Đang chăm mẹ ốm ở bệnh viện, anh Năm nhận được điện thoại của thằng Nghĩa, đứa con riêng của anh rể từ nước ngoài gọi về:
- Cậu ơi, cháu nghe tin bà bị bệnh trọng phải nằm viện dài ngày mà không có điều kiện về thăm. Cháu xin phép được đóng góp chút ít với gia đình để chăm bà ốm cậu nhé!
Nghe thằng Nghĩa nói vậy, anh Năm cảm thấy tan biến mệt mỏi:
- Cháu cứ yên tâm ở bên đó làm ăn. Việc bà nằm viện, cậu và mọi người trong gia đình lo liệu được. Cháu biết nghĩ như vậy là tốt rồi, cậu cảm ơn. Mẹ Nga cháu ở dưới suối vàng chắc cũng mãn nguyện vì đã nuôi dạy cháu thành đứa con hiếu nghĩa (!).
Cuộc điện thoại với đứa cháu “vịt” làm anh Năm nhớ về người chị gái vắn số. Thời con gái, với gương mặt tròn trịa, phúc hậu, đức tính thùy mị, dịu dàng, chịu thương chịu khó, chị Nga nổi trội hơn hẳn các cô gái cùng lứa, được đám con trai trong làng, ngoài xã đánh tiếng ướm hỏi. Tuy nhiên, chẳng hiểu do nặng lòng thương cảm hay số mệnh run rủi mà chị lại “quàng bụi rậm”, nhận lời lấy một người khác xã vừa mất vợ, đứa con lớn mới tuổi rưỡi, đứa bé mới nửa năm. Ngày cưới chị, trời mưa như trút nước. Trong gian bếp tường đất nện, mái lợp rạ, cũng là phòng tân hôn, nhà trai sắm vài ba mâm cơm đạm bạc mời đại diện gia đình nhà gái nói chuyện. Tiếp đó là những tháng ngày sống trong cảnh thiếu đói mà sau này chị mới kể: Có thời điểm nhà hết gạo, vợ chồng chị phải ăn rau lang trừ bữa hàng tháng, đêm nằm bụng sôi réo, không thể nào ngủ được. Để chăm sóc hai đứa con riêng của chồng và đứa trẻ mới sinh, chị phải lén nhờ bên ngoại đỡ đần khi bơ gạo, lúc rổ khoai, chai mắm cáy. Rồi còn “miệng lưỡi thế gian” (!). Trong cảnh “con anh, con chúng ta”, dẫu vất vả nhưng chị vẫn tâm lý, khéo léo, ý tứ trong ứng xử, san sẻ tình cảm với hai đứa con riêng của chồng. Với suy nghĩ những đứa trẻ sớm mất mẹ là bị thiệt thòi về tình cảm nên nhiều lúc chị chiều chuộng, chăm bẵm con chồng hơn cả con đẻ để chúng khỏi mặc cảm, tủi thân. “Nhà nghèo sinh con thảo” (!). Mấy đứa trẻ lớn lên trong cảnh nghèo khó, được sự dạy dỗ ân cần, cảm nhận được tình yêu thương, đức hy sinh của người mẹ nên luôn yêu thương nhau.
Xưa nay, chuyện “mẹ ghẻ, con chồng” vẫn là một vấn nạn xã hội và là câu chuyện không có hồi kết. Tuy nhiên, chuyện về gia đình người chị gái anh Năm là một cái kết có hậu, theo quy luật “nhân nào, quả ấy” (!). Điều an ủi anh Năm khi nghĩ về người chị quá cố là giờ đây, khi đã trưởng thành, có gia đình nhưng hai đứa con riêng của anh rể vẫn luôn kính trọng, thờ phụng mẹ kế như mẹ đẻ của mình, đối xử với gia đình bên ngoại như ruột thịt./.
Đức Linh