Với hơn 40 năm công tác, chủ yếu trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự, kinh tế, chính trị, kế hoạch đầu tư, có thể nói Phạm Quốc Khánh là người “ngoại đạo văn chương”. Nhưng với năng khiếu bẩm sinh và lòng đam mê thơ ca, anh đã mạnh dạn viết và tích cực sinh hoạt, lắng nghe, học hỏi để nâng dần tầm viết của mình. Sau khi ra tập thơ đầu tay “Hoa của đất” ra đời năm 2013, anh đã học khá nhiều lớp ngắn hạn để nâng cao và thay đổi cách viết. Từ các năm 2016, 2017, 2018 anh liên tục cho ra đời các tập thơ mới. Có thể thấy ngòi bút của anh đã sáng láng và nâng lên rõ rệt qua những bài viết của từng tập thơ. Và nhờ đó, anh đã được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Hà Nội. Đó chính là kết quả những năm tháng phấn đấu bằng trái tim, khối óc, bền bỉ, quyết tâm và sáng tạo!
Tập thơ đầu tay “Hoa của đất” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn - 2013) hầu như là các bài thơ phổ nhạc. Hàng trăm bài được phổ nhạc thành bài hát với ca từ đẹp, để lại cho đời món quà tặng cuộc sống khi bay bổng, khi sâu lắng, thật dễ thương! Nhạc sĩ Vũ Trung và anh đã thành duyên thi - ca, thành đôi bạn đồng hành làm nên các ca khúc sôi nổi, bất tận trao tặng, kỷ niệm, dự thi… mang về hàng chục giải thưởng cấp quốc gia, cấp ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp, là niềm vinh dự, tự hào của anh.
Trong tập thơ, có nhiều bài giàu chất thơ và trí tuệ: Khi nói về cảm xúc trước công sức lao động vất vả của anh công nhân thủy nông với ngành nông nghiệp, nông dân và nông thôn, anh đồng cảm:
“Lo trước muôn người nỗi lo úng hạn
Giọt mồ hôi anh trong bồ thóc mỗi nhà”
(Tưới mát đời yêu)
Và những lúc anh viết về cảnh đẹp của thiên nhiên, những câu thơ “tức cảnh sinh tình” cũng rất tài hoa:
“Bút hoa ghi mãi những vần thơ
Tình ai nhật nguyệt tỏa không mờ
Đáy nước nghiêng soi như xáo động
Rất tình rất thực lại rất thơ…”
(Như là truyền thuyết)
Ở tập thơ thứ hai - “Thu mong manh” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn - 2016), khởi đầu viết về mùa thu, anh cảm nhận sự hiện diện của mùa thu rất nhẹ, rất mờ ảo tới mức mong manh:
“Bên kia là cả dòng xuân
Mà sao chẳng cập một lần biếc xanh
Tím chiều Thu vẫn mong manh
Hồn giông bão đỏ, than thành lá bay”
(Thu mong manh)
Một mùa Thu, cho dù chiều tím cả hoàng hôn thì vẫn mong manh như muốn tan biến bởi sự có mặt tới mức hư ảo của “dòng xuân” từ phía “bên kia” và bên này là “tím chiều” đầy đối nghịch, nhưng lại muốn bốc cháy bởi tình yêu, cái cháy ấy lại hóa thân thành sức sống mới, như lá xanh vẫy gió bay mãi trong tâm khảm người đọc và nó nồng cháy đến mức “Hồn giông bão đỏ, than thành lá bay…”. Ý nghĩa của bài thơ viết về hai trạng thái, một bên là cả dòng xuân, tươi trẻ tràn đầy sức sống, còn một bên là ở thời hoàng hôn “tím chiều” mà trạng thái tâm hồn vẫn mãnh liệt như muốn bùng lên thành giông bão.
Một sự tiếc nuối sâu xa, khiến người đọc thấy nao lòng. Anh đa tình mà lịch lãm biểu hiện qua những câu thơ xa xôi mà bóng bảy. Đà viết và chất huyền ảo rất thơ của anh còn được đẩy tiếp với những câu:
“Nắng vàng vuốt ngực sông mơ
Vẽ nên giấy gió trao chờ ý ai”
(Hồn bút)
Trong tình yêu, sự chân thành là giá trị cao quý nhất, có thể nó ít chất thơ nhưng lại rất thấm thía với người thực sự đặt mình trong một cuộc tình, thấu hết ý nghĩa của nó, ví như:
“Anh không bao giờ muốn xa em
Bởi như duyên trời thánh thiện”
“Một tấm lòng tươi như xuân gọi
Lại về bên em bến đỗ tình yêu”…
(Tình anh)
Và chính vì thế mà dường như tất cả những gì liên quan đến tình yêu, đến người mình yêu đều thấy rất đáng yêu:
“Sông dài để bến ngẩn ngơ
Cứ yêu cả những đợi chờ ngóng trông”
(Cách trở)
Cũng trong tập thơ này, anh viết về tình yêu rất dịu dàng tinh tế như bài “Lửa tình”, mặc dù trong suốt bài thơ không có câu nào mang hai tiếng “lửa tình” mà bài thơ lại mang một ý nghĩa đá vàng thật sâu sắc:
“Không trao đá, chẳng hẹn vàng
Mà con tim với tình chàng cứ xanh”
(Lửa tình)
Đến với tập thơ thứ ba “Ước vọng xanh” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn - 2017), trong bài “Ru gió mùa Thu”, anh viết về lời ru giữa đêm thu, tưởng là tiếng ru con của người mẹ trẻ, nhưng không phải thế! Câu thơ đầy chua xót, thương cảm dành cho người con gái đã có người chung chăn gối nhưng vẫn cô đơn trống trải trong trái tim vì lý do nào đó mà cuộc đời trở thành bất hạnh. Anh viết:
“Trăng nghiêng phía lẻ song cài
Thơm lên mặt sóng tiếng ai... ru chồng...”
Thơ Phạm Quốc Khánh có nhiều câu đắt giá, bởi anh luôn mang đến sự bất ngờ cho người đọc, gây những cú ngoặt rẽ ngang sự phỏng đoán của người đọc. Như câu thơ trên, ai mà không nghĩ là tác giả đang tả cảnh người mẹ ru con, nhưng thật bất ngờ tác giả lại dẫn dắt người đọc đến một tình huống khác: “ru... chồng...” đầy uẩn khúc.
Tập thơ thứ tư - “Cộng vào khoảng trống” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn - 2018) của Phạm Quốc Khánh gồm 58 bài thơ, chúng ta thấy một sự sáng tạo và đổi mới trong thơ anh cả về hình thức lẫn nội dung, phản ánh được những sự kiện đã và đang diễn ra trên đất nước, cũng như của riêng mình. Ở tập thơ này anh đã mạnh dạn đi theo một hướng mới, một hơi thở mới. Đó là con đường nghệ thuật thơ ca “thời công nghệ 4.0”. Ta hãy xem trong tập này, thơ Phạm Quốc Khánh có những câu thơ ảo tới mức vô hình:
“Em buông một nửa hư không
Hồn anh cộng với dòng sông nhân tình”
(Cộng vào khoảng trống)
Hay trong bài “Tương tư” anh đã viết những câu vừa tượng hình, vừa hư ảo rất ám ảnh:
“Đò xưa bến lặng xoãi chiều
Lòng xuân, thơ vẫn xanh phiêu nhịp mùa”
Khi đọc hết tập thơ, chúng ta nhìn thấy toàn bộ bức tranh đa dạng dưới hình thức thơ cách tân hiện đại. Những bài thơ mới mẻ, đầy sức hấp dẫn đưa bạn đọc đến từng ý tưởng sáng tạo, khẳng định được tài năng của người cầm bút. Anh sử dụng cách ngắt dòng, bẻ ngang câu thơ lục bát, biến tấu thành thể thơ tự do nhưng không thay đổi âm điệu gieo vần. Cách viết này khiến người đọc không bị nhàm chán và mang lại những cảm xúc mới mẻ trong thơ. Như tại bài “Phù sa”:
Dòng sông
lắng bãi sa bồi
Khuyết hao…
dành để ngọt bùi phù sa
Dòng đời
đôi hạt mình - ta
Phù sa rót mọng phù sa
cuộc này…”
Với những gì đã phân tích ở trên, chúng ta có quyền trông đợi, thơ Phạm Quốc Khánh sẽ sáng láng với sức bật cao và xa hơn, hy vọng góp phần tỏa sáng trên văn đàn và giành được nhiều hơn nữa niềm yêu mến của bạn đọc./.
Nguyễn Thị Bình
(Hội Nhà văn Hà Nội)