Họa sĩ Phạm Quyền với các tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng

08:10, 04/10/2019

Trong giới mỹ thuật Nam Định, họa sĩ Phạm Quyền (80 tuổi) là một họa sĩ luôn có tác phẩm được chọn trưng bày triển lãm mỹ thuật toàn quốc và giành các giải thưởng lớn về mỹ thuật. Đặc biệt, ở mảng đề tài chiến tranh cách mạng, các tác phẩm hội họa của ông đã phản ánh đa dạng công cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, lao động sản xuất, sinh hoạt và đời sống của quân và dân ta trong thời kỳ kháng chiến. 

Họa sĩ Phạm Quyền bên tác phẩm “Yên nghỉ trên đất mẹ”.
Họa sĩ Phạm Quyền bên tác phẩm “Yên nghỉ trên đất mẹ”.

Trong căn phòng rộng chừng 25m2, các giá tranh và dụng cụ vẽ của họa sĩ Phạm Quyền chuẩn bị để dạy học sinh được xếp gọn gàng. Trên tường là các tác phẩm hội họa ông tâm đắc giữ làm kỷ niệm, trong đó có nhiều bức tranh chân dung học sinh vẽ tặng ông. Dù đã 80 tuổi nhưng họa sĩ Phạm Quyền vẫn miệt mài bên giá vẽ, cẩn thận phác thảo ý tưởng các tác phẩm hội họa sắp tới. Đam mê vẽ từ nhỏ, năm 20 tuổi, Phạm Quyền thi đỗ vào hệ Trung cấp Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, ông về công tác tại Nhà triển lãm tỉnh thuộc Ty Văn hóa Nam Hà (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định), rồi tiếp tục theo học hệ Đại học Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Năm 1971, về địa phương, ông tiếp tục công tác tại Ty Văn hóa Nam Hà, Hà Nam Ninh đến lúc nghỉ hưu năm 1993. Trong 30 năm công tác, ông và các đồng nghiệp đã thiết kế hàng trăm bức tranh cho các cuộc triển lãm của tỉnh và Trung ương với thành tích 7 lần đoạt Huy chương Vàng. Trong hoạt động sáng tác, tranh của họa sĩ Phạm Quyền thể hiện trên nhiều chất liệu khác nhau như: Tranh lụa, sơn dầu, bột màu, tổng hợp… và đều gặt hái được những thành công. Năm 1977, bức tranh lụa “Mặt trận mới” của họa sĩ Phạm Quyền được Hội Mỹ thuật Việt Nam chọn tham dự Triển lãm mỹ thuật Quốc tế tại Bungari. Với gam màu ấm làm chủ đạo, tác phẩm tái hiện hình ảnh những chiến sĩ thanh niên xung phong năm xưa nay là những thương binh trong tổ cơ khí hăng say lao động sản xuất làm mỏ neo tàu thủy, góp phần xây dựng đất nước. Năm 1990, tác phẩm “Khai thác đá” và “Lò vôi” của ông được chọn triển lãm Mỹ thuật toàn quốc. Cả 2 bức tranh này được ông vẽ trên nền tảng các địa điểm có thật ở vùng Kiện Khê (nay là thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam). Bức tranh “Khai thác đá” tái hiện hình ảnh các công nhân phá đá với không khí rộn ràng ở công trường, còn bức “Lò vôi” chuyển tải ý tưởng của tác giả về ứng dụng máy móc kỹ thuật hiện đại trong sản xuất. Bên cạnh sự đa dạng về chất liệu, các tác phẩm hội họa của Phạm Quyền còn phong phú về đề tài, từ phong cảnh thiên nhiên, các vấn đề xã hội như môi trường, thân phận con người đến đề tài chiến tranh cách mạng. Điều đặc biệt, Phạm Quyền không bị lệ thuộc vào đề tài. Khi thể hiện các vấn đề xã hội, nét vẽ của ông vẫn đằm thắm, lãng mạn, bay bổng, mềm mại. Bức tranh “Lũ lụt miền Trung quặn lòng cả nước” của ông được chọn Triển lãm Mỹ thuật quốc gia năm 2015. Bức tranh tái hiện những ngôi nhà nâu vàng chìm trong biển nước trắng xóa, những con người vất vả chống chọi với cơn lũ, những rặng cây xanh bám đất, xa xa là dải núi in hình vào bầu trời màu xám… Cảm xúc của họa sĩ Phạm Quyền tràn ngập trong từng nét vẽ. Ở đề tài chiến tranh cách mạng, họa sĩ Phạm Quyền luôn đau đáu về hình tượng những cô gái thanh niên xung phong. Tác phẩm đầu tiên trong loạt tranh về thanh niên xung phong là bức “Lãng quên” được chọn triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, giải B giải thưởng Nguyễn Khuyến năm 1995. Đây là một câu chuyện được tái hiện lại bằng màu sắc và xúc cảm của người họa sĩ. Có những người con gái đã cống hiến cả tuổi xuân, thậm chí cả cuộc đời mình như 5 cô thanh niên xung phong chở đạn trong rừng năm nào, nhưng rồi khi đất nước hòa bình, họ không may mắn được vinh danh và khi mọi người nhớ đến thì họ đã hy sinh. “Lãng quên”, đấy chính là nỗi buồn, nhưng cũng là niềm tiếc thương mà họa sĩ dành tặng cho những người quên mình vì dân tộc, những người đã nằm xuống, những chiến sĩ vô danh mà bất tử. Hàng loạt các bức vẽ về đề tài thanh niên xung phong tiếp theo được ông sáng tác như “Trụ cầu bất tử”, “Ráng chiều nhớ Trường Sơn”, “Trạm giao liên thời bom đạn”, “Hang Tám Cô”, “Không số phận”, “Vết thương”, “Bóng chùa giỗ đồng đội”… Tác phẩm “Trụ cầu bất tử” thể hiện hình tượng những cô gái thanh niên xung phong ở miền Tây Nam Bộ ngâm mình dưới suối, bắc những thân cây, tấm ván trên vai làm trụ cầu sống để thương binh đi qua. Tác phẩm “Bóng chùa giỗ đồng đội” được tặng thưởng triển lãm Mỹ thuật khu vực II năm 2001. Trong bức tranh người xem thấy được cảnh trong ngôi chùa cổ kính, những cô gái thanh niên xung phong người lành lặn, người là thương binh, người đã quy y nơi cửa Phật đang tổ chức giỗ những đồng đội đã hy sinh. Họa sĩ Phạm Quyền nhớ lại: Tác phẩm được thể hiện từ xúc cảm về câu chuyện có thật ở Thái Bình. Đó là 45 cô gái thanh niên xung phong trong cùng đơn vị đã trải qua những ngày tháng ác liệt của “mưa bom, bão đạn”. Khi trở về quê hương người mất, người còn; nhiều người trong số họ đã vào chùa tìm sự thanh thản trong tâm hồn nơi cửa Phật. Còn trong bức tranh “Hang Tám Cô”, tác giả mô tả hình ảnh 8 nữ thanh niên xung phong khi làm nhiệm vụ lấp đường, vá hố bom đã bị bom địch chôn vùi trong hang đá ngày 14-11-1972 tại đường 20 - Quyết Thắng, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Với phong cách tả thực, có chiều sâu, gam màu nâu kết hợp màu vàng, tác phẩm đã thể hiện sự đau thương, tiếc nuối về sự hy sinh của những nữ thanh niên xung phong… Nhiều tác phẩm khác về đề tài chiến tranh cách mạng còn tạo ấn tượng cho người xem như: “Lặng lẽ”, “Những linh hồn còn lại trên dãy Trường Sơn”, “Yên nghỉ trên đất mẹ”, “Mất mát”... Tác phẩm “Những linh hồn còn lại trên dãy Trường Sơn” được họa sĩ Phạm Quyền vẽ năm 2015 với chất liệu sơn dầu. Gam màu chủ đạo ở giữa bức tranh là màu vàng, đỏ, bao quanh là màu xanh lá cây bạt ngàn. Điểm nhấn của tác giả là hình ảnh lư hương trước cửa hang nghi ngút khói quyện lại như linh hồn của những thanh niên xung phong đã hy sinh. Tác phẩm “Yên nghỉ trên đất mẹ” được ông vẽ năm 2006 với nội dung đón hài cốt liệt sĩ trở về quê hương. Tác phẩm với gam màu nóng kết hợp với gam trầm vừa toát lên sự ấm áp khi cả gia đình quây quần bên nấm mộ liệt sĩ, vừa gợi sự trầm buồn. Hình ảnh bà mẹ Việt Nam anh hùng sau bao năm tìm kiếm hài cốt bây giờ đứng trước mộ con gây xúc động và ám ảnh cho người xem. Nhìn chung, các tác phẩm hội họa về đề tài chiến tranh cách mạng của họa sĩ Phạm Quyền chủ yếu được vẽ bằng chất liệu tổng hợp với cách sử dụng kỹ thuật gờ nổi, tút tát…, thể hiện chất cảm trên mặt tranh bằng tư duy mạch lạc, sáng tạo của người nghệ sĩ. Hầu hết các tác phẩm vẽ về đề tài chiến tranh cách mạng của họa sĩ Phạm Quyền đều được trưng bày tại các Triển lãm Mỹ thuật đồng bằng sông Hồng, Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc.

Từ năm 2015 đến nay, nguôi ngoai đề tài chiến tranh cách mạng, họa sĩ Phạm Quyền tập trung sáng tác mảng đề tài xã hội, tiêu biểu như các bức tranh như “Nắng sớm miền trung” được giải Khuyến khích triển lãm Mỹ thuật khu vực II năm 2015; bức tranh lụa “Tan ca” đoạt giải 3 Triển lãm Mỹ thuật đồng bằng sông Hồng tại Bắc Ninh năm 2019... Sự thăng hoa nghệ thuật thể hiện qua tác phẩm hội họa đã giúp ông gặt hái được nhiều giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam, Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Lương Thế Vinh, Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Nguyễn Khuyến, Huy chương vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam, Huy chương vì sự nghiệp Văn học - Nghệ thuật Việt Nam.

Là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam (năm 1995) và hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Nam Định (năm 1977), tuy tuổi cao nhưng ông vẫn miệt mài sáng tạo nghệ thuật. Họa sĩ Phạm Quyền nhiều đêm thức trắng cặm cụi bên những bảng màu để cho ra đời những tác phẩm hội họa giàu giá trị nội dung và nghệ thuật. Trong ngôi nhà nhỏ của ông tại thành phố Nam Định, những người yêu hội họa vẫn đến học vẽ; nhiều học trò thi đỗ vào các trường mỹ thuật danh tiếng, đến thăm và lặng lẽ để lại trên bàn một bức chân dung vẽ người thầy đáng kính. Với họa sĩ Phạm Quyền, thế là đủ để ông cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa, tiếp tục vẽ, dạy học và trân quý cuộc đời./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com