Thôn Rạch, xã Hồng Quang (Nam Trực) là vùng đất hiện còn lưu giữ một “đặc sản” văn hóa dân gian nổi tiếng cả trong và ngoài nước, đó là nghệ thuật múa rối nước. Các phường rối trước kia chủ yếu hoạt động theo hình thức phục vụ hội hè, đình đám tại chỗ nên người dân trong làng, xã chính là thành phần chủ yếu tham gia biểu diễn và chế tạo con rối.
Nghệ nhân Phan Văn Mạnh, Trưởng Đoàn rối nước tư nhân Sông Quê ở xóm Rạch Tây, xã Hồng Quang (Nam Trực) cùng nhân vật rối nước nổi tiếng: Chú Tễu. |
Anh Phan Văn Triển, 42 tuổi, chủ xưởng chế tác rối nước tại xóm Rạch Trung cho biết: “Hiện tại, mỗi tháng, gia đình tôi sản xuất được 200 con rối nước theo đơn đặt hàng của khách đủ diễn 18 tích trò. Thu nhập từ nghề chế tác con rối nước cũng từng bước được nâng cao do ngày càng nhiều người biết đến và yêu thích nghệ thuật múa rối nước”. Cả thôn Rạch hiện có 7 hộ gia công con rối nước. Để làm được các con rối nước theo tích cổ chuẩn theo cha ông xưa là cả một quá trình kế thừa, tìm tòi, sáng tạo của các nghệ nhân chế tác rối nước. Theo anh Triển, người nghệ nhân tạo hình rối nước thường dưới dạng “sao chép” các nguyên mẫu nhân vật ngoài đời và tưởng tượng theo ý thức hệ gắn liền với hơi thở cuộc sống làng quê đương đại; từ đường nét khuôn mặt, trang phục nông thôn đến dáng dấp kiến trúc đình làng, chất liệu sơn vẽ, màu sắc bối cảnh đều giản dị, dân dã, gần gũi nhằm tạo nên bối cảnh sát thực nhất với nông thôn. Nghệ thuật chế tác con rối nước rất tự nhiên dựa trên kinh nghiệm, cảm quan của nghệ nhân chứ chưa được nghiên cứu và hướng dẫn thành quy trình cụ thể. Có thể nói, ngay từ khi ra đời, con rối nước và nghệ thuật múa rối nước đã được “xã hội hoá”. Riêng với múa rối nước, tạo hình nhân vật được kết hợp hài hòa hai yếu tố: điêu khắc dân gian và điêu khắc cung đình. Tạo hình rối nước có đặc điểm là thể hiện tính cách nhân vật rõ nét, có chất rối (ngây ngô, ngộ nghĩnh). Để có một con rối nước hoàn chỉnh phải qua những công đoạn: Nghiên cứu kịch bản - Vẽ maket (nhân vật) - Chọn loại gỗ thích hợp (thường dùng gỗ sung, gỗ mít là loại gỗ nhẹ, có độ bền khi ngâm trong nước, có thớ và dai) - Đục tạo tác con rối theo kích cỡ, hình dáng đã lên trong maket (có con rối phải đục rỗng bên trong để giảm trọng lượng) - Phơi khô, làm nhẵn bề mặt con rối - Hong sơn ta (loại sơn chống thấm nước giữ độ bền gỗ), phần đế xốp được quấn nhiều lớp vải mỏng (vải màn) phủ sơn ta và phơi khô - Thếp bạc, vàng cho con rối (theo tính cách nhân vật) - Hóa trang con rối phần lưng con rối Lân, Sư tử hoặc phần đuôi con rối Phượng, được may bằng vải dầy, cao su miếng hoặc chất liệu cứng, có trang trí họa tiết - Lắp máy, dây, sào con rối (bộ máy tùy thuộc tính cách nhân vật). Để hoàn thành một bộ rối nước phải mất khoảng 4-5 tháng, chưa kể nếu thời tiết ẩm thời gian còn kéo dài hơn vì chờ con rối khô hoàn toàn với 7-8 lớp sơn. Đa phần kích thước con rối nước không to, chỉ khoảng 30cm-70cm. Tạo hình con rối nước đều theo chuẩn ước lệ “Chân - Thiện - Mỹ” của cha ông xưa như: nữ thì mặt trái xoan, thắt đáy lưng ong, nam mặt vuông chữ điền, răng đen... Các tuyến nhân vật múa rối nước đa dạng theo các chủ đề bao quát mọi lĩnh vực cuộc sống đến đời sống tâm linh như thần linh (bát tiên), linh vật (long, ly, quy, phượng), anh hùng dân tộc và các con người, vật thường ngày của làng quê Việt Nam xưa (con trâu, con gà, nông cụ). Về màu sắc, trước kia các nghệ nhân thường dùng sơn màu đỏ, màu hồng diện, màu đen, vàng dòng..., còn hiện nay màu đã đa dạng hơn tuỳ theo bối cảnh thời đại kịch bản. Về cách tạo tác, con rối từ đầu đến thân được tạc liền trên một khúc gỗ, chân, tay được gắn vào thân bằng những cái chốt gỗ. Trang phục con rối hầu hết bó sát vào người vì tạc liền trên một khúc gỗ, ranh giới phân biệt là màu sắc. Nhìn chung con rối nước đều phải giữ nguyên “hồn chất” tươi vui, ngộ nghĩnh, hồn nhiên, hóm hỉnh, hài hước.
Ông Phan Văn Mạnh, Trưởng Đoàn rối nước tư nhân Sông Quê, xóm Rạch Tây cho biết: Các phường rối của làng Rạch hiện có gần 1.000 con trò với hơn 40 tích trò khác nhau. Ngoài phục vụ du khách nước ngoài tham quan tại địa phương, các phường rối tư nhân tại thôn cũng mở thêm các thuỷ đình nhỏ biểu diễn tại nhà và truyền dạy nét độc đáo, tính nhân văn, giáo dục nhẹ nhàng sâu lắng mà cha ông xưa gửi gắm trong nghề múa rối nước cho học sinh, sinh viên. Cùng với sự phát triển nghề múa rối nước, công việc tạo tác các con rối nước luôn được các gia đình truyền tay nhau theo nghiệp “cha truyền, con nối”. Khi du lịch phát triển, du khách quan tâm nhiều đến rối nước, nhiều thợ chế tác rối nước đã nhanh nhạy chế tác vật lưu niệm hình các con rối nước nhỏ gọn vừa tạo thêm doanh thu, vừa góp phần giới thiệu rộng hơn về nghệ thuật múa rối nước dân gian. Chính vì thế, cùng với các sự tích cổ, số lượng các con rối nước theo hướng hiện đại cũng không ngừng phát triển phù hợp với thị hiếu đa dạng của khán giả, tăng thêm sức hấp dẫn cho rối nước. Các thợ chế tác cũng không ngừng trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, chau chuốt kỹ năng để tạo thêm nhiều con rối sinh động, phức tạp hơn góp phần vào thành công của các tiết mục, vở diễn…
Trải qua bao thăng trầm cùng nghệ thuật múa rối nước, nghề chế tác con rối tại thôn Rạch vẫn được người dân nơi đây bền bỉ “giữ lửa” đóng góp lớn cho sự thành công trong việc quảng bá nghệ thuật múa rối nước dân gian đến với người dân trong và ngoài nước./.
Bài và ảnh: Đức Toàn