Trực Ninh gìn giữ bản sắc văn hoá làng quê

08:09, 13/09/2019

Là vùng quê có bề dày truyền thống văn hoá, lịch sử, những tên đất, tên làng ở huyện Trực Ninh không chỉ đơn thuần mang tính hành chính mà còn ẩn chứa những lớp trầm tích văn hóa bản địa. Trải qua bao thế hệ, bản sắc văn hoá làng quê ở Trực Ninh vẫn luôn được gìn giữ và phát huy cùng với sự phát triển của xã hội, đời sống cộng đồng.

Bơi chải trong Lễ hội Chùa Cổ Lễ.
Bơi chải trong Lễ hội Chùa Cổ Lễ.

Ở huyện Trực Ninh, các phong tục tập quán làng quê luôn được điều chỉnh bởi các quy ước, hương ước làng xã, góp phần gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hoá truyền thống, loại bỏ những tập tục lạc hậu trong cộng đồng dân cư. Trong tổng số 391 thôn, xóm, tổ dân phố đã xây dựng 348 quy ước, hương ước văn hóa. Các hương ước, quy ước được xây dựng theo phương châm “Lấy sức dân cùng Nhà nước chăm lo cuộc sống của nhân dân”, đề cao vai trò, trách nhiệm của mỗi gia đình, dòng họ đối với việc tuyên truyền, giáo dục con cháu. Nội dung hương ước, quy ước quy định rõ những việc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” như: Các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; quyết toán thu chi các khoản đóng góp quỹ, xây dựng các công trình phúc lợi, vay vốn phát triển sản xuất, phát triển giáo dục, văn hóa và bảo vệ môi trường; đảm bảo an ninh trật tự… Việc thực hiện hương ước, quy ước không chỉ phát huy thuần phong mỹ tục, đề cao các chuẩn mực đạo đức truyền thống mà còn là công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Đến nay, toàn huyện có 85,9% số hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 88,2% làng, thôn, xóm, tổ dân phố đạt danh hiệu “Làng văn hóa”. Mỗi năm toàn huyện có trên 1.500 đám cưới, trên 1.000 đám tang đều được thực hiện theo quy ước nếp sống văn hoá.

Trong quá trình xây dựng văn hoá nông thôn mới, huyện Trực Ninh xác định: Để lưu giữ “hồn quê” trong quá trình đô thị hoá nông thôn, các địa phương phải bảo tồn được các thiết chế văn hoá cổ, phát huy những giá trị truyền thống mang bản sắc văn hoá địa phương như: cổng làng, chợ quê; tinh hoa văn hoá làng nghề; giá trị lịch sử, nghệ thuật kiến trúc di tích; hội làng; các loại hình nghệ thuật dân gian... Cùng với sản xuất nông nghiệp, một số làng nghề truyền thống vẫn được các thế hệ người dân kế thừa và phát triển; tiêu biểu như: Nghề ươm tơ, dệt vải làng Dịch Diệp, xã Trực Chính và các làng: Cự Trữ, Cổ Chất, Nhị Nương, xã Phương Định; nghề mây tre đan, gỗ mỹ nghệ, xã Trung Đông… Các làng nghề không chỉ tạo việc làm cho người lao động mà còn góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Nằm ven sông Ninh Cơ, làng dệt Cổ Chất, xã Phương Định có bề dày truyền thống hàng trăm năm. Nghề dâu tằm Cổ Chất xưa còn đơn sơ, người dân lấy tơ tằm đan lưới đánh bắt cá trên sông nước. Đến đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp đã đầu tư xây dựng một nhà máy ươm tơ ở đầu làng; từ đó, nghề ươm tơ làng Cổ Chất bắt đầu phát triển sang các làng Cự Trữ, Nhị Nương, Dịch Diệp… Người dân làng Cổ Chất có thể ươm được những sợi tơ các loại, có những sợi nhỏ như sợi chỉ mảnh nhưng vẫn đảm bảo đồng nhất về kích cỡ, màu sắc tươi sáng… Sự khác biệt giữa tơ sợi làng Cổ Chất so với tơ ở vùng khác đã khiến cho nghề ươm tơ Cổ Chất trở nên nổi tiếng. Ở làng Dịch Diệp, xã Trực Chính trước kia, nhà nào cũng có ít nhất 1 guồng tơ, có nhà có tới 3, 4 guồng. Trong thôn, ngoài làng nhộn nhịp tiếng máy xe tơ, không khí lao động tấp nập, rộn ràng. Làng nghề dệt ở Dịch Diệp được người dân khắp vùng biết đến bởi đã làm ra những tấm lụa, vải bền đẹp. Năm 1947, dân làng đã may áo trấn thủ gửi tặng bộ đội và may tấm áo lụa gửi tặng Bác Hồ và được Người gửi thư khen. Trải qua thời gian, nghề dệt truyền thống được người dân trong làng truyền từ đời này sang đời khác và đang tiếp tục phát triển trên vùng đất Dịch Diệp.

Ở Trực Ninh, cứ vào dịp “Xuân Thu nhị kỳ”, hội làng lại diễn ra ở các di tích đình chùa, miếu mạo. Trong các lễ hội làng, nhiều giá trị văn hoá được kết tinh thông qua các nghi lễ, trang phục truyền thống, trò chơi, các hoạt động văn nghệ dân gian… Ở xã Trung Đông, hàng năm lễ hội tại các làng: Xối Đông Thượng, Xối Đông Trung, Xối Đông Hạ diễn ra trong hai ngày mồng 9 và mồng 10 tháng Giêng tại di tích Ba đồn binh thời Trần. Ngoài kỳ lễ này, tại Đền Xối Thượng, nhân dân địa phương tổ chức lễ kỳ phúc (ngày 14, 15-11 âm lịch) và lễ kỵ 2 vị tướng Trần Phạm, Bùi Tuyết (ngày 18, 19-8 âm lịch) với các nghi thức tế lễ. Tại di tích Đền Xối Đông Hạ, vào ngày 15-6 âm lịch hàng năm, dân làng tổ chức lễ hội nhằm ôn lại tích Thủy thần Tam Lang giúp tướng Trương Long cùng nhân dân địa phương chống giặc Nguyên - Mông xâm lược. Trong lễ hội, ngoài các nghi thức tế lễ, còn tổ chức thi làm bánh chưng, bánh dầy, gỏi cá trắm đen để dâng cúng thần. Tại Đền Tuân Lục, xã Liêm Hải, lễ hội làng truyền thống vào các năm: Tý, Ngọ, Mão, Dậu diễn ra từ ngày mồng 5 đến ngày mồng 7 tháng Giêng là dịp kỷ niệm ngày sinh của Thành hoàng Đỗ Công Hạo với nhiều nghi thức như: Dâng hương, tế lễ; đặc biệt là trò chơi “cướp trái” mang tinh thần thượng võ thu hút đông đảo người dân tham gia cổ vũ. Xã Phương Định là vùng quê có nhiều di sản văn hoá; mỗi năm địa phương có từ 4 đến 5 lễ hội làng. Vào ngày mồng 6-3 âm lịch hàng năm, Đền - Chùa Cổ Chất mở hội đón khách thập phương tới dâng hương các vị Thành hoàng làng, tỏ lòng tri ân công đức của các bậc tiền nhân có công với quê hương. Vào những ngày mở hội, cùng với các nghi thức trang nghiêm, thành kính, lễ hội trở nên sôi động với những trò chơi: Bắt vịt dưới ao, đấu vật, kéo co, chọi gà, cờ tướng, chơi đu… Lễ hội truyền thống Đền - Chùa Cự Trữ được tổ chức vào ngày 15-3 (âm lịch) hàng năm. Trong lễ hội, ngoài các nghi thức trang nghiêm còn diễn ra nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ với tiếng trống chèo rộn rã khắp vùng. Trong khuôn viên di tích là các gian trưng bày sinh vật cảnh, đọc và bình thơ. Di tích lịch sử - văn hoá quốc gia Chùa Cổ Lễ, thị trấn Cổ Lễ thờ Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không. Ngoài vẻ đẹp của kiến trúc Đông - Tây kết hợp, nét đẹp văn hoá ở di tích còn thể hiện trong lễ hội diễn ra từ ngày 13 đến 16-9 (âm lịch) hàng năm với các tiết mục diễn xướng tâm linh. Đặc biệt, hội thi bơi chải trên sông quanh chùa có sự tham gia của 5 dòng họ lớn trong thị trấn là: Nguyễn, Phan, Lê, Dương và Dương Đào Phạm. Tại Đền - Chùa Miễu, thị trấn Cổ Lễ, trong các ngày lễ của đạo Phật như: Lễ Phật đản, Lễ Vu lan, người dân được tham gia các hoạt động nấu cỗ, tế lễ và thưởng thức các món ăn chay truyền thống. Vào các dịp kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, tại di tích diễn ra các hoạt động tế lễ trang nghiêm mang đậm dấu ấn lịch sử thời Trần như: Lễ yên vị, lễ Chiếu văn, lễ rước Thánh, lễ dâng hương... Chùa Ninh Cường, xã Trực Cường là nơi lưu giữ những lễ hội văn hóa sống động của cả tổng Ninh Cường xưa (nay là 3 xã: Trực Cường, Trực Thái, Trực Phú). Lễ hội xuân diễn ra 3 năm một lần gồm các nghi thức tế thần đất, thần lúa, dâng cơm mới lên tổ lập làng lúa với sự tham gia của cả đồng bào Công giáo và Phật giáo; phần hội là các trò chơi dân gian như: múa sơn lâm, kéo co, chọi gà, chơi cờ người, thi nấu cỗ... thể hiện đặc trưng của cư dân nông nghiệp lúa nước.

Ngày nay, đời sống kinh tế - xã hội càng phát triển nhưng bản sắc văn hoá làng quê ở Trực Ninh vẫn luôn giữ vị trí quan trọng trong đời sống cộng đồng. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong huyện vẫn luôn quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị nét đẹp văn hoá truyền thống để làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com