Sáng nay nghe chiếp chiu trên mái ngói tiếng chim én ríu rít gọi, bà nội bảo mùa xuân đã về. Ban đầu, tín hiệu mùa hãy còn khẽ khàng. Trời đã bớt lạnh và khô, tinh mắt lắm mới nhìn thấy một vài hạt mưa xuân rơi nhẹ. Giữa trưa, mưa rơi ngày một dày hạt thì khu vườn bắt đầu rì rào. Cây mận già nội trồng cạnh bờ ao năm nào đón xuân sớm nhất vườn. Cũng bởi lẽ, mỗi năm khi xuân đến, lá của loại cây này thay đổi một cách kỳ diệu. Cứ như thế mà bật mầm xanh nõn, phủ kín cành rồi cây. Rồi thể nào nó cũng bói một vài bông trắng tinh khôi. Giữa những đợt mưa xuân ngày càng dày hơn, những bông hoa trắng cứ thế bung ra khoe sắc. Đến cái gốc cây thâm sì, vỏ cũng đã bớt thâm và mướt mát hơn. Và đất vườn hình như cũng được “cải” mỗi năm một lần vào thời khắc diệu kỳ khi xuân đến. Mặt đất đã bớt màu khô trắng, mềm dần dưới mưa. Cứ như thế, dưới tầng tầng lớp đất thẫm, cây cối được mưa xuân tưới tắm vượt đất vươn cao. Cứ như thế, mạch sống sục sôi, tươi mới lên mỗi ngày…
Mùa xuân này thằng cu Tũn hồi hộp hơn bao giờ hết. Nó mới nhấm một tổ chim én mới. Thực ra nó không nhấm mà là lũ chim chọn một chái nhà làm nơi trú ngụ. Thằng Tũn thích quá, “xí” luôn tổ chim làm của riêng. Ông ngoại bảo với nó, giống chim này chỉ đến nhà một lần duy nhất trong năm vào mùa xuân. Thằng Tũn càng mong mùa xuân ở lại lâu trên… mái nhà nó. Hàng ngày, nó lén lút đưa nào cơm, vài cọng cỏ lên tiếp tế cho lũ chim. Ông bảo với Tũn, chim thích ăn sâu bọ hơn. Thằng Tũn tha thẩn khắp vườn vạch lá tìm sâu. Mỗi ngày nó nhận thấy chú chim non trong tổ càng đổi khác, lông nhiều hơn, mượt hơn, cái mỏ nhỏ xinh mổ thức ăn ngày càng nhanh và chuẩn xác. Thằng Tũn tự hào khoe với cả nhà thành tích nuôi chim của nó. Không ai trong nhà dám bảo với Tũn, có thể hết mùa xuân, nó phải chia tay lũ chim. Bố mẹ rồi ông bà chỉ bảo phải năng bắt sâu nhiều hơn cho chim ăn để lũ chim nhanh lớn, kêu hay hơn. Thằng Tũn thì nghĩ, có các “bạn” chim này thật vui biết bao. Nó say mê lũ chim đến nỗi có những ngày quên ăn, quên ngủ.
Mùa xuân này, bà nội Tũn cũng vui ra mặt. Bà bảo với nó vì đoàn Chèo sắp về làng diễn 2 hôm. Họ sẽ ở nhà văn hóa thôn gần ngay sát nhà Tũn. Bà nội mê hát chèo từ nhỏ và bà cũng là một tay hát chèo có tiếng ở làng. Những năm còn làm ăn trong hợp tác xã, bà thường xuyên được Phòng Văn hóa huyện mời đi diễn xa gần. Đoàn Chèo về sát những ngày giáp tết, thôn xóm nhà thằng Tũn vui như mở hội. Ai cũng tranh thủ lúc không phải ra đồng vào nhà văn hóa chơi, nói chuyện với mấy diễn viên. Đám trẻ thì “đóng đinh” từ sáng đến tối. Sểnh ra không ai để ý là mò vào chỗ để đạo cụ của đoàn. Rồi lặng đi, mở xoe mắt trước những váy vóc áo quần đính cườm lấp lánh, bộ râu, tóc, mặt nạ dùng để hóa trang. Đêm công diễn, bà nội bắt cả nhà ăn cơm sớm, kéo theo cu Tũn cầm ghế ra sân đình “xí” trước chỗ. Trước khi bà đi, ông nội còn hối nó, tắm rửa nhanh lên con ơi. Thằng cu Tũn quýnh quáng quá quên luôn cả tổ chim én. Cả buổi nó ngồi im không nhúc nhích bên bà xem người ta hát múa, diễn tích. Thỉnh thoảng có chỗ không hiểu trên sân khấu nói gì nó lại quay sang bà thì thào, như vậy là sao hở bà. Mắt bà nội sáng như sao nhìn lên sân khấu trong khi miệng vẫn đều đều giảng giải cho cu cháu các tích chèo.
Sát Tết, trời ấm lên nhiều, xóm nhà cu Tũn nhà ai cũng bận. Người người đổ ra đồng lo cấy cày. Sáng mở mắt dậy chạy ra đường, cu Tũn đã thấy người ken đặc khắp các cánh đồng. Tiếng cười nói râm ran, tiếng lụp bụp của mạ non chạm nước vọng vào thôn đều đều. Sáng cả cánh đồng hẵng còn trống không, chiều Tũn đi học về đã thấy mảnh ruộng trước nhà được mặc “bộ quần áo xanh” mới. Đồng trắng nước trong giờ xanh rì màu lúa. Mùi lúa mới, mùi từ những lá mạ non thoang thoảng trong gió xuân đu đưa, cu Tũn căng mũi ra ngửi hết. Chỉ mai kia thôi, những cánh đồng xanh này sẽ ngậm đòng rồi dần dần chuyển vàng rực rỡ mang no ấm về. Chỉ mai kia thôi, cánh đồng lại tiếp tục vào những mùa vụ mới. Ông bà nội cu Tũn đã già không ra đồng được thì chia nhau dọn dẹp nhà cửa. Lúc rỗi rãi bà tranh thủ cắt vườn lá dong, tay thoăn thoắt bó, cuộn để kịp ra chợ Tết. Bà bảo với nó, nếu năm nay lá dong được giá, bà sẽ sắm cho một cái xe đạp mới chuẩn bị cho năm học tới chuyển cấp phải đi học xa. Đêm nào cu Tũn cũng mong vườn lá dong của bà được giá, nó thậm chí đã nghĩ đến việc chọn xe màu gì. Sát Tết, xóm nhỏ càng ồn ào hơn nữa, mặc mưa xuân dầm dề, lũ trẻ cầm cờ đi dong khắp các ngõ. Một vài đứa được bố mẹ sắm cho những chiếc trống bỏi lắc gõ inh ỏi. Chúng trò chuyện, khoe khoang những bộ quần áo, món đồ sẽ được người lớn sắm cho khi đến Tết. Có đứa thì khoe những món ăn ngon mẹ nấu. Và từ bếp lửa mỗi nhà, mùi cá kho, mùi thịt đông, mùi bánh chưng luộc bốc lên thơm lừng, ấm áp. Trong đầu lũ nhóc, mùa xuân gắn với Tết, với những niềm vui, háo hức bất tận.
Mùa xuân này, thằng cu Tũn năm nào đã thành chàng kỹ sư giỏi giang, cao lớn. Thằng Tũn năm xưa chỉ ước được đi chợ Tết với bà giờ đây bàn chân đã đi mòn nhiều miền quê khác, ra cả nước ngoài. Xóm làng xưa nay đã đổi khác, mái nhà xưa cả gia đình quây quần giờ vắng bóng người. Ông bà nội chuyển lên thành phố ở cùng cô chú rồi lần lượt về với tiên tổ. Bố mẹ theo anh con trai cả chuyển vào Nam sinh sống. Người trong xóm giờ người còn người mất, người phiêu bạt làm ăn khắp chốn. Đứng giữa sân nhà vẫn có cảm giác lạ lẫm, bồn chồn, anh cu Tũn đi lại phía chái nhà. Ôi, một tổ chim én vẫn nằm nguyên ở vị trí cũ, vẫn những chú chim nhỏ đáng yêu, háu ăn he hé mắt nhìn người lạ. Thì ra, bao nhiêu năm nay, chái nhà này mặc dù vắng bóng người vẫn là hơi ấm quen thuộc cho lũ chim mỗi mùa xuân về xây tổ mới. Thì ra, mùa xuân đã luôn giữ ấm cho ngôi nhà, hồi sinh cả những cuộc đời bé nhỏ. Tết ra phải sửa lại nhà, khôi phục lại vườn cây, đưa ông bà về với đất tổ thôi, anh cu Tũn tự nhủ./.
Nguyễn Hoa Xuân