Những năm qua, các nhà trường, đơn vị giáo dục trong tỉnh đã quan tâm xây dựng và nâng cao văn hóa đọc trong môi trường học đường thông qua khai thác hiệu quả hệ thống thư viện nhà trường và các thư viện lớp học. Qua đó, giúp học sinh rèn thói quen đọc sách, nâng cao kiến thức ngoài giờ học.
Giáo viên dạy lớp 7A3 Trường Trung học cơ sở Lý Tự Trọng (thành phố Nam Định) giới thiệu sách cho học sinh tại tủ sách lớp học. |
“Cú hích” quan trọng trong phát triển văn hóa đọc ở các trường học trên địa tỉnh là 3 năm qua, tỉnh ta đã triển khai Chương trình “Xây dựng 12.662 tủ sách lớp học”. Đến nay toàn tỉnh có gần 9.000 tủ sách lớp học ở các cấp học với 199 nghìn đầu sách, hơn 725 nghìn bản sách; tổng giá trị đầu tư trên 14 tỷ đồng. Nhằm phát huy hiệu quả hoạt động thư viện trường học và tủ sách lớp học, các trường tích cực hướng dẫn học sinh kỹ năng đọc sách cơ bản cũng như định hướng lựa chọn sách hay. Ở một số thư viện trường học còn tổ chức phát thẻ đọc cho học sinh đọc sách trong các giờ ra chơi, luân chuyển sách trong thư viện nhà trường đến các tủ sách lớp học; giao học sinh tự quản lý tủ sách và cho mượn sách; lồng ghép tổ chức các hoạt động khuyến khích việc đọc sách như: Thi giới thiệu sách, thi kể chuyện, đọc thơ trong các buổi sinh hoạt tập thể; thi đọc và làm theo sách, tặng sách cho học sinh giỏi… Ở bậc trung học phổ thông, các trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong (thành phố Nam Định), Trung học phổ thông A Hải Hậu đã đầu tư xây dựng hệ thống thư viện và thư viện điện tử, có cán bộ thư viện chuyên trách nên đã phát huy hết công suất hoạt động phục vụ giáo viên và học sinh. Ngoài những kiến thức tiếp thu được từ bài giảng của thầy, cô giáo, nhiều học sinh đã mở mang kiến thức tổng hợp nhờ đọc sách ở thư viện nhà trường. Ở bậc trung học cơ sở, nhiều trường đã phát huy hiệu quả thư viện trường học và các tủ sách lớp học, gắn với các hoạt động giới thiệu sách, tiêu biểu như các trường trung học cơ sở: Trần Đăng Ninh, Lý Tự Trọng, Hoàng Văn Thụ, Phùng Chí Kiên (thành phố Nam Định)… Trường Trung học cơ sở Lý Tự Trọng có thư viện nhà trường đạt chuẩn từ năm 2015; cả 20 lớp của 4 khối trong trường đều xây dựng tủ sách lớp học. Với khối lượng sách đa dạng, phong phú gồm sách đạo đức, khoa học, văn học, lịch sử, danh nhân, kỹ năng sống và ngoại ngữ... Các tủ sách lớp học định kỳ từng tháng luân chuyển mượn sách của thư viện nhà trường. Đối với hệ thống thư viện học đường ở địa bàn nông thôn, thời gian qua cũng được quan tâm đầu tư từ nhiều nguồn. Các trường trung học cơ sở: Đào Sư Tích, Trực Nội, Trực Hưng (Trực Ninh) vừa qua được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc trao tặng 3 thư viện nhỏ từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) về lĩnh vực văn hóa giáo dục. Dự án cung cấp khoảng 6.000 cuốn sách cho các trường học bao gồm các đầu sách do Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam tham vấn và các tác phẩm văn học Hàn Quốc được dịch sang tiếng Việt. Bên cạnh đó, còn có hơn 110 tài liệu khác giúp các em tiếp cận đến văn hóa Hàn Quốc như KPop, phim truyền hình, phim điện ảnh Hàn Quốc, hoạt hình… Ngoài ra, để mở rộng không gian văn hóa cộng đồng, các thư viện cũng được hỗ trợ lắp đặt hệ thống máy tính, màn hình và máy chiếu.
Ở cấp tiểu học, hiện toàn tỉnh có 49 trường đạt thư viện tiên tiến, 25 trường tổ chức mô hình thư viện Room to Read lấy học sinh làm trung tâm… Để định hướng văn hóa đọc, giúp học sinh có niềm say mê với việc đọc sách, một số trường tiểu học trong tỉnh đã triển khai mô hình thư viện vườn trường, thư viện “di động” đặt tại sân trường, dưới những bóng cây xanh hay tại mỗi lớp học đảm bảo các em dễ dàng lựa chọn sách và có thể đọc sách trong mọi thời gian rảnh rỗi. Huyện Nghĩa Hưng có 23 trường tiểu học có thư viện đạt chuẩn quốc gia, 6 trường có thư viện đạt chuẩn tiên tiến, mỗi thư viện có trên 1.000 đầu sách đa dạng về chủng loại, gồm: Sách tham khảo của học sinh, giáo viên; sách giáo khoa, sách nghiệp vụ giáo viên; sách pháp luật, sách kinh điển, từ điển, sách trò chơi luyện trí thông minh, sách khoa học đời sống, sách giáo dục đạo đức và truyện, một số báo, tạp chí. Hệ thống thư viện tiên tiến được trang bị đầy đủ thiết bị phục vụ giới thiệu sách, cập nhật thông tin và tra cứu tài liệu trên mạng. Ở huyện Xuân Trường, một số xã huy động được nguồn xã hội hóa xây dựng được thư viện khang trang, trong đó tiêu biểu là thư viện trẻ em được đặt ở Trường Tiểu học Xuân Hồng B. Thư viện được xây dựng trên diện tích 325m2, với kinh phí 2,5 tỷ đồng, trong đó 2 tỷ đồng do cụ Mi-chi-ko Te-ra-ya-ma (người Nhật Bản) tài trợ, phần còn lại do phụ huynh học sinh và con em xa quê hương đóng góp. Phần lớn diện tích thư viện được bố trí làm phòng đọc, ngoài ra còn có phòng đa năng để các em nhỏ luyện tập thể thao, hát múa… cùng các công trình phụ trợ. Trong phòng đọc có khoảng 5.000 cuốn sách, chủ yếu là sách văn học, ngoại ngữ, dạy kỹ năng sống… dành cho lứa tuổi thiếu nhi.
Đồng hành cùng các nhà trường ở các cấp học, thời gian qua, Thư viện tỉnh đã tích cực hỗ trợ các trường trong quá trình xây dựng thư viện đạt chuẩn như: Tư vấn về cơ sở vật chất, tổ chức kho tàng phù hợp, cử cán bộ thư viện hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ… Từ năm 2007, Thư viện tỉnh đã tiến hành đưa sách báo luân chuyển phục vụ tại các trường học. Thực hiện chương trình phối hợp công tác giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Sở Giáo dục và Đào tạo, đến nay, Thư viện tỉnh đã thực hiện luân chuyển tại 20 điểm trường trên địa bàn tỉnh với bình quân 500 bản sách mỗi điểm. Một số trường thực hiện việc mượn - đổi sách theo định kỳ và sử dụng hiệu quả nguồn tài liệu của Thư viện tỉnh như các trường trung học cơ sở: Cổ Lễ, Trực Nội (Trực Ninh); các trường tiểu học: Hải Giang, Hải Đường (Hải Hậu)… Đặc biệt, từ tháng 4-2018 đến nay, xe ô tô “thư viện lưu động” của Thư viện tỉnh đã tới 45 điểm trường học, tổ chức các hoạt động phục vụ đọc sách, chiếu phim tuyên truyền về văn hóa đọc…, giúp đưa sách tới gần hơn giáo viên, học sinh, lan tỏa giá trị của sách và khơi dậy văn hóa đọc.
Xây dựng thư viện học đường, phát triển văn hóa đọc trong các nhà trường cũng là một trong những hoạt động nhằm đổi mới phương pháp dạy và học, tạo nền tảng quan trọng rèn luyện ý thức tự học, nghiên cứu góp phần phát triển cộng đồng đọc sách, tôn vinh văn hóa đọc./.
Bài và ảnh: Viết Dư