Nét đẹp văn hóa trong các làng nghề ở Xuân Trường

08:10, 25/10/2019

Huyện Xuân Trường hiện có 7 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận, gồm các làng nghề: thêu Phú Nhai, điêu khắc và chế biến gỗ Trà Đông, xã Xuân Phương; dệt chiếu, trồng cây cảnh Xuân Dục, xã Xuân Ninh; cơ khí, chế biến lương thực thực phẩm, chế biến lâm sản xã Xuân Tiến. Các làng nghề phát triển đã tạo động lực thực hiện hiệu quả phong trào xây dựng làng văn hóa.

Nghề dệt chiếu truyền thống thôn Xuân Dục, xã Xuân Ninh.
Nghề dệt chiếu truyền thống thôn Xuân Dục, xã Xuân Ninh.

Cả 10 xóm ở xã Xuân Tiến đều phát triển các nghề chế biến lương thực thực phẩm, chế biến lâm sản và cơ khí truyền thống, tạo việc làm cho trên 1.500 lao động. Nhiều hộ làm nghề chế biến lương thực thực phẩm với các sản phẩm như: bún, bánh đa nem, miến… đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền xay xát gạo, máy tráng bánh đa nem bằng công nghệ nồi hơi, máy làm miến, làm bún... Nghề chế biến lâm sản với 52 hộ tham gia sản xuất các sản phẩm mỹ nghệ như: Tượng Thánh của Đạo Kitô giáo, quạt giấy cung ứng cho thị trường du lịch Cố đô Huế và xuất khẩu… Nghề cơ khí là nghề chủ lực của xã Xuân Tiến với 25 doanh nghiệp và 338 cơ sở, đã sản xuất gần 100 loại máy móc chuyên biệt như: máy bóc lạc, máy tẽ ngô cả áo, máy tuốt lúa, máy gia công các sản phẩm đồ gỗ, động cơ điện, máy phát điện, máy ép gạch không nung… Hiện nay, Cụm công nghiệp Xuân Tiến đã thu hút trên 20 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chuyên ngành cơ khí chế tạo máy; tạo việc làm ổn định cho trên 1.000 lao động tập trung. Thực hiện phong trào xây dựng làng văn hóa, đến nay, cả 10 xóm trong xã được công nhận xóm văn hóa. Đến nay, số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa của xã chiếm tỷ lệ trên 80%. Nhân dân trong xã đều chấp hành tốt quy ước nếp sống văn hoá, không tổ chức ăn uống trong đám hiếu, tiết kiệm trong đám hỷ, bỏ các hủ tục lạc hậu. Nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, từ năm 2015, xã Xuân Tiến đã phối hợp với xã Xuân Kiên thành lập câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật làng Kiên Lao. Đến nay, câu lạc bộ đã sáng tác lời cho gần 20 làn điệu chèo và hát văn. Câu lạc bộ biểu diễn trong lễ hội tại các di tích: Miếu Đông Đình (xã Xuân Tiến), Từ đường Phạm Gốc Mạc (xã Xuân Kiên), Đền - Chùa Xuân Bảng, Đền - Chùa Bắc Câu (thị trấn Xuân Trường); phục vụ các dịp mừng thọ, đám cưới, hội nghị trong xã.

Xã Xuân Ninh có 2 làng nghề truyền thống gồm làng nghề dệt chiếu, trồng hoa, cây cảnh Xuân Dục. Làng nghề dệt chiếu Xuân Dục có 174 hộ với 372 lao động thường xuyên sản xuất. Ước tính 9 tháng đầu năm 2019, làng nghề dệt chiếu đã sản xuất được trên 310 nghìn lá chiếu với tổng doanh thu trên 25 tỷ đồng. Nghề trồng hoa, cây cảnh Xuân Dục có 133 hộ với 266 lao động tham gia sản xuất. Làng nghề trồng hoa, cây cảnh Xuân Dục hiện có trên 5.000 cây cảnh, cây thế các loại; tổng thu nhập làng nghề ước tính đạt trên 2,5 tỷ đồng. Để gìn giữ và phát triển làng nghề bền vững, những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Xuân Ninh đã thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ như: Tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính để các hộ làm nghề tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi; tạo điều kiện về mặt bằng để các cơ sở sản xuất xây dựng nhà xưởng, kho chứa nguyên liệu, tập kết sản phẩm; chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp dạy nghề, truyền nghề, tập huấn kỹ thuật cho lao động trong làng nghề… Trong quá trình xây dựng làng văn hóa, xã quan tâm công tác bảo vệ môi trường làng nghề. Các hộ tham gia sản xuất ở làng nghề thường xuyên áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường; thực hiện thu gom nước thải, không để tù đọng trong khu vực làng nghề. Nhiều gia đình văn hóa làm kinh tế giỏi như hộ anh Nguyễn Văn Thủy, hộ ông Đinh Văn Cảnh… làm nghề chiếu với mức thu nhập bình quân 200-300 triệu đồng/năm; hộ ông Trần Văn Giả ở xóm 1 thôn Xuân Dục cung cấp hoa giống cho hàng trăm hộ trong làng nghề ở địa phương và các vùng lân cận như Hải Hậu, Giao Thủy, Trực Ninh.

Xã Xuân Phương có 2 làng nghề gồm thêu truyền thống Phú Nhai, điêu khắc và chế biến gỗ truyền thống Trà Đông. Để khôi phục và phát triển nghề truyền thống, UBND xã đứng ra tín chấp với các tổ chức tín dụng để các cơ sở, hộ sản xuất tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Xã đã quy hoạch khu đất công với tổng diện tích trên 4,4ha tại xóm 1 để tạo mặt bằng cho phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Hàng năm, tranh thủ nguồn kinh phí hỗ trợ của cấp trên, xã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện Xuân Trường tổ chức từ 3-4 lớp dạy nghề cho lao động trẻ tại địa phương. Làng nghề điêu khắc gỗ Trà Đông hiện có 65 cơ sở sản xuất, mỗi cơ sở thu hút từ 3-7 lao động; trong đó 5 cơ sở thu hút từ 10-15 lao động là hộ các ông: Trần Ngọc Chẩn, Trần Văn Hiện, Hoàng Sơn Nam, Phan Văn Chung, Hoàng Văn Đồng… Các loại sản phẩm chủ yếu là: tượng, tòa thờ, kiệu thờ phục vụ sinh hoạt tôn giáo với nguyên liệu chính là các loại gỗ de, dổi, mít… Nét tinh túy nhất của nghề chạm khắc gỗ Trà Đông là các công đoạn sản xuất chính (vẽ mẫu, đục, đẽo, chạm, khắc, đánh bóng, phun sơn, thếp vàng, bạc) đều được làm thủ công. Để phát triển làng nghề bền vững, các hộ trong thôn sẵn sàng tạo việc làm, nhận truyền dạy nghề cho lớp trẻ trong thôn, trong xã. Có lịch sử hình thành sớm hơn nghề điêu khắc gỗ, nghề thêu tranh ở thôn Phú Nhai có từ đầu thế kỷ XX. Hiện nay, làng nghề thêu Phú Nhai có 42 cơ sở sản xuất, mỗi cơ sở có từ 5-7 lao động tập trung và hàng trăm khung thêu nhận gia công sản phẩm tại nhà. Mặt hàng thêu của làng nghề chủ yếu là trang phục, vật dụng phục vụ sinh hoạt tôn giáo như màn chân, áo lễ, du kiệu thánh thể, áo tượng, áo kiệu, cờ, lọng, hoành phi câu đối, bức trướng… Nhiều gia đình văn hóa trong thôn Phú Nhai đã tích cực phát triển kinh tế từ nghề truyền thống như hộ ông Đinh Công Khải, xóm Bắc đã đầu tư giàn máy thêu vi tính để phục vụ sản xuất. Bình quân mỗi ngày, mỗi giàn máy thêu được từ 3-5 mẫu sản phẩm, công suất bằng từ 7-8 lao động thủ công trước đây. Gia đình anh Trần Văn Hiệu, xóm Bắc chuyên sản xuất tượng phục vụ công trình tôn giáo đầu tư 3 giàn máy đục vi tính công nghệ cao và cơ giới hóa hầu hết các khâu trong quá trình sản xuất. Nghề điêu khắc gỗ truyền thống của các thôn Trà cùng với nghề thêu ren đã góp phần nâng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, dịch vụ chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất của xã. Thực hiện phong trào xây dựng làng văn hóa, hiện nay các xóm 1,2, Nam, Bắc thuộc thôn Phú Nhai và Trà Đông đều đạt danh hiệu “Xóm văn hóa”, tỷ lệ gia đình văn hóa của các xóm thuộc 2 làng nghề đạt gần 90%.

Những nét đẹp văn hóa trong các làng nghề huyện Xuân Trường đã kết tinh trong nếp sống văn hoá hàng ngày của nhân dân, để con em ở mỗi làng nghề đều nỗ lực bồi đắp, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong thời kỳ phát triển và hội nhập. Mỗi người dân ở các làng nghề trước khi được truyền nghề đều được các bậc tiền nhân nhắc nhở coi trọng chữ tín trong làm ăn buôn bán hay nguyên tắc truyền nghề để giữ gìn bí quyết, kỹ xảo làng nghề. Do nguồn sống chủ yếu dựa vào các sản phẩm của nghề thủ công cùng việc trao đổi, giao lưu buôn bán nên văn hoá làng nghề thường có yếu tố mở, nên người làng nghề luôn có suy nghĩ và tư duy năng động. Những đặc trưng đó là điều kiện thuận lợi để các địa phương có làng nghề ở huyện Xuân Trường đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng làng văn hóa gắn với việc gìn giữ nét văn hóa truyền thống của địa phương. Các địa phương có làng nghề đều xây dựng hương ước và thường xuyên được bổ sung sửa đổi cho phù hợp với từng giai đoạn, có sự đồng thuận, cam kết thực hiện từ nhân dân. Trong hương ước luôn có các quy định chặt chẽ về vệ sinh môi trường, phát triển sản xuất, gìn giữ an ninh trật tự, duy trì tình làng nghĩa xóm…; từ đó, các giá trị thuần phong mỹ tục được phát huy, các chuẩn mực đạo đức xã hội được người dân tự giác thực hiện.

Phong trào xây dựng làng văn hóa trong những làng nghề truyền thống ở Xuân Trường đã mang lại hiệu quả thiết thực; bản sắc văn hóa làng nghề được giữ vững, góp phần phát huy nội lực của các tầng lớp nhân dân trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao ý thức tự quản, gắn kết cộng đồng, tăng cường tình làng nghĩa xóm, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com