Phố nghề Thành Nam xưa và nay

08:12, 27/12/2019

Thành Nam là đất đô thị từ xưa nên vô cùng sôi động quy tụ cư dân từ các miền về sinh sống, lập nghiệp với 40 phố nghề gắn với 40 phường nghề thủ công truyền thống ở các vùng quê về đây lập nghiệp. Trải qua hàng trăm năm lịch sử vật đổi sao dời, phố nghề xưa đã biến thiên cùng năm tháng, nhiều nghề cũ ít sôi động hơn nhưng tinh hoa văn hóa nghề vẫn còn đó.

Chăm chút sản phẩm thủ công truyền thống tại một cửa hàng trên phố Hai Bà Trưng (thành phố Nam Định).
Chăm chút sản phẩm thủ công truyền thống tại một cửa hàng trên phố Hai Bà Trưng (thành phố Nam Định).

Sôi động phố nghề xưa

Nằm giữa hạ lưu 2 con sông lớn của đồng bằng Bắc Bộ là sông Hồng và sông Đáy, Thành Nam xưa vốn là một trung tâm thương nghiệp có nền thủ công mỹ nghệ đa dạng, các phố phường nổi tiếng với nghề thủ công nghiệp, buôn bán sôi động. Nhiều tên phố được đặt theo các phường nghề như: Hàng Tiện, Hàng Đồng, Hàng Sắt, Hàng Nón, Hàng Thiếc, Hàng Cấp, Hàng Mành… Phố Hàng Sắt chuyên sản xuất, buôn bán sản phẩm rèn, gò từ tôn, sắt; Phố Hàng Mành chuyên bán mành tre, đồ luồng nứa; Phố Hàng Song bán vàng mã, hương nến… Phố Hàng Tiện chuyên sản xuất, buôn bán đồ gỗ mỹ nghệ, nghề mộc, chạm khắc từ làng Chôm (Hà Tây cũ) và những người thợ gốc La Xuyên, Cát Đằng xưa là đất Vọng Doanh (Ý Yên); phố Hàng Cấp xưa là nơi chuyên nghề dệt cấp (một thứ lụa quý dệt bằng tơ nõn, dệt lĩnh, the, gấm), lụa của những người thợ dệt gốc làng Đại Mỗ, Tây Mỗ, Vạn Phúc (Hà Tây cũ); Phố Vải Màn là dân làng Dịch Diệp (Trực Ninh), làng Thịnh, Mỹ Hưng (Mỹ Lộc), làng Hoa Chiểu, Tiên Lữ (Hưng Yên); Phố Hàng Mành do người làng Đỗ Xá, xã Điền Xá (Nam Trực), làng Giới Tế, Yên Phong (Bắc Ninh) về đây định cư, làm nghề… các phố nghề không chỉ cung cấp sản phẩm tiêu dùng phục vụ đời sống dân sinh, mà còn mang đến các giá trị văn hoá nghề truyền thống từ khắp nơi hội tụ về, tạo nên sự đa dạng các sắc thái văn hóa. Trong chuyến tác nghiệp tìm hiểu về phố xưa nghề cũ đất Thành Nam, tôi được các cụ cao niên ở phố nghề Hàng Tiện kể về câu chuyện “người thợ tiện giỏi nhất Đông Dương”. Ngày ấy, viên thuyền trưởng một tàu buôn người Pháp đến Phố Hàng Tiện để tiện một quả địa cầu bằng gỗ lõi theo bản vẽ, đường kính 40cm có lỗ khoan 2mm xuyên qua tâm quả cầu. Thời hạn một tuần phải giao hàng, trả 50 đồng Đông Dương; tiền đặt cọc là 5 đồng. Để làm được quả cầu, ngoài việc tìm mua được nguyên liệu gỗ quý, công đoạn khó nhất là khoan lỗ xuyên qua tâm quả cầu với mũi khoan rất nhỏ, chỉ 2mm. Để đảm bảo chính xác điểm khoan, mũi khoan thẳng, người thợ đó đã nghĩ ra cách dùng cây đinh đóng vào điểm đã xác định ở một đầu quả cầu, buộc dây và treo lên giá đỡ rồi lấy gáo nước dội lên quả cầu, đợi giọt nước cuối cùng đọng lại phía dưới quả cầu, ông lấy bút chì đánh dấu điểm khoan và khoan lỗ “xuyên tâm” từ hai đầu vào tâm điểm. Mũi khoan được định vị chuẩn xác, hoàn tất công việc cuối cùng của sản phẩm. Khi khách hàng người Pháp đến nhận hàng, sau khi đo đạc bằng dụng cụ thước dây, compa, ông ta vô cùng kinh ngạc: quả cầu tiện đúng kích cỡ không sai một li. Càng kinh ngạc hơn khi kiểm tra lỗ khoan xuyên tâm nhỏ như ruột bút chì đúng giữa tâm cầu. Thuyền trưởng bước đến choàng ôm ông thợ tiện Thành Nam và sung sướng kêu lên: Giỏi quá! Ông là người thợ tiện giỏi nhất Đông Dương! Tôi đã qua Bangkok, Phnom Penh, Hà Nội, Hải Phòng… không đâu nhận làm. Nếu phải quay về Pháp tôi mất ba tháng và tốn phí hàng nghìn đồng. Không chỉ thanh toán đủ số tiền đã hợp đồng, thuyền trưởng còn trả thêm 50 đồng Đông Dương nữa cho thợ chở quả cầu đi. Nhờ phố nghề phát triển với nhiều người thợ lành nghề, tại Nam Định đã phát triển được các khu chợ “đầu mối” thu hút các thương lái giỏi giang từ các tỉnh trong cả nước như chợ Rồng (ra đời dưới thời Vua Tự Đức, năm 1890), chợ Đò Chè, chợ Vị Hoàng, chợ Cửa Trường, chợ Năng Tĩnh… Vì thế phố nghề Thành Nam một thời sầm uất không kém phố nghề ở kinh thành Thăng Long.

Tinh hoa phố nghề nay

Ngày nay, chỉ còn số ít phố nghề giữ tên cũ như: Hàng Tiện, Hàng Sắt, Hàng Đồng, Hàng Thao, Hàng Cau... Một số ít nghề vẫn còn duy trì như nghề gò hàn tôn thiếc, làm hương… Khách hàng cầu kỳ cần sản phẩm đơn lẻ, giữ đúng nét cổ truyền của các cụ xưa kia đều tìm về phố cổ nghề xưa đất Thành Nam sẽ được đáp ứng thỏa mãn. Con phố Hàng Sắt, ngay đối diện Đền Triều Châu là cửa hàng Nguyên Hương bao năm nay vẫn duy trì làm và bán kẹo lạc Sìu Châu được sáng lập từ những năm 1880 nức tiếng xa gần. Phố Hai Bà Trưng nay gồm nhiều con phố nhỏ xưa như Hàng Thiếc, Hàng Lọng… còn nhiều hộ vẫn duy trì nghề cũ. Gia đình ông Trần Văn Hào, số 58 Hai Bà Trưng vẫn giữ biển hiệu Nghi Sơn từ hàng trăm năm nay. Ông cho biết: Gia đình có nghề thêu cờ phướn phục vụ lễ hội từ thời Pháp. Cá nhân ông đã có 50 năm làm nghề. Đến nay, sản phẩm phan, phướn, cờ lễ phục vụ các nghi lễ Phật giáo của gia đình ông sản xuất vẫn luôn tấp nập khách hàng. Nhiều bạn hàng xa từ Hải Phòng, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh giữ mối quan hệ mua bán vài chục năm nay bởi sản phẩm tâm linh cần người sản xuất có tâm, không à uôm được. Người thêu cờ lễ phải am hiểu chữ Nôm và có kỹ thuật thêu đủ tứ linh long, ly, quy, phượng… mới cho ra sản phẩm tốt. Nếu không biết chữ Hán, chữ Nôm chỉ một nét ký tự sai, cờ phướn dâng lễ sai nghĩa là tối kỵ. Gia đình ông Vũ Thanh Hải ở phố Hàng Thiếc xưa có 4 đời làm hàng tôn. Ông cho biết: nghề gò tôn không có nhiều việc như trước, thu nhập làm nghề cũng thấp do nhu cầu sử dụng của người dân đối với mặt hàng này không nhiều như trước đây nhưng ông vẫn gắn bó bởi đó là nghề gia truyền. Để tiếp tục duy trì nghề, ông cùng các con cháu sáng tạo ra những sản phẩm mới đáp ứng yêu cầu đời sống hiện tại như: lò đốt vàng mã, kệ hàng, bếp nướng…

Thành Nam đang chuyển mình phát triển mạnh mẽ với những khu đô thị mới, những trung tâm thương mại, những tuyến phố thương mại dịch vụ hiện đại tương xứng, đúng với vị thế đô thị trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Những phố nghề xưa còn lưu truyền tạo nên những cung trầm của một bản giao hưởng, Thành Nam mới tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa mà ít có đô thị nào còn giữ được./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương




BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com