Sau khi tổ chức đám cưới cho con trai, thay vì tự hào, hãnh diện vì vừa hoàn thành một việc lớn trong đời, ông Vinh vẫn cảm thấy ấm ức, không thoải mái trong lòng.
Xưa nay, khi dựng vợ, gả chồng cho con, dân gian luôn quan niệm: “Thông gia hai nhà như một” - Ông cũng luôn mong thế (!). Và ông mừng vì hôm dạm ngõ, đại diện gia đình nhà gái chủ động phát biểu cam kết: “Từ nay, gia đình, họ hàng hai bên có trách nhiệm trồng cây, đắp nấm chung để vun trồng cây hạnh phúc cho các cháu”. Tuy nhiên, khi bàn về lễ ăn hỏi, bên nhà gái lại yêu cầu nhà trai chuẩn bị 5 mâm lễ; mỗi mâm lễ ngoài các phẩm vật thông thường, còn có phong bì ba triệu đồng. Điều này làm ông Vinh băn khoăn: Thời nay, lễ ăn hỏi được tiến hành theo nghi thức trang trọng; lễ vật mang đậm nét văn hóa truyền thống, gồm mâm xôi, gà hoặc lợn quay, rượu, bánh kẹo, trầu cau…; thể hiện tình cảm, sự tôn trọng của nhà trai với gia đình nhà gái. Việc nhà gái yêu cầu có phong bì trong lễ ăn hỏi có thể là tập tục của địa phương này nhưng lại trở nên phản cảm với địa phương khác. Nếu chuyện này nói rộng ra, anh em, họ hàng của ông ở quê sẽ cho là nhà gái thách cưới, dễ gây sự phản ứng. Ngay cả vợ ông, khi biết chuyện cũng bất mãn ra mặt: “Đã kết tình thông gia thì đến với nhau bằng tấm lòng chứ để đồng tiền xen vào tình cảm sẽ mất vui” (!). Ông đành phải “xuống nước”, giải thích: “Nhà gái ở cách xa hơn trăm cây số, phong tục tập quán nơi ấy như vậy, mình cũng nên tôn trọng chứ gia đình họ không muốn thế” (!). Nói như vậy thôi nhưng ông hiểu, phụ nữ vốn hay để bụng; cô con dâu sau này nếu không ứng xử khéo léo thì chuyện những chiếc phong bì trong lễ ăn hỏi sẽ là mầm mống nảy sinh những bất hòa…
Một chuyện khác cũng làm ông Vinh không vui là đám cưới hôm ấy diễn ra không theo kế hoạch. Địa điểm cưới được tổ chức tại một nhà hàng khá sang trọng ở trung tâm thành phố. Do phòng cưới chỉ phục vụ được tối đa hai trăm thực khách nên ông dự kiến khách nhà gái khoảng ba chục người, còn lại là khách của gia đình. Trước ngày cưới, ông về quê tổ chức tiệc trà báo hỷ với anh em, họ hàng, bà con làng xóm và dự định thuê xe mời khoảng ba chục người đại diện gia đình hai bên nội ngoại dự lễ thành hôn. Tuy nhiên do anh em họ hàng ở quê nhiệt tình quá; người đi ô tô, người đi xe máy kéo ra đông gấp đôi dự kiến nên lễ cưới diễn ra trong cảnh ồn ào, người đứng người ngồi lộn xộn, kém trang trọng.
Trong cuộc sống hôm nay, khi đời sống của người dân ngày càng được nâng cao thì những mâu thuẫn trong cộng đồng thường nảy sinh từ sự khác biệt, “lệch pha” về văn hóa. Những vấn đề phát sinh trong đám cưới nhà ông Vinh cũng như vậy: Nếu gia đình nhà gái bỏ qua những tập tục lạc hậu, kiểu “thách cưới” và nếu anh em, họ hàng trong gia đình nhà trai tiếp thu được lối sống văn minh, hiện đại, biết chế ngự cảm xúc, không tùy tiện, ngẫu hứng kéo nhau đi dự đám cưới đông… thì những chuyện bực mình sẽ chẳng xảy ra./.
Đức Linh