Giao Thủy huy động các nguồn lực bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa

06:12, 06/12/2019

Trên địa bàn huyện Giao Thủy có 35 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng, trong đó có 3 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 32 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Những năm qua, huyện Giao Thủy quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích trên địa bàn. Nhiều di tích có nguy cơ xuống cấp đã được sửa chữa, tôn tạo, góp phần giáo dục lịch sử, văn hóa truyền thống, đáp ứng nhu cầu văn hóa tín ngưỡng tâm linh của người dân.

Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Đền - Chùa Tồn Thành, xã Giao Thịnh.
Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Đền - Chùa Tồn Thành, xã Giao Thịnh.

Số lượng di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện Giao Thủy lớn, mật độ phân bố khá dày đặc. Nhiều di tích đã xây dựng từ lâu; có di tích trên 300 năm tuổi do tác động của biến đổi khí hậu đến nay đã xuống cấp. Trước thực trạng đó, UBND huyện tổ chức tập huấn, quán triệt các văn bản quy định của Nhà nước về trùng tu, tôn tạo di tích, tổ chức và quản lý lễ hội cho phó chủ tịch UBND, cán bộ văn hóa các xã, thị trấn; thủ từ, trụ trì các di tích lịch sử - văn hóa đền, chùa trên địa bàn; tuyên truyền cho người dân địa phương về vai trò, tầm quan trọng của công tác quản lý di sản, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích lịch sử - văn hóa, đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa huy động nguồn lực để trùng tu, tôn tạo các di tích. Từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn huyện, nhiều di tích đã được trùng tu, tôn tạo, xây dựng từ nguồn lực xã hội hóa; tiêu biểu như Ðền - Chùa Diêm Ðiền, Ðền - Chùa Hoành Lộ, Chùa Duyên Thọ, Từ đường họ Doãn, Ðền - Chùa Hoành Nha… Ðền - Chùa Diêm Ðiền, xã Bình Hòa là một trong 3 di tích quốc gia ở huyện Giao Thủy. Ðền Diêm Ðiền thờ thành hoàng và các vị tổ lập làng; trải qua thời gian đã xuống cấp trầm trọng. Năm 2017, Ðền Diêm Ðiền được các cấp thẩm quyền phê duyệt đề án hạ giải trùng tu với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng từ nguồn do nhân dân và du khách thập phương tiến cúng. Năm 2018, công trình hoàn thành việc trùng tu, đảm bảo giữ nguyên kiến trúc truyền thống. Tại quần thể di tích lịch sử - văn hóa Ðền, Chùa Hoành Nha, xã Giao Tiến, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích luôn được cấp ủy Ðảng, chính quyền địa phương quan tâm. Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đến nay quần thể di tích này đã chống được nguy cơ xuống cấp và vẫn giữ được nguyên giá trị kiến trúc truyền thống với 3 ngôi đền gồm: Ðền Trung, Ðền Thượng, Ðền Chính và 2 ngôi chùa: Chùa Thượng (An Hưng tự), Chùa Chính (Hưng Long tự). Trong đó, Ðền - Chùa thôn Trung được trùng tu với kinh phí hơn 30 tỷ đồng được huy động từ nguồn xã hội hóa. Xã Hoành Sơn là vùng đất đậm đặc các di tích lịch sử - văn hóa như: Chùa Nổi làng Hoành Nhị, Ðền, Chùa Hoành Lộ, Ðền, Chùa Hoành Tam, Từ đường họ Doãn… Trong đó, Chùa Hoành Lộ và Từ đường họ Doãn thôn Hoành Lộ sau khi được cấp thẩm quyền cấp phép đã tiến hành việc trùng tu, tôn tạo. Từ năm 2016 đến nay, Chùa Hoành Lộ được hạ giải, phục dựng với kinh phí hơn 30 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Hiện nay, các công trình tại chùa đã cơ bản hoàn thành. Ngoài các di tích trên, những năm qua nhiều địa phương trong huyện đã làm tốt công tác bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa; tiêu biểu như: Thị trấn Ngô Ðồng trùng tu Ðền Hoành Ðông và Ðền Chính làng Hoành Nhị với tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng. Xã Giao Yến trùng tu di tích Ðình Ðan Phượng thờ Triệu Quang Phục cùng hai vị tướng Nguyễn Phúc và Nguyễn Lộc với kinh phí 300 triệu đồng từ nguồn công đức của nhân dân. Xã Giao Phong trùng tu, tôn tạo đình Vuông với kinh phí hàng tỷ đồng.

Cùng với huy động các nguồn lực trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, thời gian qua, việc phát huy vai trò của các di tích trong giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ được triển khai sâu rộng trong các trường học ở huyện Giao Thủy. Hàng năm, Phòng Giáo dục và Ðào tạo, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện tổ chức ký kết chương trình phối hợp thực hiện nếp sống văn minh trong trường học; trong đó có nội dung các trường đảm nhận việc chăm sóc và giáo dục truyền thống cho học sinh qua các di tích lịch sử - văn hóa tại địa phương. Trong số 29 trường tiểu học, 23 trường trung học cơ sở trên địa bàn huyện, nhiều trường đã tổ chức thực hiện tốt công tác giáo dục truyền thống lịch sử cho học sinh; tiêu biểu như các trường trung học cơ sở: Ngô Ðồng, Giao Tiến; các trường tiểu học: Giao Phong, Giao Tiến A, Quất Lâm, Giao Thịnh A... Nhiều năm qua, trong lễ hội Ðền Hoành Ðông, đoàn học sinh của Trường trung học cơ sở Thị trấn Ngô Ðồng đều tham gia lễ rước và dâng hương tưởng nhớ công lao các vị tiền nhân có công với quê hương, đất nước. Hàng năm, nhà trường tổ chức cho học sinh tìm hiểu di tích, thân thế sự nghiệp nhân vật được phụng thờ, yêu cầu học sinh viết bài thu hoạch về truyền thống lịch sử địa phương. Xã Giao Tiến có 3 trường tiểu học và 1 trường trung học cơ sở. Ðã thành lệ, chiều mùng 4 hàng tháng, giáo viên và hơn 200 học sinh các khối lớp 3, 4, 5 Trường Tiểu học Giao Tiến A lại tham gia quét dọn vệ sinh trong khuôn viên, khu vực nội tự di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia Ðền, Chùa An Hưng. Sau đó các em tập trung tại khu vực nội tự, nghe giáo viên phân tích giá trị lịch sử, nghệ thuật của di tích, các nhân vật được thờ tại đền, chùa, giới thiệu về truyền thống lịch sử quê hương…, góp phần bồi dưỡng, vun đắp niềm tự hào về quê hương trong các em.

Thời gian tới huyện Giao Thủy tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Luật Di sản văn hóa; thường xuyên quán triệt, nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về ý nghĩa, vai trò của việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Ðẩy mạnh thực hiện xã hội hóa công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa./.

Bài và ảnh: Viết Dư
 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com