Nghĩa Hưng nâng cao hiệu quả công tác chống xâm hại di tích

04:10, 04/10/2019

Là vùng quê giàu truyền thống văn hóa và cách mạng, trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng hiện có 32 di tích lịch sử - văn hoá được Nhà nước xếp hạng (7 di tích cấp quốc gia, 25 di tích cấp tỉnh) cùng hàng trăm di vật, hiện vật, tài liệu cổ có giá trị. Những năm qua, huyện đã làm tốt công tác kiểm kê, quản lý, bảo tồn, chống xâm hại các di tích, góp phần phát huy giá trị văn hoá truyền thống. Các địa phương có di tích đã thành lập Ban quản lý di tích, đẩy mạnh tuyên truyền Luật Di sản văn hóa đến các tầng lớp nhân dân; đồng thời huy động các nguồn lực trong xã hội để trùng tu, tôn tạo chống xuống cấp di tích theo đúng quy định, đảm bảo chất lượng và giữ được nguyên vẹn kiến trúc gốc.

Di tích lịch sử - văn hoá Đền Hạ Kỳ, xã Nghĩa Thịnh.
Di tích lịch sử - văn hoá Đền Hạ Kỳ, xã Nghĩa Thịnh.

Thực hiện Quyết định số 151 của UBND huyện về ban hành kế hoạch kiểm tra việc chấp hành pháp luật lĩnh vực văn hoá, thông tin trên địa bàn huyện, Phòng Văn hoá - Thông tin huyện phối hợp với các ngành chức năng tổ chức kiểm tra, đánh giá các di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn. Theo khảo sát, hệ thống di tích lịch sử - văn hóa ở Nghĩa Hưng được phân bố rộng khắp ở 16/25 xã, thị trấn. Nhiều địa phương có hệ thống di tích dày đặc như: Nghĩa Thịnh, Nghĩa Đồng, Nghĩa Thái, Nghĩa Sơn… Cùng với việc khảo sát, nghiên cứu các di tích để lập hồ sơ khoa học và pháp lý trình UBND tỉnh quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh và đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận di tích cấp quốc gia, huyện đã đẩy mạnh công tác trùng tu, tôn tạo các di tích từ nguồn kinh phí xã hội hoá và nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia chống xuống cấp di tích. Từ năm 2015 đến nay, nhiều di tích đã được trùng tu, tôn tạo, xây dựng. Tiêu biểu như di tích - lịch sử văn hoá quốc gia Đền - Chùa Hạ Kỳ, xã Nghĩa Thịnh thờ tướng quân Đinh Lôi đang được trùng tu, cải tạo từ tháng 4-2019, tổng mức đầu tư dự toán gần 8,3 tỷ đồng từ nguồn kinh phí xã hội hoá. Dự án do Công ty Cổ phần Tư vấn và Thương mại Trường Giang thi công thực hiện. Quá trình tu bổ, xây dựng được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 xây dựng Phủ Mẫu, Nhà thờ tổ; giai đoạn 2 xây dựng chùa, hạ giải xây mới các công trình phụ trợ liên quan: hệ thống cửa, mái, tường bao, sân vườn... Các hạng mục công trình được tôn tạo, xây dựng theo kiến trúc truyền thống gồm: nhà thờ tổ 5 gian, tổng diện tích 286,4m2; Phủ Mẫu 3 gian, tổng diện tích 117,1m2; Chùa 5 gian tiền đường, 4 gian hậu cung… Ngoài di tích Đền - Chùa Hạ Kỳ, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương có di tích đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức công khai quy hoạch, thực hiện việc cắm mốc giới và khoanh vùng bảo vệ di tích. Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, các xã, thị trấn đã chỉ đạo thành lập ban giám sát cộng đồng, phối hợp với các cơ quan chuyên môn giám sát quá trình tu bổ, tôn tạo di tích. Nhiều địa phương đã thực hiện tốt công tác tu bổ hệ thống các di tích trên địa bàn; tiêu biểu năm 2018, Đình Hưng Nghĩa, xã Nghĩa Thịnh trùng tu gian tiền đường, thay các cấu kiện gỗ với kinh phí 3 tỷ đồng từ nguồn kinh phí xã hội hoá. Sau khi tu bổ, Ban quản lý di tích đã tuyên truyền, quảng bá giá trị lịch sử, văn hóa, cách mạng của di tích, thân thế sự nghiệp của danh tướng triều Đinh - Phạm Cự Lượng trên các phương tiện thông tin đại chúng để huy động sự chung tay của cộng đồng bảo vệ, phát huy giá trị di tích. Cùng với nguồn ngân sách Nhà nước, các địa phương có di tích đã tích cực vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài huyện chung tay góp công, góp của để tu bổ, tôn tạo các di tích. Bằng việc đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo tồn, tôn tạo di tích, trong 5 năm qua, các di tích: Đền thờ Phạm Văn Nghị, xã Nghĩa Lâm đã cải tạo hệ thống mái, kinh phí trên 200 triệu đồng; Đền Trần làng Sỹ Hội, xã Nghĩa Hùng xây dựng nhà khách, kinh phí gần 500 triệu đồng; các di tích: Đền Liêu Hải, xã Nghĩa Trung; Đền Trần làng Thịnh Phú, xã Nghĩa Bình; Đền Trần làng Thành An, xã Nghĩa Phong; Đền Nhân Hậu, xã Nghĩa Đồng, nhân dân đã cúng tiến từ 100-300 triệu đồng để tu bổ hệ thống mái, cổng, xây dựng tường bao, mở rộng khuôn viên…

Thực hiện công tác chống xâm hại di tích, ngay từ đầu năm 2019, UBND huyện chỉ đạo Phòng Văn hoá - Thông tin tích cực phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, các địa phương triển khai các hoạt động bảo vệ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa. Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học tổ chức cho học sinh dọn vệ sinh, trồng hoa, cây xanh tại các điểm di tích; thường xuyên tổ chức cho học sinh tham quan, tìm hiểu ý nghĩa, giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa tại địa phương nhằm giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa và cách mạng của quê hương. Bên cạnh đó, việc phân cấp quản lý di tích ở Nghĩa Hưng được triển khai, thực hiện có hiệu quả. Ban quản lý di tích do đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban, công chức văn hoá xã làm phó ban. UBND các xã, thị trấn kiện toàn, củng cố Ban quản lý di tích; tổ chức tập huấn đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa và các thành viên trong Ban quản lý di tích, tuyên truyền cho nhân dân địa phương về quản lý di sản, tầm quan trọng của công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa. Công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn huyện thực hiện đúng mục đích, ý nghĩa nhằm bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá, giáo dục truyền thống yêu nước, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và khách thập phương. Ban quản lý, Ban tổ chức lễ hội xây dựng kịch bản lễ hội chi tiết theo quy chế, xin phép cấp có thẩm quyền. Phòng Văn hóa - Thông tin phối hợp với Công an huyện tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nghiêm các chính sách về công tác môi trường văn hóa tại các di tích, du lịch lễ hội tâm linh; chấn chỉnh và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm môi trường văn hóa nơi tổ chức lễ hội; qua đó, từng bước hạn chế tình trạng hành khất, bán hàng rong, nạn cờ bạc, các cơ sở kinh doanh nâng giá, bắt chẹt du khách tại các lễ hội và điểm du lịch văn hóa tâm linh. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm kê, quản lý, bảo tồn, chống xâm hại các di tích ở Nghĩa Hưng vẫn tồn tại những mặt hạn chế: Việc tiếp nhận công đức các hiện vật đồ thờ tự cổ có giá trị như: câu đối, cỗ kiệu, bát biểu, lục bình, đèn thờ… không nhiều; một số nơi vẫn còn các linh vật ngoại lai chưa được di chuyển ra ngoài khuôn viên di tích. Kế hoạch ứng phó đảm bảo an toàn cho di tích trong mùa mưa bão chưa đồng bộ. Tại các di tích, các trang thiết bị về phòng, chống cháy nổ, trộm cắp chưa đầy đủ; một số di tích có camera an ninh giám sát nhưng hoạt động chưa hiệu quả. Nhiều di tích bị xuống cấp nhưng chưa được tu sửa do thiếu kinh phí như: Đền Nhân Hậu, Đền Lộng Điền, xã Nghĩa Đồng, Chùa Đào Lạng, Đền An Thịnh, xã Nghĩa Thái, Nhà thờ tổ Đền Bình Hải, xã Nghĩa Phú, Đền làng Phúc Điền xã Nghĩa Thành, Đền làng Ân Phú, xã Nghĩa Hải.

Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, tôn tạo, chống xâm hại di tích, thời gian tới huyện Nghĩa Hưng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai thực hiện Luật Di sản văn hóa và các văn bản quy phạm pháp luật về bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh theo Quyết định số 19/2017/QĐ-UBND ngày 7-7-2017 của UBND tỉnh quy định phân cấp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn tỉnh Nam Định. Việc lập, thẩm định, phê duyệt các dự án tu bổ di tích đảm bảo theo trình tự: Khảo sát, thu thập tài liệu di tích; lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân để lập dự án xây dựng, tu bổ di tích; thẩm định, phê duyệt dự án; công bố công khai dự án đến các tầng lớp nhân dân. Trong quá trình tu bổ, xây dựng, các địa phương không để tình trạng xây dựng, sửa chữa di tích, tiếp nhận công đức, tiến cúng bằng hiện vật đưa vào bài trí trong khuôn viên di tích khi chưa được phép của các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền; chủ động có kế hoạch di dời các hiện vật đưa vào trái phép ra khỏi di tích. Phòng Văn hoá - Thông tin tích cực phối hợp với các ban, ngành liên quan tăng cường giám sát, kiểm tra, ngăn ngừa mọi hành vi xâm hại đến di tích; kịp thời xử lý các hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội tại các di tích thuộc danh mục kiểm kê đã được UBND tỉnh phê duyệt; tăng cường công tác quản lý; thành lập, kiện toàn, củng cố Ban quản lý di tích; các địa phương nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị lịch sử, văn hoá di tích; hướng dẫn nhân dân chấp hành các quy định về nếp sống văn minh trong lễ hội. Ban quản lý di tích, Ban tổ chức lễ hội căn cứ vào các văn bản của tỉnh, của huyện tổ chức hoạt động lễ hội phù hợp với thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc, đảm bảo an toàn, vui tươi, tiết kiệm, hiệu quả./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com