Xã Yên Trị (Ý Yên) là vùng đất cổ nằm ở phía nam huyện Ý Yên với 3 bề được bao bọc bởi con sông Đáy. Bản sắc văn hoá làng quê nơi đây là sự kết tinh của lối sống, phong tục, tập quán, thể hiện đậm nét qua hệ thống di sản văn hoá vật thể, phi vật thể phong phú, đa dạng. Trải qua hàng trăm năm lịch sử cùng với sự lắng đọng của thời gian, những giá trị văn hoá truyền thống ở Yên Trị vẫn đang được các thế hệ người dân quê hương kế thừa, gìn giữ và phát huy trong cuộc sống hiện đại.
Di tích lịch sử - văn hoá quốc gia đền Tướng Loát thờ Chu sư Đại tướng Ngô Quý Duật có công đánh giặc Minh (đầu thế kỷ XV). |
Là vùng đồng bằng chiêm trũng được hình thành trên trầm tích sa bồi nên đời sống người dân Yên Trị trước kia thường xuyên bị ngập úng, lụt lội, thiên tai đe doạ. Cùng với Phật giáo, tín ngưỡng thờ nhân thần, thành hoàng làng, thần hộ mệnh luôn được người dân coi trọng với mong muốn mưa thuận, gió hoà, mùa màng tốt tươi. Trên địa bàn xã có hàng chục di tích gồm: đền, đình, chùa, miếu được xây dựng trong các triều đại nhà Lê, Trần, Nguyễn gắn với các địa danh từng là thái ấp, điền trang của các vua, tướng thời Hậu Trần như: Tướng Loát, Ngọc Chấn, Thôi Ngôi, Hạc Bổng, Vĩnh Trị. Xã có 2 di tích lịch sử - văn hoá được xếp hạng cấp quốc gia là đền Tướng Loát và đền Ngọc Chấn. Hàng năm, lễ hội tại các di tích này đều được tổ chức quy mô lớn. Hội của hai làng tuy khác nhau về không gian và các nghi thức đón rước nhưng đều được tổ chức vào mùa xuân. Đền Ngọc Chấn là di tích nằm ẩn mình dưới bóng cây cổ thụ trong một khuôn viên rộng rãi, thoáng đãng, xa khu dân cư. Đền thờ Đặng Dung - danh tướng thời Hậu Trần. Ông không chỉ là một vị tướng tài ba, quả cảm có công đánh đuổi giặc Minh xâm lược mà còn quan tâm đến đời sống nhân dân, giúp dân đắp đê ngăn lũ, bảo vệ nhà cửa, mùa màng. Với công lao to lớn đó, dân làng Ngọc Chấn đã lập sinh từ thờ Đặng Dung ngay khi ông còn sống để ghi nhớ công ơn. Sau khi tướng quân Đặng Dung qua đời, dân làng đã lập đền thờ phụng bày tỏ lòng thành kính ngưỡng vọng. Trải qua hàng trăm năm, nét đẹp văn hoá làng Ngọc Chấn vẫn được dân làng gìn giữ, phát huy qua các kỳ lễ hội tại đền vào các dịp tết Nguyên đán, tết Đoan ngọ. Cứ vào tháng 3 âm lịch hàng năm, dân làng Ngọc Chấn lại tưng bừng mở hội. Trong ngày hội làng, ngoài tế Thánh còn diễn ra nhiều nghi thức tế, lễ trang trọng như: tế Sắc nhật, tế Tân cốc, tế Mộc dục, tế Yên vị, tế Thượng điền (tạ thần nông), lễ Tán đàn, lễ Kì yên - Kì phúc cùng nhiều trò chơi dân gian truyền thống. Trong đó nổi tiếng và có ý nghĩa nhất là cuộc thi bơi chải được tổ chức 3 năm một lần diễn lại tích “Thuỷ chiến” của Tướng quân Đặng Dung trên sông Đáy. Đúng ngày chính kị (12-3 âm lịch) dân làng Ngọc Chấn cùng dân chài lưới khắp nơi kéo về bãi bơi dự hội. Làng Ngọc Chấn chia làm hai đội bơi thôn Thượng và thôn Hạ. Mỗi đội có 19 người, gồm 16 người bơi, 1 người chấp hiệu, 1 người cầm lái và 1 người tát nước. Thuyền bơi làm bằng gỗ dổi có chiều dài 15m, rộng 1,2m, phân thành 8 phách. Trước khi thi đấu, hai đội bơi ăn mặc chỉnh tề, vai vác dầm bơi, đi hàng đôi làm lễ tế Thánh. Khi làm lễ, một hồi kèn vang lên, hai thuyền bơi lao nhanh xuống dòng nước trong âm thanh rộn rã của tiếng trống. Trong cuộc đua, dưới thuyền mọi người tập trung chú ý theo sự chỉ huy của người lái, trên bờ người xem cổ vũ nồng nhiệt thúc đẩy sự quyết tâm của các tay chèo. Cứ như thế cuộc đua diễn ra 3 vòng, mỗi vòng 2km. Kết thúc cuộc đua là lễ trao giải động viên tinh thần các đội bơi.
Đền Tướng Loát là di tích thờ Chu sư Đại tướng Ngô Quý Duật thời Trần Quý Khoáng (Hậu Trần) có công đánh giặc Minh (đầu thế kỷ XV) và khai phá đất hoang ven sông Đáy lập nên làng Tướng Loát và các làng phụ cận. Hiện nay, làng còn lưu lại nhiều dấu vết liên quan đến việc khẩn hoang, lập làng với các địa danh cổ như: vườn Dinh, cánh đồng Bồng Sâu, Đồng Đìa, mả Vua, mả Thánh, mả Cha, mả Bùng, mả Cả. Hàng năm, cứ từ ngày mồng 6 đến hết ngày mồng 10 tháng Giêng, làng Tướng Loát tổ chức lễ hội truyền thống. Ngày mồng 6 vào hội, dân làng tổ chức lễ cơm mới, đọc văn tế cầu mong mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ. Ngày mồng 7 rước sắc thần ở từ đường ra đền, các phe, giáp tế lễ và tổ chức lễ Yến lão các cụ cao niên trong làng. Ngày mồng 8 kỷ niệm ngày mất của Chu sư Đại tướng Ngô Quý Duật. Ngoài các nghi lễ tế Thần, nhân dân còn tổ chức cuộc thi: nấu cỗ, thổi cơm, làm bánh dày... và các trò chơi dân gian như: vật cầu - diễn lại sự tích tranh cướp đầu giặc, đốt đèn cù, thi đốt pháo chạy, pháo thăng thiên. Đêm ngày mồng 8 có lệ tắt đèn, các giáp luân phiên nhau đánh cồng, cầm lệnh đến sáng. Ngày mồng 9 và mồng 10 tiếp tục tế lễ, hát chèo, thi đấu vật, leo cầu ngô, chọi gà... Các lễ hội làng truyền thống ở Yên Trị tuy chỉ diễn ra với quy mô vừa, đều có chung đặc điểm là nghi lễ cầu mùa và các trò chơi dân gian mang đậm sắc thái của cư dân nông nghiệp lúa nước vùng đồng bằng Bắc Bộ, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, gửi gắm ước mơ về một cuộc sống thanh bình, no đủ, đồng thời động viên nhân dân hăng say lao động, sản xuất.
Bên cạnh các lễ hội làng truyền thống đặc sắc, vùng đất Yên Trị còn là địa danh nổi tiếng của huyện Ý Yên về truyền thống hiếu học. Trên vùng đất khoa cử này, việc học hành được nhân dân đặc biệt coi trọng, trở thành nét đẹp văn hoá của mỗi gia đình, dòng họ, làng xã. Nơi đây đã sản sinh ra nhiều nhân tài qua các triều đại phong kiến Việt Nam. Thời nhà Lê, xã có 4 người đỗ Tiến sĩ. Đó là các ông: Vũ Công Huý Bình, Vũ Công Huý Tiệp, làng Hạc Bổng đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ; Vũ Công Xuyên, Vũ Công Thế Bá, làng Thôi Ngôi đỗ Đệ tam giáp Tiến sĩ. Mỗi gia đình, dòng họ đều có những đóng góp to lớn cho đất nước qua các thời kỳ với nhiều chiến công trong cuộc chiến chống quân Minh. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hàng trăm con em trong các dòng họ: Vũ, Trần, Nguyễn, Phạm, Đỗ đã lên đường nhập ngũ, nhiều người đã anh dũng hy sinh tại các chiến trường. Như mạch nguồn chảy mãi, ngày nay, các con cháu đời sau trong các thôn làng, gia đình văn hoá, dòng họ hiếu học ở Yên Trị vẫn đang tiếp nối, phát huy truyền thống cha ông, viết tiếp những trang vàng của quê hương. Nhiều gia đình, dòng họ đã biên soạn, bổ sung gia phả; chung tay bảo tồn, tôn tạo di tích; đề cao truyền thống văn hoá gia đình, dòng tộc: kính trọng người già, coi trọng kinh nghiệm, nề nếp gia phong hiếu nghĩa, tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết cộng đồng, xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước; nâng cao vai trò, trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình đối với sự phát triển của địa phương, đất nước... Đến nay, toàn xã có trên 80% gia đình được công nhận “Gia đình văn hoá”. Các gia đình, dòng họ còn tích cực tham gia và thực hiện tốt nếp sống văn minh, công tác xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng.
Văn hoá truyền thống với những lối sống, phong tục tập quán trong mỗi gia đình, dòng họ ở Yên Trị luôn giữ vị trí quan trọng trong đời sống cộng đồng. Việc giữ gìn nét đẹp văn hóa làng trong quá trình đô thị hóa nông thôn ở Yên Trị đã phát huy nội lực của các tầng lớp nhân dân trong phát triển kinh tế, tăng cường tình làng nghĩa xóm, cùng nhau xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng