Các đại biểu tham quan trưng bày. Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN |
Bảo tàng tỉnh Hải Dương và Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu vừa khai mạc trưng bày chuyên đề “Gốm Chu Đậu - Tinh hoa văn hóa Việt Nam”. Ban tổ chức đã giới thiệu trên 500 tài liệu, hiện vật, hình ảnh được sưu tầm, chọn lọc từ nhiều lần khai quật tại di tích gốm Chu Đậu thuộc xã Thái Tân; gốm Mỹ Xá, xã Minh Tân (Hải Dương) và những hiện vật gốm được trục vớt từ con tàu đắm ở Cù Lao Chàm (Quảng Nam). Các hiện vật gốm đa dạng và phong phú: bình, lọ, bát, đĩa, ấm, chén… với những họa tiết hoa văn được vẽ thủ công tinh xảo như hoa cúc dây, hoa phù dung, hoa sen, hoa văn thiên nga, chim chích chòe, các loài thủy sản như tôm, cua, cá… Các hiện vật cũng cho thấy sự phong phú về màu men gốm như màu men trắng ngà hoa lam, men trắng trong, vàng nhạt, xanh lục, tam thái. Đến với không gian trưng bày công chúng, đặc biệt là những người yêu cổ vật có cơ hội hiểu thêm về nguồn gốc, lịch sử hình thành và phát triển của gốm Chu Đậu trong dòng chảy lịch sử gốm Việt và thêm trân trọng những giá trị văn hóa của dân tộc.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám ra mắt Khu trải nghiệm cùng di sản
Tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Trung tâm Hoạt động Văn hoá, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã cho ra mắt Khu trải nghiệm cùng di sản để phục vụ thực hiện “Chương trình giáo dục di sản theo phương pháp mới”. Khu trải nghiệm cùng di sản” là nơi diễn ra các hoạt động, trải nghiệm dành cho khách tham quan, nhất là các em học sinh có dịp tìm hiểu chuyên sâu về di sản. Không gian này được trang bị đầy đủ điều kiện phù hợp cho các hoạt động giáo dục di sản: bàn, ghế cho các hoạt động của học sinh như vẽ, nặn... và các thiết bị hiện đại: máy tính, máy chiếu, máy tính bảng... phục vụ cho các hoạt động chiếu phim, clip về Văn Miếu - Quốc Tử Giám, về lịch sử khoa cử Việt Nam. Tại đây cũng có các phương tiện để phục vụ việc trình chiếu, thuyết trình của khách tham quan. Cũng trong dịp này, Trung tâm Hoạt động Văn hoá, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám khai trương phòng trưng bày các sản phẩm lưu niệm đặc trưng của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Phòng trưng bày giới thiệu những quà lưu niệm được thiết kế công phu và chế tác bởi các nghệ nhân của các làng nghề của Hà Nội, mang đậm dấu ấn văn hoá truyền thống của Thủ đô.
Triển lãm “Campuchia - Vương quốc văn hóa” tại Việt Nam
Chiều 19-11, tại Bảo tàng thành phố Cần Thơ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Văn hóa Nghệ thuật Campuchia tổ chức khai mạc Triển lãm “Campuchia - Vương quốc văn hóa”. Đây là hoạt động nằm trong sự kiện Tuần văn hóa Campuchia 2019 tại Việt Nam. Triển lãm mang đến người xem gần 50 bức ảnh nghệ thuật, giới thiệu sự đa dạng của văn hóa Campuchia qua những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, cũng như vẻ đẹp thiên nhiên và sự ấm áp của người dân Campuchia đến với người dân Việt Nam và công chúng. Bên cạnh đó, Triển lãm còn trưng bày một số hiện vật thủ công mỹ nghệ của Campuchia như Sampot Hol, Krama (khăn quàng cổ), trang phục truyền thống, Khmok (sơn mài), chạm khắc da, chạm khắc gỗ, vẽ cổ cùng một số sản phẩm lụa Khmer.
Chương trình giao lưu nghệ thuật Việt - Hàn
Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Hà Nội tổ chức triển lãm “Lối Phong” trong khuôn khổ chương trình giao lưu nghệ thuật Việt Nam từ ngày 19 đến 30-11 tại 49 Nguyễn Du, Hà Nội. Triển lãm trưng bày 25 bức họa do Đào Hải Phong sáng tác trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây. Mỗi bức họa là một cách thể hiện cảm xúc riêng, đậm chất của họa sĩ Đào Hải Phong, với bức tranh quê, ao sen, phố thị… Đặc biệt, để tăng thêm phần thú vị cho khách tới thưởng lãm tranh, một phần biểu diễn độc đáo của nghệ sĩ đàn gayageum Hàn Quốc Jang Yoo Na và nghệ sĩ đàn tranh Hàn Quốc Lee Yoo Bin cũng được diễn ra trong chương trình./.
PV (tổng hợp)