Từ nhiều năm qua xóm 4 xã Hải Bắc (Hải Hậu) có phong trào văn nghệ, thể thao phát triển và có tủ sách của nhà văn hóa hoạt động hiệu quả. Để đạt được kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của Ban chủ nhiệm nhà văn hóa xóm 4. Ông Vũ Viết Hảo (70 tuổi), Chủ nhiệm nhà văn hóa xóm 4 cho biết: Để phát triển văn hóa đọc, ban chủ nhiệm đã tích cực vận động nhân dân, con em xa quê đóng góp xây dựng tủ sách của xóm. Đến nay, tủ sách nhà văn hóa xóm đã có hơn 1.000 cuốn sách các loại về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ, sách dành cho thiếu nhi... phục vụ nhu cầu thông tin, cập nhật kiến thức giải trí của nhân dân. Ban chủ nhiệm nhà văn hóa xóm với các thành viên là chi hội trưởng chi Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, chi Đoàn Thanh niên tích cực vận động hội viên có năng khiếu văn nghệ tham gia đội văn nghệ xóm. Đến nay, xóm có đội văn nghệ thường xuyên biểu diễn phục vụ nhân dân trong xóm vào các dịp lễ, tết, kỷ niệm ngày lễ lớn của đất nước.
Ban chủ nhiệm Nhà văn hóa xóm 8, xã Xuân Bắc (Xuân Trường) triển khai công việc. |
Hiện nay, ở 546 tổ dân phố, thôn, xóm của huyện Hải Hậu đều có nhà văn hóa. Từ năm 2011, UBND huyện Hải Hậu đã có văn bản hướng dẫn về việc xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động của Ban chủ nhiệm nhà văn hóa xóm, tổ dân phố gồm: 1 chủ nhiệm và 2 phó chủ nhiệm; trong đó chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh là phó chủ nhiệm thường trực chịu trách nhiệm điều hành, tổ chức các nội dung hoạt động. Các thành viên gồm: Trưởng ban công tác Mặt trận và các đoàn thể như: Chi Hội Cựu chiến binh, chi Hội Phụ nữ, chi Hội Nông dân, chi Hội Người cao tuổi, Đoàn Thanh niên. Trong Ban chủ nhiệm, các thành viên được phân công phụ trách thành lập các loại hình câu lạc bộ như: Câu lạc bộ Bạn đọc xây dựng tủ sách nhà văn hóa do chi Hội Cựu chiến binh làm nòng cốt; câu lạc bộ văn nghệ, câu lạc bộ tiền hôn nhân, câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc do chi Hội Phụ nữ, chi Đoàn Thanh niên đảm nhiệm; câu lạc bộ thơ ca, thể dục dưỡng sinh do Ban công tác Mặt trận và chi hội Người cao tuổi phụ trách; câu lạc bộ thể dục, thể thao tập trung vào các môn: cờ tướng, bóng bàn, cầu lông, bóng chuyền, bóng đá mi ni... do Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên làm nòng cốt. Nhờ cách làm đồng bộ, nhiều nhà văn hóa xóm ở Hải Hậu đã phát huy hiệu quả hoạt động.
Huyện Giao Thủy có 22 nhà văn hóa xã, thị trấn, 332 nhà văn hóa xóm, tổ dân phố; 175 sân bóng chuyền, 192 sân bóng đá mi ni… Hàng năm Phòng Văn hóa, thể thao huyện đều tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ, công chức văn hóa - xã hội. Sau đó, cán bộ công chức văn hóa - xã hội các xã, thị trấn phổ biến, định hướng hoạt động cho Ban chủ nhiệm nhà văn hóa các thôn, xóm, tổ dân phố. Anh Phạm Văn Sỹ (38 tuổi) là công chức văn hóa - xã hội xã Giao Xuân kiêm quản lý hội trường văn hóa xã và tham gia đội văn nghệ xung kích của xã. Mỗi tuần anh đều tham gia sinh hoạt cùng Ban chủ nhiệm các nhà văn hóa xóm để tìm giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động nhà văn hóa. Các nhà văn hóa ở xã Giao Xuân thường xuyên tổ chức các hoạt động sinh hoạt; là nơi nói chuyện thời sự, sinh hoạt chi bộ Đảng, đoàn thể và là nơi hoạt động của các câu lạc bộ thơ ca của chi Hội Người cao tuổi, câu lạc bộ văn nghệ của chi Hội Phụ nữ, chi Đoàn Thanh niên... Ở thị trấn Quất Lâm, từ nguồn ngân sách và sự đóng góp của nhân dân, cả 17 nhà văn hoá ở các tổ dân phố được xây dựng với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Ngay sau khi các nhà văn hóa đi vào hoạt động, xã đã chỉ đạo các xóm thành lập Ban chủ nhiệm nhà văn hóa để quản lý các hoạt động. Với sự năng động của Ban chủ nhiệm, nhiều hạt nhân văn nghệ được tập hợp hình thành các tổ đội văn nghệ hoạt động ở nhà văn hóa tổ dân phố. Đến nay, thị trấn Quất Lâm có 1 câu lạc bộ văn nghệ, 1 câu lạc bộ cà kheo (tổ dân phố Lâm Thọ), 1 đội múa rồng (tổ dân phố Lâm Tân), 5 hội kèn đồng và 7 đội múa lân sư hoạt động theo phương thức xã hội hoá. Các nhà văn hoá tổ dân phố: Lâm Thọ, Lâm Khang, Lâm Chính, Lâm Hạ, Lâm Tân là địa điểm luyện tập thường xuyên của các câu lạc bộ cà kheo và lân sư rồng.
Ở huyện Xuân Trường, công chức văn hóa - xã hội hoặc Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách văn hóa - xã hội trực tiếp quản lý hoạt động Trung tâm Văn hóa, thể thao xã; các nhà văn hóa thôn, xóm đều thành lập Ban chủ nhiệm, thành phần gồm bí thư chi bộ, trưởng thôn, xóm, ban công tác Mặt trận và có quy chế hoạt động. Nhờ hoạt động của Ban chủ nhiệm, các nhà văn hóa xóm, tổ dân phố đều phát huy công năng sử dụng, đặc biệt trong công tác xây dựng tủ sách cộng đồng. Toàn huyện hiện có gần 200 xóm, tổ dân phố có tủ sách nhà văn hóa, mỗi tủ sách có từ 100-200 cuốn. Nhiều xã trong huyện còn luân chuyển sách từ tủ sách pháp luật tới điểm bưu điện văn hóa xã và nhà văn hóa các thôn, xóm để có thêm nhiều loại sách, báo, tạp chí phục vụ nhu cầu người đọc. Ở nhà văn hóa xóm 1, xã Xuân Hồng tủ sách cơ sở hoạt động hiệu quả với gần 200 cuốn sách, tạp chí ở các lĩnh vực như: lịch sử, giáo dục, y tế… Ban Chủ nhiệm nhà văn hóa phân công trưởng ban công tác Mặt trận xóm quản lý tủ sách thường xuyên vận động bà con đóng góp để bổ sung sách. Nhà văn hóa xóm Đông Thịnh, xã Xuân Ninh có hơn 200 cuốn với nhiều chủ đề; từ tạp chí khoa học, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt - chăn nuôi đến sách pháp luật, y học, văn học… Để duy trì hoạt động của tủ sách, Ban chủ nhiệm nhà văn hóa xóm đã tranh thủ sự ủng hộ của một số nhà tài trợ như: Ông Phạm Thanh Nghị, ở Hà Nội đóng góp nhiều sách khoa học xã hội; cụ Mai Đắc Bằng, ở Ninh Bình đóng góp sách lịch sử.
Toàn tỉnh hiện có 229 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn, 3.050 nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố. Để các nhà văn hóa phát huy hiệu quả hoạt động, những năm qua nhiều địa phương trong tỉnh đã thành lập Ban chủ nhiệm; xây dựng quy chế, kế hoạch sinh hoạt và tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Trong quá trình hoạt động, Ban chủ nhiệm Trung tâm Văn hóa - thể thao xã, nhà văn hóa thôn, xóm đã xây dựng quy chế, kế hoạch tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng, tạo điều kiện để các câu lạc bộ, tổ, đội văn nghệ phát triển. Ở một số xã, thị trấn, trong quy chế hoạt động ở các nhà văn hóa xóm, tổ dân phố, chủ nhiệm các câu lạc bộ xây dựng kế hoạch, nội dung tổ chức hoạt động đăng ký lịch sinh hoạt với thường trực Ban chủ nhiệm nhà văn hóa. Ban chủ nhiệm nhà văn hóa các xóm, tổ dân phố ở nhiều địa phương duy trì họp mỗi tháng 1 lần, 6 tháng sơ kết và hàng năm tổng kết đánh giá kết quả báo cáo trước hội đồng hương ước và nhân dân trong xóm, tổ dân phố vào dịp tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18-11). Nhờ sự định hướng của Ban chủ nhiệm nhà văn hóa cơ sở, phong trào văn nghệ, thể dục, thể thao trong tỉnh phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có gần 870 đội văn nghệ, 60 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ; gần 1.500 đội, câu lạc bộ thể dục, thể thao từ cấp huyện, thành phố đến cấp xã và các thôn, xóm, tổ dân phố thu hút hàng chục nghìn hội viên tham gia sinh hoạt. Hàng năm, vào các dịp lễ, tết, các ngày kỷ niệm lớn của địa phương, của đất nước như: Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, Chiến thắng 30-4 và Quốc tế Lao động (1-5); Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh (2-9), Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18-11); Ban chủ nhiệm nhà văn hóa cơ sở ở các địa phương đều tổ chức hội diễn, hội thi văn nghệ, thể thao quần chúng tạo khí thế hăng say trong lao động sản xuất, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.
Thực tế cho thấy, hoạt động của Ban chủ nhiệm nhà văn hóa các xã, thị trấn, thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đang phát huy hiệu quả. Thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương trong tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo củng cố Ban chủ nhiệm nhà văn hóa cơ sở. Các Ban chủ nhiệm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tăng cường tổ chức các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng; các cuộc giao lưu, liên hoan, hội diễn, hội thi; duy trì hoạt động của các loại hình câu lạc bộ, đội nhóm sở thích; đa dạng các loại sách báo phục vụ nhu cầu đọc của nhân dân; phát hiện và bồi dưỡng các hạt nhân trong phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của địa phương./.
Bài và ảnh: Viết Dư