Thời gian qua, nghệ thuật múa rối nước có “đất” diễn ở nhiều lễ hội truyền thống và được đưa vào chương trình ngoại khóa của các trường học, góp phần giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ.
Dịp Tết Trung thu 2019 vừa qua chương trình biểu diễn của Đoàn múa rối nước Sông Quê (Nam Trực) tại Trường Tiểu học Lộc An (thành phố Nam Định) gồm 10 hoạt cảnh với nhiều tích trò gắn với nội dung bài học của học sinh. Trong đó, đan xen giữa các tích trò, đoàn đã chọn lựa những giai điệu âm nhạc và lời thoại phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi có nội dung sâu sắc, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, khơi dậy truyền thống “Uống nước, nhớ nguồn”, tương thân, tương ái mang ý nghĩa nhân văn, nhân đạo. Tiêu biểu là các hoạt cảnh: “Tễu giáo đầu”, “Khởi nghĩa Lam Sơn”, “Dệt vải trao con”, “Câu ếch”, “Chọi trâu”, “Cấy lúa”, “Đấu vật”, “Múa tứ linh”, “Múa sư tử”, “Trần Hưng Đạo 3 lần thắng quân Nguyên - Mông”. Sau mỗi tiết mục, tiếng vỗ tay của học sinh lại rộ lên tán thưởng. Cô giáo Ngô Mai Oanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lộc An cho biết: “Được xem các diễn viên đoàn múa rối nước Sông Quê biểu diễn, học sinh nhà trường đều thích thú. Thông qua tích trò, các câu chuyện cổ tích lịch sử đã gieo vào các em những ước mơ, hướng các em đến những điều tốt đẹp của cuộc sống”. Nghệ nhân Phan Văn Mạnh, Trưởng đoàn múa rối nước Sông Quê chia sẻ: “Từ nhiều năm nay, đoàn đã phối hợp với các cơ sở giáo dục trong tỉnh thực hiện chương trình đưa loại hình nghệ thuật múa rối nước vào học đường. Khi dàn dựng chương trình múa rối nước phục vụ học sinh, đoàn chú ý đến đặc điểm riêng của từng lứa tuổi ở mỗi cấp học. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, đoàn còn chế tác nhiều con rối nhỏ để làm quà lưu niệm cho khách đến xem biểu diễn.
Múa rối nước phục vụ các em học sinh ở Bảo tàng tỉnh. |
Cùng với nghệ nhân Phan Văn Mạnh, với mong muốn quảng bá nghệ thuật múa rối, người em trai của ông là nghệ nhân Phan Văn Mẽ đã thành lập Đoàn rối nước dân gian Thành Nam (năm 2014). Hàng tháng, đoàn đều kín lịch biểu diễn tại các lễ hội và các trường học trong và ngoài tỉnh. Riêng tại thành phố Nam Định, Đoàn rối nước dân gian Thành Nam đã biểu diễn ở các trường tiểu học: Mỹ Xá, Kim Đồng, Nguyễn Văn Trỗi và Trường Mầm non Hương Sen... Tiếng lành đồn xa, đoàn rối nước của nghệ nhân Phan Văn Mẽ được mời biểu diễn ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh… Để đáp ứng thị hiếu khán giả trẻ, ngoài những tích cổ, nghệ sĩ Phan Văn Mẽ còn sáng tác nhiều kịch bản mới, hấp dẫn như “Cu Tý đánh hổ”, “Thạch Sanh chém đầu trăn tinh”, “Hầu đồng”. Tích trò “Cu Tý đánh hổ” là một trong những trò diễn “đinh” của đoàn trong mỗi dịp biểu diễn cho học sinh lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học. Trong tích trò, nghệ nhân Phan Văn Mẽ đã lồng ghép khéo léo các yếu tố như lịch sử - văn hóa - giáo dục - giải trí, đây là một phương pháp giáo dục hiện đại cho thiếu niên, nhi đồng.
Với những tích trò đặc sắc và sự tài hoa của các nghệ sĩ, phường rối nước Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng) luôn có suất diễn ở hầu khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước và là một trong các phường rối dân gian được mời biểu diễn định kỳ tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phục vụ khách tham quan du lịch. Ngoài việc chọn lọc và tập theo các tích trò cổ, các nghệ nhân phường rối nước Nghĩa Trung còn sáng tạo một số trò mới liên quan đến cuộc sống đương đại. Phần âm nhạc sử dụng các làn điệu chèo cổ và tự sáng tác lời. Các nghệ nhân phường rối nước Nghĩa Trung đều xuất thân là nông dân và được các thế hệ đi trước truyền dạy. Tuy trình độ biểu diễn không điêu luyện bằng các nghệ sĩ chuyên nghiệp nhưng các trò diễn của phường lại có sức hấp dẫn riêng. Đó chính là sự mộc mạc, hồn nhiên, là cách diễn chân chất mang hơi thở đồng ruộng, được du khách, nhất là khách nước ngoài trân trọng. Tiêu biểu là các tiết mục: “Rồng thiêng đất Việt”, “Vợ chồng ông chài”, “Chàng câu ếch”, “Múa tứ linh”, “Hát chầu văn”, “Hoa bướm”, “Lời ru của mẹ”…
Từ nhiều năm qua, các đoàn rối nước trong tỉnh đã đầu tư công sức, tiền của cải tiến sân khấu thủy đình lưu động, bổ sung tích trò mới, viết lời thoại, chọn âm nhạc, có nội dung phù hợp hướng tới phục vụ đối tượng khán giả ở lứa tuổi học đường. Đặc biệt, các đoàn đều chú trọng đào tạo, bồi dưỡng thành viên trẻ để duy trì hoạt động ổn định. Với chất lượng cao về nội dung và nghệ thuật, các đoàn múa rối nước trong tỉnh gồm: Sông Quê, Thành Nam, Nghĩa Trung thường xuyên được Bảo tàng tỉnh, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh mời biểu diễn phục vụ du khách và được một số trường học trong tỉnh đưa vào chương trình ngoại khóa để học sinh trải nghiệm nghệ thuật múa rối nước...
Thời gian tới các đoàn múa rối nước trong tỉnh tiếp tục nghiên cứu xây dựng những tiết mục có giá trị sâu sắc về nội dung và chất lượng nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu thưởng thức và thị hiếu thẩm mỹ ngày càng cao của khán giả. Cùng với hoạt động biểu diễn, các đoàn rối nước phối hợp với các cơ sở giáo dục tổ chức cho học sinh trải nghiệm làm con rối, tìm hiểu lịch sử các làng rối nước…; qua đó góp phần bồi dưỡng tư tưởng, giáo dục truyền thống văn hóa quê hương cho thế hệ trẻ./.
Bài và ảnh: Viết Dư