Với bề dày truyền thống văn hóa, Nam Định là nơi hội tụ và lưu giữ được nhiều di sản văn hoá phi vật thể bao gồm các loại hình nghệ thuật, diễn xướng dân gian, lễ hội, các làng nghề thủ công truyền thống. Tiêu biểu như thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại; 6 di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia gồm: Lễ hội Đền Trần, Lễ hội Phủ Dầy, Nghi lễ Chầu văn của người Việt tại Nam Định, Nghệ thuật Ca trù, Nghề sơn mài truyền thống Cát Đằng, Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện.
Múa rồng trong lễ hội truyền thống Đền Trần năm 2019. Ảnh: Khánh Dũng |
Thời gian qua, việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu liên quan đến các nghi lễ thờ cúng và các sinh hoạt văn hóa truyền thống trong các lễ hội được các địa phương khôi phục và phát huy, trong đó lễ hội Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản) tích hợp nhiều giá trị lịch sử, văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu và văn hóa dân gian của cư dân nông nghiệp vùng đồng bằng Bắc Bộ, mang đặc trưng tín ngưỡng bản địa của người Việt. Từ ngày mùng 3 đến mùng 8-3 âm lịch hàng năm, lễ hội Phủ Dầy được tổ chức trên quy mô vùng, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và khách thập phương về dự. Trong lễ hội diễn ra các nghi lễ trang trọng, gồm: Hầu đồng, rước thỉnh kinh, rước đuốc, hoa trượng hội; các hoạt động văn hóa dân gian như: Thi hát văn, đánh cờ người và nhiều trò chơi dân gian độc đáo khác. Tiêu biểu cho các nghi lễ trong lễ hội Phủ Dầy là hầu đồng. Giữa làn khói hương mờ ảo, giọng hát văn, tiếng trống phách, đàn nguyệt, sáo nhị vang lên, lúc dìu dặt, khoan thai, khi dồn dập cùng với động tác lắc lư, nhún nhảy, tâm trạng biến hóa của thanh đồng… khiến “không gian” hầu đồng trở nên huyền ảo. Ngoài các giá đồng ca ngợi công lao của Thánh Mẫu, các giá Quan Đệ Nhất, Ông Hoàng Mười, Ông Hoàng Bảy, Cô Bơ, Cô Chín có nội dung ca ngợi những người có công lao với nước, với dân, ca ngợi cảnh đẹp của quê hương, đất nước… Trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, nghi lễ hầu đồng gắn với nghệ thuật hát chầu văn. Các bài hát văn tùy thuộc vào từng giá hầu mà có nội dung phù hợp; thường sử dụng thể thơ lục bát, song thất lục bát, hay biến thể 4-7 hoặc 5-8... Chầu văn Nam Định có hệ thống làn điệu phong phú, tinh tế, giàu sắc thái biểu cảm như: bỉ, miễu, phú bình, phú chênh, phú nói, phú rầu, đưa thơ, vãn, dọc, cờn, hãm và dồn. Theo khảo sát của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trên địa bàn tỉnh hiện có 12 hội, bản hội thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ; mỗi hội, bản hội có 100-200 con nhang đệ tử. Trong đó huyện Mỹ Lộc có hội phủ Tâm Linh, huyện Nam Trực có bản hội Chân Hương, huyện Trực Ninh có các bản hội: Đông Quang phủ, Ninh Quang phủ, Thanh Hoa điện, Đông Cuông, Thiêm Lộc phủ, Đông A phủ (xã Trung Đông), Đông Minh (thị trấn Cổ Lễ); huyện Ý Yên có bản hội Phủ Quảng Cung; huyện Xuân Trường có bản hội Cửu Long. Ngoài nghi thức hầu đồng, trong lễ hội Phủ Dầy hàng năm, vào ngày 4-3 âm lịch, Ban tổ chức lễ hội lại tổ chức thi hát chầu văn tại Phủ Tiên Hương và Phủ Vân Cát. Đây là “không gian” để vẻ đẹp hát chầu văn có dịp được phô bày, lan tỏa đến khách thập phương và để nghệ thuật hát văn đến với cộng đồng… Sau khi Di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai các hoạt động xây dựng chương trình hành động bảo vệ và phát huy giá trị của di sản. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện các biện pháp quản lý Nhà nước nhằm giữ gìn, bảo vệ, phát huy những giá trị tốt đẹp của di sản, đồng thời ngăn ngừa, loại bỏ các hủ tục và hành vi lợi dụng di sản để trục lợi, có tác động tiêu cực tới đời sống cộng đồng, xã hội và làm sai lệch di sản; ngăn chặn, xử lý nghiêm việc lợi dụng thương mại hóa, hoặc các hiện tượng khác làm biến dạng di sản. Phối hợp với các cơ quan truyền thông, các hội nghề nghiệp tổ chức các chương trình giới thiệu, quảng bá về giá trị di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tới công chúng trong nước và ngoài nước.
Khu di tích Đền Trần - Chùa Phổ Minh là trung tâm tôn giáo, tín ngưỡng lớn ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Hàng năm, tại di tích diễn ra các kỳ lễ, lễ hội với nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc mang ý nghĩa tôn vinh thời đại nhà Trần. Trong đó, có hai kỳ lễ hội quan trọng nhất là Lễ Khai ấn đầu Xuân và Hội Trần tháng 8. Năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Lễ hội Trần là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Thực hiện Đề án đổi mới công tác tổ chức Lễ hội Trần, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam phối hợp với các cơ quan hữu quan của tỉnh đã nghiên cứu, phục dựng nhiều nghi thức trong lễ hội xưa. Từ năm 2014 đến nay, trong Lễ hội Khai ấn Đền Trần, lễ rước kiệu Ngọc Lộ, lễ Rước Nước và Tế Cá được phục dựng. Việc phục dựng các nghi lễ tại Lễ Khai ấn dựa trên việc tìm hiểu nghiên cứu các thư tịch cổ, tìm hiểu trong dân gian. Đối với Lễ hội Trần tổ chức vào tháng 8 âm lịch, phần lễ và phần hội được cử hành trang nghiêm. Ngày 20-8 âm lịch tiến hành nghi lễ dâng hương nhân kỷ niệm ngày mất của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Trong không khí linh thiêng hương trầm lan tỏa, du khách thập phương thắp nén hương thơm tưởng nhớ công lao của các vị Vua Trần và Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo cùng ôn lại những áng thiên cổ hùng văn bất hủ của Người như: “Vạn Kiếp Bí Tông Truyền thư”, “Binh Gia Diệu Lý yếu lược” và “Hịch Tướng sĩ”. Phần hội có nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá phong phú, độc đáo như những hoạt động văn hoá, văn nghệ, trò chơi dân gian: múa lân, múa sư tử, hát chèo, chọi gà, đấu vật…
Trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nghề sơn mài Cát Đằng, xã Yên Tiến (Ý Yên) là di sản văn hoá phi vật thể thuộc lĩnh vực nghề thủ công, mỹ nghệ truyền thống (công nhận tháng 5-2017). Theo các nhà khoa học, nghề Sơn mài Cát Đằng được vinh danh bởi đảm bảo các yếu tố: giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật; giá trị sử dụng, kinh tế. Làng nghề sơn mài Cát Đằng có lịch sử truyền thống lâu đời, được hình thành và phát triển trên nền tảng văn hóa truyền thống của địa phương có từ thời Đinh - Tiền Lê (thế kỷ IX-X). Nơi đây có đền thờ Thánh tổ nghề sơn là Ngô Đức Dũng và Ngô Ân Ba - người có công truyền dạy nghề sơn cho dân làng vào cuối thời Trần (đời Vua Trần Thuận Tông) thế kỷ XIV. Giá trị văn hóa của nghề sơn mài Cát Đằng biểu hiện ở sự gắn bó với các lễ hội tôn sùng Thánh Tổ làng nghề và các lễ tiết trong năm. Hàng năm, từ ngày 14 đến 16 tháng Giêng, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội tưởng nhớ ngày giỗ Tổ nghề đã có công truyền dạy nghề sơn mài cho dân làng. Trong lễ hội có các nghi lễ như rước nước và rước thỉnh kinh để cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, công việc được thuận buồm xuôi gió. Lễ hội còn là dịp quảng bá các sản phẩm của làng nghề như: kiệu bát cống, kiệu võng, bát bửu... Nhận thức được những thuận lợi và khó khăn của làng nghề truyền thống sơn mài Cát Đằng, UBND xã Yên Tiến đã xây dựng quy hoạch khu sản xuất làng nghề đến năm 2020. Trong đó chủ trương dành một khu đất để tập trung các cơ sở sản xuất, quy hoạch các khu vực ngâm nứa, tre để tránh tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Bên cạnh đó, UBND xã tạo điều kiện thuận lợi để các hộ gia đình, cơ sở sản xuất vay vốn kinh doanh. Để quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị nghề sơn mài Cát Đằng, xã Yên Tiến cần tăng cường quảng bá giới thiệu sản phẩm làng nghề mở rộng thị trường tiêu thụ, đảm bảo sự gắn kết và phát triển bền vững. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở các lớp truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ, đặc biệt là những kỹ năng, kỹ thuật mang tính bí quyết của làng nghề. Quan tâm và có những chính sách đãi ngộ với lớp nghệ nhân cao tuổi đang nắm giữ các bí quyết làng nghề.
Với định hướng đẩy mạnh phát triển du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tập trung khai thác, phát huy giá trị các di sản văn hóa. Các khu di tích lịch sử - văn hóa Đền Trần, Chùa Phổ Minh, Phủ Dầy… đã được quy hoạch thành điểm du lịch quốc gia, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh. Tăng cường công tác quản lý, tổ chức các lễ hội theo đúng thuần phong mỹ tục, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống./.
Viết Dư