Bảo tồn truyền thống giáo dục khoa cử bằng... số hóa

06:12, 06/12/2019

Tại Hội thảo “Văn Miếu - Quốc Tử Giám và giáo dục Nho học Việt Nam” vừa diễn ra tại Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã gợi mở nhiều giải pháp để bảo tồn, duy trì, phát huy truyền thống giáo dục khoa cử ở Việt Nam. Trong đó, thu hút sự chú ý là ý tưởng số hóa, xây dựng bảo tàng lịch sử khoa cử bằng những thành tựu công nghệ, khoa học kỹ thuật thời 4.0.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Mong muốn hiện thực hóa Bảo tàng lịch sử khoa cử

Hội thảo “Văn Miếu - Quốc Tử Giám và giáo dục Nho học Việt Nam” được tổ chức trong bối cảnh ngành giáo dục đang có nhiều đổi mới. Các nhà khoa học nhấn mạnh, giáo dục Nho học từ lâu đã trở thành một biểu tượng văn hiến, trí tuệ của Việt Nam. Hình ảnh từng đoàn dài học sinh, sinh viên tìm đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, dịp lễ, tết hay trước các kỳ thi quan trọng... là minh chứng sinh động, rõ nét cho tinh thần tôn sư trọng đạo, hiếu học của thế hệ trẻ với những bậc tiền nhân, nhà Nho kiệt xuất.

Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhấn mạnh, gắn liền giáo dục khoa cử Nho học Việt Nam không thể không nhắc tới Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Hơn 700 năm qua, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã chứng kiến và lưu dấu chặng đường phát triển của giáo dục Ðại Việt. “Ngày nay, trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là khu di tích lịch sử văn hóa, nơi quảng bá những giá trị văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế và là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về tinh thần tôn sư trọng đạo, hiếu học, hiếu nghĩa của cha ông ta. Cho dù trải qua những thăng trầm của lịch sử, Văn Miếu - Quốc Tử Giám vẫn luôn lưu giữ trong mình tinh thần nhân văn, tinh thần học thuật, truyền thống hiếu học và niềm tự hào về một biểu tượng văn hiến và trí tuệ Việt Nam...”, Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu nhấn mạnh.

Theo các nhà khoa học, để bảo tồn truyền thống quý báu về giáo dục khoa cử ở Việt Nam, ý tưởng xây dựng Bảo tàng lịch sử khoa cử là một giải pháp lý tưởng, được đề xuất cần sớm triển khai. Tuy nhiên, ý tưởng này để thực hiện cũng cần phải có nhiều thời gian cho các công việc như thiết kế, sáng tạo, số hóa khối lượng lớn tài liệu - “nguyên liệu” để hình thành nên Bảo tàng. Nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh và khả năng hiện tại, khoảng 10-15 năm nữa, chúng ta hoàn toàn có thể hiện thực hóa Bảo tàng lịch sử khoa cử tại Văn Miếu.

Tháng 2 năm Ất Mão niên hiệu Thái Ninh thứ 4 (1075), dưới thời Vua Lý Nhân Tông, triều đình mở khoa thi Nho giáo tam trường để kén chọn Minh kinh bác học nhằm tuyển chọn người học rộng, tinh thông sách vở bổ dụng làm quan trong triều đình. Ðây là khoa thi đầu tiên trong lịch sử khoa cử nước ta. Ðến năm 1919, kỳ thi Hội cuối cùng được tổ chức ở Trung Kỳ là dấu mốc chấm dứt chế độ khoa cử Nho học tại Việt Nam. Trải qua 844 năm phát triển, giáo dục khoa cử đã tổ chức 183 kỳ thi đại khoa, lấy đỗ 2.898 vị Tiến sĩ, Phó bảng. Ðây là cơ sở nền tảng để từ đó, ý tưởng triển khai xây dựng một Bảo tàng về lịch sử khoa cử sẽ hình thành trong tương lai.

Số hóa để bảo tồn

Khẳng định trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là địa chỉ lý tưởng cho việc quảng bá những giá trị văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế, đồng thời là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ; bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng lưu ý, nghiên cứu về giáo dục Nho học hiện nay vẫn còn mỏng, chưa đầy đủ. Ở một số di tích lịch sử như Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tài liệu, hiện vật về nền giáo dục Nho học còn hạn chế, việc tiếp cận thông tin, kiến thức về Nho học của người dân và du khách chỉ chủ yếu thông qua thuyết minh của hướng dẫn viên, không có những mô hình tái hiện trực quan sinh động, hấp dẫn.

Vì vậy, việc tái hiện các kỳ thi khoa cử xưa cùng với việc số hóa các tài liệu, hiện vật liên quan đến các kỳ thi để phục vụ người dân, du khách có cơ hội tìm hiểu trực quan, sinh động là ý tưởng được nhiều nhà khoa học quan tâm. Ðây được đánh giá là biện pháp quan trọng nhằm tránh bị mai một những tài liệu lịch sử quan trọng liên quan đến truyền thống giáo dục khoa cử của dân tộc. Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhấn mạnh, trải qua thăng trầm của lịch sử, những hiện vật liên quan đến thi cử, quá trình học của các Nho sinh ngày xưa tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám không còn nhiều. Vì thế, ý tưởng phục dựng lại kỳ thi và đặc biệt là bảo tàng sử dụng công nghệ là cần thiết.

Nhiều ý kiến khác lưu ý, số hóa tư liệu, hiện vật về lịch sử khoa cử sẽ gặp khó khăn do các tài liệu nghiên cứu về lĩnh vực này còn hạn chế. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ðặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam nhận định, ý tưởng Bảo tàng lịch sử khoa cử tại Việt Nam là khả thi. Nền giáo dục Nho học Việt Nam đã đào tạo ra nguồn nhân lực quan trọng, trong đó có nhiều nhân tài, rất cần được bảo tồn để phát huy giá trị giáo dục cho các thế hệ. “Song, xây dựng thành bảo tàng theo truyền thống thì không phù hợp. Chúng ta chỉ nên tạo một góc nào đó trưng bày hiện vật, tư liệu điển hình. Quan trọng là số hóa các nội dung, hiện vật, hình ảnh dưới hình thức 3D. Thực hiện được ý tưởng đó, truyền thống khoa cử của Việt Nam sẽ được lưu giữ và có sức lan tỏa mạnh. Ðó cũng là cách thức bảo tồn di sản trong thời kỳ 4.0”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ðặng Văn Bài nhấn mạnh.

Các nhà khoa học cũng nhấn mạnh, để thực hiện được ý tưởng xây dựng bảo tàng số hóa về nền giáo dục khoa cử ở Việt Nam, cần có sự nghiên cứu kỹ càng, dựa trên hệ thống tài liệu, cơ sở khoa học, lịch sử. Ðồng thời, cần kiên trì, huy động nguồn lực tài chính vì việc sử dụng công nghệ hiện đại đòi hỏi kinh phí chi trả khá lớn./.

Theo Báo Văn hóa
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com