Gìn giữ nét đẹp văn hóa của Tết Trung thu truyền thống

03:09, 06/09/2019

Những ngày này, dạo quanh các tuyến phố chính ở thành phố Nam Định, rực lên sắc màu của những gian hàng bán bánh Trung thu, các đồ chơi truyền thống như đèn ông sao, đèn lồng, đầu sư tử... Còn tại các nhà văn hóa, trường học, khu vui chơi cũng rộn ràng chuẩn bị chương trình “Đêm hội trăng rằm”. Thị trường đồ chơi Tết Trung thu năm nay đã xuất hiện nhiều nhóm sản phẩm truyền thống được làm từ mây tre đan, giấy nện, giấy bóng kính… Bên cạnh bánh Trung thu của các hãng bánh kẹo nổi tiếng, dòng bánh Trung thu truyền thống của các cơ sở gia truyền vẫn được người tiêu dùng quan tâm.

Một buổi biểu diễn của Hội Hoàng Kỳ Lân, xã Hải Phúc (Hải Hậu).
Một buổi biểu diễn của Hội Hoàng Kỳ Lân, xã Hải Phúc (Hải Hậu).

Trải qua bao thăng trầm, bánh Trung thu của người dân xã Quang Trung (Vụ Bản) vẫn giữ được hình thức và hương vị truyền thống. Hiện, xã có hơn chục nhãn hàng bánh Trung thu như: Tiến Thành, Minh Hằng, Ngọc Quang, Hanh Hiền... Các sản phẩm bánh Trung thu của người dân Quang Trung hiện đang được bán trong tỉnh và các tỉnh miền Bắc, miền Trung. Để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, các cơ sở sản xuất bánh truyền thống đã đầu tư mẫu mã, bao bì bắt mắt, giá cả phù hợp với phần đông người dân. Đây là lý do khiến sản phẩm bánh Trung thu truyền thống của các cơ sở sản xuất trong tỉnh đang được người dân các thành phố lớn, các tỉnh lân cận tìm mua. Còn tại làng nghề Báo Đáp, xã Hồng Quang (Nam Trực), cảm nhận chung của người dân là Tết Trung thu đến sớm. Ở các cơ sở sản xuất đèn ông sao, các phương tiện xe tấp nập vào ra vận chuyển sản phẩm đi khắp các tỉnh, thành phố. Cơ sở sản xuất đèn ông sao của gia đình ông Nguyễn Xuân Xu, xóm 9, thôn Báo Đáp luôn đông khách vì có nhiều mẫu mã đẹp, bắt mắt. Hàng năm số lượng đèn ông sao được xuất bán của gia đình ông Xu từ 15-17 vạn chiếc. Đầu tháng 8 năm nay, gia đình ông đã xuất bán hơn 3 vạn chiếc đèn ông sao. Ông Xu cho biết: Để chuẩn bị cho vụ sản xuất đèn ông sao, từ tháng 4 âm lịch, người dân trong làng đã ngâm tre nứa để chuẩn bị làm đèn. Đèn ông sao được chia làm 3 loại: Loại lớn có đường kính 50cm, loại vừa 40cm và loại nhỏ 30cm. Người dân mua giấy bóng kính màu trắng về ngâm, nhuộm thành màu xanh, đỏ, vàng. Cũng ở làng Báo Đáp, nghề làm trống bỏi đang có dấu hiệu “hồi sinh”. Ông Nguyễn Đức Hưởng sinh ra trong gia đình có truyền thống 4 đời làm đồ chơi truyền thống của địa phương. Trước Tết Trung thu hàng tháng, nhiều thương lái biết tiếng gia đình ông Hưởng đã về đặt hàng để tiêu thụ ở các thành phố lớn như: Hà Nội, Huế, thành phố Hồ Chí Minh.

Chuẩn bị cho Tết Trung thu, các đội múa tứ linh, câu lạc bộ văn nghệ ở các địa phương trong tỉnh say mê luyện tập để biểu diễn. Ngay từ đầu tháng 8 âm lịch, trong khuôn viên Nhà văn hóa Thiếu nhi thành phố Nam Định, tiếng trống rộn rã vang lên đưa nhịp cho các võ sinh môn võ cổ truyền tập luyện những bài múa lân. Từ niềm yêu thích đặc biệt với múa lân, năm 2007, Võ sư Trần Đức Tấn đã nhen nhóm ý tưởng thành lập câu lạc bộ võ thuật lân sư rồng Thiên Trường. Hiện nay, câu lạc bộ có 30 thành viên đều là những người theo học võ cổ truyền từ 3 năm trở lên. Để chuẩn bị các buổi biểu diễn dịp Tết Trung thu, năm nay câu lạc bộ tập luyện các động tác của bài “Song lân chầu nguyệt”. Đây là bài biểu diễn mới nhất của câu lạc bộ với hình ảnh 2 con lân mang biểu tượng “thịnh vượng, trường thọ” “gõ cửa” gia chủ. Để có được những điệu múa đẹp mắt, các võ sinh phải chuyên tâm khổ luyện để tạo hình tượng con lân, sư, rồng trở nên sống động, biểu lộ được 10 cung bậc tình cảm như: ngủ, thức, vui, buồn, giận, yêu, khinh, ghét, im lặng, sợ hãi, nghi ngờ... Ở huyện Mỹ Lộc, nhiều địa phương có đội múa tứ linh. Trong đó tiêu biểu là xã Mỹ Hưng có 2 đội múa rồng; xã Mỹ Thắng có 3 đội múa lân, sư, rồng; xã Mỹ Phúc có 1 đội múa rồng, xã Mỹ Hà có 1 đội múa sư tử…; mỗi đội có từ 30-50 thành viên. Những ngày này, các đội múa tứ linh ở Mỹ Lộc đang chuẩn bị các trang phục, đạo cụ và say mê luyện tập các kỹ thuật múa mới để biểu diễn vào Tết Trung thu. Huyện Hải Hậu hiện còn lưu giữ nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, trong đó có nghệ thuật múa tứ linh. Điểm đặc sắc của các đội múa tứ linh ở Hải Hậu là sự đầu tư bài bản từ đạo cụ, trang phục đến kỹ thuật biểu diễn, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Xã Hải Phúc (Hải Hậu) có hội múa lân được thành lập năm 2011 với tên gọi Hoàng Kỳ Lân, thành viên là các em trong độ tuổi thanh, thiếu niên. Ngoài niềm đam mê, sáng tạo và cảm thụ âm nhạc, các thành viên trong hội với sức trẻ đã hăng say luyện tập những kỹ thuật khó để thể hiện nét tính cách và sự dũng mãnh của lân. Vào dịp Tết Trung thu năm nay, hội đã chuẩn bị 5 đầu lân biểu trưng cho ngũ sắc kết hợp biểu diễn các bài: “Ngũ lân tranh hùng”, “Ngũ lân sum vầy”...

Ở huyện Nghĩa Hưng, các đội văn nghệ của các xã Nghĩa Trung, Nghĩa Thái, Nghĩa Thịnh, thị trấn Liễu Đề, Rạng Đông... đang tích cực chuẩn bị các tiết mục biểu diễn trong “Đêm hội trăng rằm”. Thị trấn Liễu Đề hiện có nhiều mô hình câu lạc bộ hoạt động theo hình thức xã hội hóa, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Đoàn Thanh niên thị trấn hàng năm tổ chức chương trình văn nghệ biểu diễn dịp Tết Trung thu, tạo khí thế sôi nổi trong đoàn viên, thanh niên. Ở huyện Mỹ Lộc, các hạt nhân văn nghệ ở thị trấn Mỹ Lộc và các xã Mỹ Thắng, Mỹ Hà, Mỹ Tân, Mỹ Hưng, Mỹ Phúc, Mỹ Thành đang tất bật hướng dẫn các em thiếu niên, nhi đồng tham gia biểu diễn các tiết mục nghệ thuật trong “Đêm hội trăng rằm”. Ở xã Thành Lợi (Vụ Bản), ngoài biểu diễn múa rồng mây, vào dịp Tết Trung thu, câu lạc bộ người cao tuổi miền Lê Lợi tổ chức chương trình biểu diễn hát trống quân. Trong chương trình, nhiều bài hát trống quân dựa trên làn điệu cổ được các thành viên câu lạc bộ biên soạn như “Quê ta Thành Lợi Quả Linh”, “Thời chiến người làng tôi”… nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Để khơi dậy nét đẹp văn hóa truyền thống của Tết Trung thu, các cơ quan, đơn vị ở các địa phương trong tỉnh đã quan tâm tổ chức các hoạt động văn hóa, giúp các em hiểu nguồn gốc và ý nghĩa Tết Trung thu; tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà thiếu nhi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, con em các gia đình thương binh, liệt sĩ, trẻ em lang thang cơ nhỡ; tuyên dương thiếu niên, nhi đồng có thành tích cao trong học tập; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, Hội trại thu, Đêm hội trăng rằm... Các địa phương tổ chức trại thu cho thiếu niên, nhi đồng với các hoạt động: Thi cắm trại, đồng diễn thể dục nhịp điệu, thi Nghi thức Đội, múa hát, thi vẽ tranh, thi kể chuyện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; thi báo tường, báo ảnh... Nhiều trường học tổ chức cho học sinh cắm trại, bày mâm ngũ quả, chơi các trò chơi dân gian như múa sư tử, rước đèn ông sao, đèn kéo quân, chơi đố vui có thưởng với chú Cuội và chị Hằng…

Những đồ chơi dân gian kết hợp với các hoạt động vui chơi được tổ chức đa dạng trên cơ sở kế thừa những tinh hoa của Tết Trung thu đã góp phần giáo dục truyền thống văn hóa cho thiếu nhi hiểu về trách nhiệm bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của dân tộc./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com