản xuất của các ông: Trần Văn Tuyên, Nguyễn Văn Ngọ, Nguyễn Văn Phong, Đồng Văn Vinh, Đồng Văn Lực… có từ 10-15 thợ chính, doanh thu mỗi cơ sở hàng năm đạt từ 1-1,5 tỷ đồng. Bình quân thu nhập của thợ chạm khắc gỗ lành nghề đạt từ 300-350 nghìn đồng/người/ngày, lao động phụ thu nhập từ 120-150 nghìn đồng/người/ngày. Từ đẩy mạnh phát triển kinh tế, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của thôn giảm còn dưới 1%. Nhờ triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và xây dựng đời sống văn hóa cho nhân dân, đến nay, có 5/6 thôn trong xã được công nhận danh hiệu “Làng văn hóa”. Các thôn: Hoằng Nghị, Lộc Hạ, Cao Bồ… có tỷ lệ gia đình văn hoá luôn đạt trên 90% và giữ vững danh hiệu “Làng văn hoá” nhiều năm liền. Xác định xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hoá là gốc để xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, đến nay, cả 6 thôn đều xây dựng hương ước theo tiêu chí nông thôn mới. Trong quá trình xây dựng và thực hiện hương ước, việc cưới, việc tang được quy định cụ thể: các thủ tục lạc hậu được loại bỏ, thuần phong mỹ tục của thôn được kế thừa và phát huy… Từ việc thực hiện tốt hương ước, người dân đã dần đưa việc thực hiện nếp sống văn hoá đi vào đời sống, sinh hoạt thường ngày, từ việc ăn ở, đi lại, học hành, ứng xử, giao tiếp, lao động sản xuất… Những kết quả đạt được trong phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hoá ở xã Yên Hồng có sự đóng góp tích cực của các đoàn thể như: Hội Phụ nữ đẩy mạnh thực hiện mô hình Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”, Hội Nông dân với phong trào: “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng”; Hội Người cao tuổi với cuộc vận động “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”. Phong trào “Người tốt, việc tốt” được xã lồng ghép vào chương trình xây dựng nông thôn mới và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đã phát huy được hiệu quả. Trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều gương điển hình phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo ở địa phương.
Công tác xã hội hoá xây dựng, củng cố thiết chế văn hoá cơ sở đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong xây dựng nông thôn mới, xã đã huy động được trên 3 tỷ đồng đầu tư xây dựng hệ thống nhà văn hóa, sân thể thao. Đến nay, xã đã xây dựng 3 sân vận động đa năng ở các thôn gồm Lộc Thượng, Đằng Động và Hoàng Nê, diện tích mỗi sân từ 1.800-2.000m2. Từ năm 2015, được sự chỉ đạo của UBND xã, nhà văn hóa của các thôn Hoằng Nghị, Lộc Hạ, Lộc Thượng, Hoàng Nê không đảm bảo theo tiêu chí nông thôn mới đã được xây lại hoàn toàn. Ngoài kinh phí từ nguồn xã hội hoá, ngân sách hỗ trợ của huyện và xã, số còn lại được thu với mức 300 nghìn đồng/khẩu, thu trong 3 vụ/năm. Đến nay, cả 6 nhà văn hóa thôn trong xã đều có diện tích trên 500m2, có đầy đủ trang thiết bị âm thanh, bàn ghế; có tủ sách cộng đồng với hàng chục đầu sách, tài liệu là “cẩm nang” tri thức phục vụ người dân nghiên cứu, tìm hiểu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Xã có 2 thôn Lộc Hạ và Hoằng Nghị đã thành lập được đội văn nghệ quần chúng thường xuyên biểu diễn phục vụ trong các ngày hội làng. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa được xã Yên Hồng chú trọng. Trên địa bàn xã có di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh là Đình Đằng Động, thôn Đằng Động, 1 trong 4 di tích thuộc Quần thể di tích thờ Vua Đinh của huyện. Hàng năm, nhân dân Yên Hồng đã đóng góp công sức, tiền của để trùng tu, tôn tạo kịp thời các hạng mục xuống cấp, cải tạo cảnh quan khuôn viên. Lễ hội tại di tích (15-10 âm lịch) được tổ chức đảm bảo “trang trọng, an toàn, tiết kiệm, văn minh” với nhiều trò chơi dân gian như võ vật, chọi gà, đánh cờ tướng, hát chèo…, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương về dự.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở Yên Hồng không chỉ góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức cộng đồng mà còn tạo sự gắn kết giữa các gia đình, dòng họ, xóm làng. Từ đó, tạo động lực cho nhân dân phấn khởi thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế; đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng