Thời gian qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với xây dựng nông thôn mới ở huyện Ý Yên được các cấp uỷ Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo; tạo sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, góp phần tích cực vào xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, tạo nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Lễ hội Đình Ruối, xã Yên Nghĩa. |
Để triển khai hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, Huyện ủy Ý Yên đã ban hành Nghị quyết số 07 về “Xây dựng và nâng cao chất lượng đời sống văn hoá cơ sở, giai đoạn 2016-2020”, Chỉ thị số 04-CT/HU ngày 21-6-2017 về “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn huyện”. Hàng năm, Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” từ huyện đến cơ sở đều xây dựng, triển khai kế hoạch nhằm củng cố, nâng cao chất lượng đời sống văn hoá cơ sở. Trong đó, tập trung tuyên truyền, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế, giúp nhau thoát nghèo; giữ vững an ninh trật tự, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; xã hội hoá các hoạt động văn hóa, thể thao; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; phát huy thuần phong mỹ tục, bài trừ các hủ tục lạc hậu và tệ nạn xã hội... Các xã, thị trấn không ngừng duy trì, nâng cao chất lượng các danh hiệu “Làng văn hoá”, “Gia đình văn hoá”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, trạm y tế đạt chuẩn nếp sống văn hoá”, đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội nhằm xây dựng, khai thác và sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở. Trong phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, các xã, thị trấn hướng dẫn các thôn, xóm vận động các hộ dân đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm tại chỗ cho nhiều lao động, góp phần nâng cao đời sống nhân dân. Trong phong trào xây dựng “Làng văn hóa”, các thành viên Ban chỉ đạo “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” của huyện phụ trách cơ sở tổ chức kiểm tra, thẩm định các đơn vị đăng ký xây dựng nếp sống văn hóa vào dịp cuối năm; đồng thời tiến hành phúc tra các danh hiệu văn hoá, kịp thời xử lý, thu hồi danh hiệu nếu xét thấy có dấu hiệu vi phạm các tiêu chí. Đến nay, toàn huyện có 401/416 thôn, xóm, tổ dân phố đạt danh hiệu “Làng văn hóa”; 58.424 hộ được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” (đạt tỷ lệ 85,7%). Nhiều địa phương thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, tiêu biểu như các xã: Yên Trị, Yên Khang, Yên Nghĩa, Yên Chính, thị trấn Lâm… Qua phong trào xây dựng “Làng văn hóa”, “Gia đình văn hoá”, nhiều làng nghề truyền thống được bảo tồn, phát huy như: sơn mài Cát Đằng, chạm khắc gỗ La Xuyên, đúc đồng Tống Xá, khảm trai Ninh Xá…; một số làng nghề mới đang phát triển như: nghề may xuất khẩu ở các xã Yên Trị, Yên Tân, Yên Cường; nghề mây, tre, nứa xã Yên Hồng, Yên Thắng, nghề trồng cây cảnh xã Yên Phúc, Yên Phong… Việc bảo tồn, phát huy những làng nghề truyền thống, xây dựng những làng nghề mới đã tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động tại địa phương; thu nhập được cải thiện, đời sống người dân được nâng lên là điều kiện thuận lợi để nhân dân đóng góp kinh phí xây dựng nông thôn mới. Phong trào xây dựng nếp sống văn hóa trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, trạm y tế được tăng cường, góp phần hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch công tác năm. Toàn huyện hiện có 100/113 trường học, 32/32 trạm y tế đạt chuẩn nếp sống văn hoá, 100% các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn huyện đều đăng ký và thực hiện nếp sống văn minh, môi trường văn hóa công sở.
Thực hiện chủ trương xã hội hoá các hoạt động văn hoá, thể thao, sau 9 năm xây dựng nông thôn mới, huyện Ý Yên đã huy động được 130,9 tỷ đồng; trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ 28,3 tỷ đồng, cộng đồng dân cư các thôn, xóm đã hiến hàng nghìn m2 đất để xây dựng cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở. Hiện, cả 32 xã, thị trấn trong huyện đã xây dựng được khu sinh hoạt văn hoá trung tâm (25 nhà văn hoá xã độc lập, 7 nhà văn hoá dùng chung hội trường); 31 sân thể thao trung tâm (26 sân thể thao đã xây dựng, 7 sân thể thao đã quy hoạch, diện tích từ 10-12 nghìn m2); 346 nhà văn hoá, 193 sân thể thao thôn, xóm, tổ dân phố. Cùng với đầu tư, huy động các nguồn lực xây dựng, cải tạo các thiết chế văn hóa, thể thao cở sở, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường quản lý, khai thác, sử dụng các thiết chế văn hóa hiệu quả. Các nhà văn hoá thôn, xóm, tổ dân phố được xây dựng đã tạo thuận lợi cho các tổ chức đoàn thể như: Hội Người cao tuổi, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… sinh hoạt thường xuyên, nền nếp và là nơi tổ chức các buổi sinh hoạt văn nghệ, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ở Ý Yên đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về trách nhiệm, nghĩa vụ công dân trong việc xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh. Đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân ở các địa phương trong huyện ngày được nâng cao. Toàn huyện hiện có trên 50 tổ, tốp, đội văn nghệ ở 32 xã, thị trấn; trong đó có 4 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ được thành lập thuộc sự quản lý của Trung tâm Văn hoá, Thông tin và Thể thao huyện gồm: Câu lạc bộ chèo Yên Phong, Câu lạc bộ ca khúc cách mạng thị trấn Lâm, Câu lạc bộ ca trù Yên Xá, Câu lạc bộ kịch Yên Nhân…
Thời gian tới, huyện Ý Yên tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao chất lượng phong trào xây dựng “Làng văn hoá”, “Gia đình văn hoá”, tạo chuyển biến mạnh mẽ về xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; thực hiện quy chế văn hóa công sở, văn hóa trong các cơ quan, đoàn thể chính trị; văn hóa trong các đơn vị sự nghiệp, nếp sống văn minh nơi công cộng. Huy động các nguồn lực xã hội, tạo môi trường thuận lợi thu hút nguồn lực của các thành phần kinh tế để đầu tư xây dựng, hoàn thiện các thiết chế văn hoá cơ sở, xã hội hoá các hoạt động văn hóa, thể thao. Tổ chức bộ máy quản lý trên lĩnh vực văn hoá đạt chuẩn về chuyên môn, hoạt động chuyên nghiệp, tạo sự phát triển toàn diện cả bề rộng lẫn chiều sâu trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Huyện phấn đấu đến năm 2020 có 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn “Văn hoá - nông thôn mới”, 100% thôn, xóm, tổ dân phố văn hoá, trên 85% gia đình văn hoá, tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 2%./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng