Những năm qua, huyện Nam Trực đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội của Trung ương, của tỉnh được Huyện uỷ, UBND huyện triển khai đến các tầng lớp nhân dân và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 17-10-2016 của Huyện ủy Nam Trực về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở giai đoạn 2016-2020 và Nghị quyết số 13 ngày 12-12-2017 của Huyện ủy, Quyết định số 352 của UBND huyện Nam Trực về xây dựng khu dân cư văn hóa nông thôn mới, đến nay, 100% đơn vị thôn, xóm trong huyện đều xây dựng được quy ước nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Toàn huyện hiện có 352/387 thôn, xóm, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa, 23 khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa nông thôn mới. Trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều đơn vị điển hình về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; tiêu biểu như các xã: Hồng Quang, Nam Thanh, Nam Tiến, Nam Hải, Nam Hùng, Nam Hoa, Nam Hồng, Đồng Sơn, Điền Xá, Bình Minh. Từ năm 2017, xã Nam Hùng đã xây dựng đề án thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và quản lý nghĩa trang nhân dân trên địa bàn xã. Xã làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền qua hệ thống đài truyền thanh xã, lồng ghép nội dung vào các kỳ sinh hoạt câu lạc bộ, giao lưu văn hóa, văn nghệ… Hàng năm, nhiệm vụ thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và quản lý nghĩa trang nhân dân trở thành tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại đảng viên, xếp loại các tổ chức cơ sở thôn, xóm. Bên cạnh đó, xã tăng cường quản lý Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực phục vụ đám cưới, đám tang. Tổ chức rà soát, yêu cầu các tổ chức, cá nhân ký cam kết với UBND xã về việc thực hiện các quy định của địa phương. Nhờ các biện pháp đồng bộ, đến nay nhân dân trong xã đều thực hiện đúng Luật Hôn nhân và gia đình, các đám cưới đều được đăng ký kết hôn theo đúng quy định của pháp luật, không tổ chức kéo dài. Tang lễ được tổ chức phù hợp phong tục, tập quán, tuân thủ quy ước, hương ước của địa phương. Các nghĩa trang có quy chế quản lý và được quy hoạch xa khu dân cư đảm bảo vệ sinh môi trường.
Đoàn rước trong lễ hội Đình Vân Chàng, thị trấn Nam Giang. |
Ở xã Nam Hải, cán bộ, công chức trong xã luôn gương mẫu thực hiện quy ước nếp sống văn minh khi tổ chức đám cưới cho người thân. Các dịch vụ tổ chức đám cưới trọn gói được đông đảo nhân dân hưởng ứng vì sự tiện lợi, chi phí thấp... Từ năm 2007, xã ban hành quy chế quản lý trong việc tổ chức tang lễ, cải táng người qua đời ở địa phương. Hiện nay, các đám tang trên địa bàn xã đều tổ chức theo đúng quy chế, có sự chủ trì của cán bộ thôn, xóm phối hợp cùng gia quyến để các nghi lễ được tiến hành trang trọng, ngắn gọn, lược bỏ các hủ tục rườm rà, ăn uống linh đình; giảm tình trạng rải vàng mã trên đường đưa tang, các tuần tiết sau đám tang gọn nhẹ hơn, bảo đảm vệ sinh môi trường và trật tự công cộng… Đặc biệt, xã phát huy vai trò của các bậc cao niên, trưởng tộc nhắc nhở con cháu đoàn kết, thực hiện tốt các quy định nếp sống văn minh về việc cưới, việc tang theo đúng hương ước, đồng thời nghiêm khắc phê bình những trường hợp vi phạm. Xã Nam Tiến có 4.350 hộ, gần 15 nghìn dân. Đến nay, tỷ lệ gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” đạt 90%. Đạt được kết quả trên, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa gắn với quy ước nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Cả 27 xóm, 5 trường học và các cơ quan, doanh nghiệp đều xây dựng và thực hiện tốt quy ước nếp sống văn hóa; các tổ hoà giải cơ sở đã giải quyết kịp thời các mâu thuẫn nảy sinh trong nội bộ nhân dân ở khu dân cư. Từ sự phát triển của phong trào, hàng năm, nhiều gia đình văn hóa, xóm văn hoá tiêu biểu được UBND huyện tuyên dương, khen thưởng trong hội nghị tổng kết phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Ở xã Bình Minh, cả 17 thôn, xóm đều xây dựng hương ước, thường xuyên được bổ sung, sửa đổi phù hợp với từng giai đoạn. Hương ước đề cao những giá trị luân thường đạo lý, phẩm hạnh con người theo quan niệm đạo đức truyền thống; quy định chặt chẽ về vệ sinh môi trường, phát triển sản xuất, gìn giữ an ninh trật tự, duy trì tình làng nghĩa xóm… Từ đó, các giá trị thuần phong mỹ tục được phát huy, các chuẩn mực đạo đức xã hội được người dân tự giác thực hiện. Thôn Xứ Trưởng, xã Bình Minh có 189 gia đình, với 500 khẩu, nghề chính là sản xuất nông nghiệp. Năm 2018, chi bộ thôn Xứ Trưởng đã ra nghị quyết chuyên đề về xây dựng khu dân cư văn hóa nông thôn mới. 100% các hộ dân trong thôn đồng tình, ký cam kết thực hiện tổ chức việc cưới, việc tang theo quy định của địa phương. Đến nay, các đám cưới trong thôn không tổ chức làm cỗ chia phần và ăn cỗ lấy phần; đám tang không mời thuốc lá, mỗi đám tang chỉ sử dụng tối đa 5 vòng hoa…
Cùng với thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn huyện Nam Trực được thực hiện nghiêm túc. Các địa phương có di tích gắn với lễ hội đều thành lập Ban quản lý và Ban tổ chức lễ hội, xây dựng kế hoạch tổ chức, kịch bản lễ hội theo quy chế, xin phép cấp có thẩm quyền. UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nghiêm các quy định về môi trường văn hóa tại các di tích, du lịch lễ hội tâm linh; chấn chỉnh và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm môi trường văn hóa nơi tổ chức lễ hội. Tại các di tích được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, Ban tổ chức lễ hội yêu cầu bố trí, sắp xếp khu vực đốt hương, hóa sớ; các điểm đặt hòm công đức ở nơi thờ tự được bố trí hợp lý, phân công người thường trực thu gom hương, tiền đặt lễ vào đúng nơi quy định; từng bước hạn chế tình trạng hành khất tại các lễ hội và điểm du lịch văn hóa tâm linh. Phòng Văn hóa - Thông tin huyện hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thực hiện đăng ký, niêm yết giá cả hàng hóa, dịch vụ và bán đúng giá niêm yết, hạn chế các hàng quán kinh doanh vàng mã và đặt tiền lễ không đúng nơi quy định, không để hiện tượng đổi tiền lẻ diễn ra trong lễ hội. Nhờ sự “vào cuộc” quyết liệt của các ngành chức năng và các cấp chính quyền, lễ hội ở Nam Trực đã từng bước tạo ấn tượng đẹp đối với du khách, góp phần phát triển du lịch tâm linh trên địa bàn huyện.
Để nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội thực sự đi vào chiều sâu, thời gian tới, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” huyện Nam Trực tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn bổ sung, hoàn thiện các quy định trong quy ước phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương. Có cơ chế hỗ trợ, khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội./.
Bài và ảnh: Viết Dư