Vùng đất cổ ngã ba sông - làng Độc Bộ, xã Yên Nhân (Ý Yên) là nơi hội tụ và sản sinh nhiều giá trị văn hoá truyền thống. Trải qua hơn 10 thế kỷ kể từ ngày Triệu Việt Vương đặt chân đến vùng đất này để giúp dân khai hoang, lập ấp, các giá trị văn hoá truyền thống vẫn luôn được các thế hệ người dân nơi đây gìn giữ và phát huy trong đời sống cộng đồng.
Tế "Tam kỳ giang" trên sông trong Lễ hội Đền Độc Bộ năm 2019. |
Theo các thư tịch cổ, làng Độc Bộ xưa là dải đất gồm một phần phía nam huyện Ý Yên và một phần phía tây bắc huyện Nghĩa Hưng. Vùng đất Độc Bộ vừa có đất cổ, vừa có đất bồi tụ ra sông, đặc biệt là yếu tố thủy lợi, tiêu biểu cho văn hóa nông nghiệp lúa nước. Cửa sông Độc Bộ là nơi hội tụ khí thiêng của hai nhánh sông Hồng là sông Đào và sông Đáy. Từ thuở hoang vu, Triệu Quang Phục đã đến đây dạy người dân địa phương tạo kế sinh nhai như: Trồng cấy, đánh bắt tôm, cá, dệt chiếu, dệt vải. Tương truyền, cửa sông làng Độc Bộ có tên gọi là cửa Đại ác vì vào mùa mưa lũ, nơi đây xuất hiện sóng dữ nhấn chìm nhiều tàu bè qua lại và ảnh hưởng đến cuộc sống người dân ven sông. Triệu Quang Phục đã chiêu dân, tổ chức đắp đê để ngăn nước mặn, cải tạo đất. Vào thế kỷ VI, khi đất nước loạn lạc, Triệu Quang Phục là người có công kế tục Vua Lý Nam Đế dấy binh, đánh đuổi quân xâm lược nhà Lương. Sau khi lên ngôi xưng hiệu Triệu Việt Vương, năm 571, ông bị Lý Phật Tử (cháu của Lý Nam Đế) phản trắc đem quân đánh úp. Bị thất thủ trước thế giặc quá mạnh, quyết không để giặc bắt, ông đã gieo mình xuống cửa biển Đại Nha tự vẫn. Để tỏ lòng biết ơn trước công lao to lớn của Triệu Việt Vương, dân làng Độc Bộ đã suy tôn ông là Thành hoàng làng và lập đền để thờ phụng. Hàng trăm năm nay, làng Độc Bộ đều mở hội truyền thống, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương về dự. Lễ hội Đền Độc Bộ là một trong số ít lễ hội mùa thu lớn nhất vùng phía nam đồng bằng sông Hồng. Trước kia, lễ hội diễn ra từ ngày 11 đến ngày 15-8 (âm lịch). Các cụ cao niên trong làng kể lại: Những năm trước Cách mạng Tháng Tám, mặc dù đời sống người dân trong vùng còn khó khăn, nhưng lễ hội vẫn được tổ chức thường niên. Các đoàn thương thuyền từ các tỉnh: Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An đều về bến Độc Bộ neo đậu trước hàng tháng trời, chờ đến ngày chính hội tham gia vào đoàn thuyền tế. Theo tín ngưỡng dân gian, nhà thuyền nào được chọn làm thuyền tế thì năm ấy sẽ gặp nhiều may mắn trong giao thương. Trong ngày hội, các thôn Dương Phạm, Phạm Xá, Đoài Thôn, An Đường, Hoà Bình, Đống Cao, Thức Vụ ở các xã: Yên Nhân, Yên Cường, Yên Lộc tổ chức rước kiệu từ làng mình về Đền Độc Bộ. Đoàn rước dài hàng cây số gồm: Đội cờ ngũ sắc, cờ thần, đội phụng nghinh, bát biểu, phường bát âm, chấp kích, xênh tiền, tế nam, tế nữ quan... Hai bên đường đoàn rước đi qua, người dân bày các mâm lễ vật của gia đình để bái vọng Thánh. Nét đặc sắc của lễ hội Đền Độc Bộ là nghi thức tế “Tam kỳ giang” diễn ra vào giờ Ngọ, ngày 13-8 (âm lịch) tại ngã ba sông - nơi giao điểm hai dòng nước (cách đền khoảng 1km). Nghi thức tế “Tam Kỳ giang” là gồm hai “tuần lễ” (khoá lễ). Tuần đầu tế trời đất: Các đội tế dâng hương, dâng bánh dầy, chè kho, hóa vàng mã rồi thả xuống sông với mong muốn cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cây cối tốt tươi. Tuần hai tế thánh: Các đội tế đọc chúc văn ca ngợi công lao của Triệu Việt Vương và tục “xin” nước Thánh trên sông rước về đền để lễ. Ngày nay, những tập tục dân gian trong lễ hội Đền Độc Bộ vẫn diễn ra theo trình tự. Tuy nhiên để phù hợp với điều kiện xã hội và quy chế tổ chức lễ hội theo nếp sống văn minh, lễ hội Đền Độc Bộ được tổ chức từ 2-3 ngày; trong đó, chính hội là ngày 13-8 (âm lịch) - ngày tuẫn tiết của Triệu Việt Vương. Trong phần lễ, một số nghi thức được rút gọn nhưng vẫn bảo lưu được giá trị văn hoá truyền thống. Bên cạnh phần lễ được tổ chức vào buổi sáng ngày 13-8 (âm lịch), phần hội tổ chức vào buổi chiều diễn ra nhiều hoạt động văn hoá, thể thao sôi nổi; tiêu biểu là cuộc thi đua thuyền rồng trên sông với sự tham gia của nhiều tay chải đến từ các huyện: Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Nam Trực. Tại sân đền diễn ra nhiều trò chơi dân gian như: kéo co, cờ tướng, chọi gà, tổ tôm điếm, leo cầu phao, múa lân, sư, rồng. Buổi tối diễn ra hội diễn văn nghệ quần chúng với nhiều tiết mục hát chèo, hát ca trù, hát quan họ; trong đền tổ chức hầu đồng, hát văn, tạo không gian văn hoá làng sôi động, hấp dẫn.
Về làng Độc Bộ, không gian văn hoá làng truyền thống không chỉ thể hiện qua sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh mà còn hiện hữu qua những hình ảnh đặc trưng nông thôn như: cổng làng, hồ sen, giếng nước, cây cổ thụ… Trong khuôn viên di tích lịch sử - văn hoá Đền - Chùa Độc Bộ hiện còn bảo tồn được một số cây đa, cây gạo cổ thụ sừng sững, ngày ngày tỏa bóng mát cho người nông dân sau những giờ lao động mệt nhọc. Tự hào về lịch sử truyền thống của quê hương, nhiều năm qua, cùng với nguồn ngân sách Nhà nước, dân làng Độc Bộ tự nguyện đóng góp kinh phí cùng nhiều ngày công lao động để tu bổ các thiết chế văn hoá cổ, giữ gìn vệ sinh, tạo cảnh quan môi trường trong lành. Cổng làng Độc Bộ được dân làng phục dựng năm 2014 trên nền móng của cổng làng cổ. Về tổng thể, cổng làng Độc Bộ là công trình bị chi phối bởi bản sắc văn hóa địa phương, thể hiện phương châm xử thế, mang cốt cách của làng, hài hoà với địa thế, phong thuỷ và công trình Đền - Chùa Độc Bộ. Cổng cao 5m, rộng 3m, kết cấu 4 mái đao cong vút, đắp hoạ tiết tứ linh; các mảng kiến trúc liên kết với nhau, tạo nên sự bền vững, hài hòa, tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho người dân.
Từ hàng nghìn năm nay, không gian văn hóa làng Độc Bộ đã trở thành cái nôi sản sinh, nuôi dưỡng, hình thành đạo lý sống, nhân cách, tạo ra sức mạnh để dân làng chiến thắng thiên tai, giặc dã, đói nghèo. Trong cuộc sống hôm nay, các giá trị văn hóa ở làng Độc Bộ đã phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; các hoạt động văn hóa tâm linh, tri ân công đức của các bậc tiền nhân có công với làng, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, gắn kết tình làng, nghĩa xóm./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng