Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN lần thứ tư) đã và đang diễn ra trên thế giới. Xuất phát từ thành tựu của ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, đặc biệt là cách mạng công nghiệp lần thứ ba với sự ra đời và phát triển các ứng dụng của máy tính, mạng internet và công nghệ truyền thông không dây.
Hiện nay ở Việt Nam, việc ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ của thế giới về công nghệ thông tin, truyền thông, công nghệ cao đã làm thay đổi cơ bản phương thức truyền thông cũng như hình thức tiếp nhận thông tin của nhân dân. Đối với văn hóa, là ngành mà nhân lực không trực tiếp nghiên cứu và sản xuất các công nghệ mới là thành tựu của cuộc CMCN lần thứ tư nhưng việc ứng dụng khoa học, thành tựu công nghệ để bảo tồn, phát huy và phát triển giá trị văn hóa, hội nhập quốc tế về văn hóa là xu hướng tất yếu, phù hợp với xu thế thời đại.
Cách đây hơn 20 năm, ngày 16-7-1998, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (Nghị quyết số 03-NQ/TW). Để nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, việc xây dựng, ban hành các chính sách phải chú trọng đến việc tạo điều kiện trong xây dựng cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo hướng vừa đảm bảo cho sự phát triển các giá trị văn hóa phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ trên cơ sở phát huy tính tự giác cao với mục đích đúng đắn.
Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội nghiên cứu tại thư viện. Ảnh: Internet |
Đến năm 2014, Nghị quyết số 33-NQ/TW tại Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (Nghị quyết số 33-NQ/TW). Theo đó, nhiệm vụ phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa đã được đặt ra. Chủ trương xây dựng cơ chế khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa là rất đúng đắn và phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập quốc tế về văn hóa.
Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 8-9-2016. Theo đó, các nhiệm vụ nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ như: Ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa; thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các ngành công nghiệp văn hóa gắn với ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại; nâng cao hàm lượng khoa học kỹ thuật trong chuỗi sản xuất sản phẩm, dịch vụ của các ngành công nghiệp văn hóa; đổi mới và phát triển các ngành sản xuất sản phẩm, dịch vụ văn hóa truyền thống như: In ấn, xuất bản, phát hành, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, giải trí, quảng cáo, triển lãm.
Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN lần thứ tư (Chỉ thị số 16/CT-TTg). Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch và nhiệm vụ trọng tâm của ngành để triển khai phù hợp với xu thế phát triển của cuộc CMCN lần thứ tư; tổ chức lựa chọn, đề xuất các sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của ngành báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, chỉ đạo tập trung đầu tư phát triển. Như vậy, chủ trương đường lối của Đảng về ứng dụng khoa học, công nghệ đối với lĩnh vực văn hóa về cơ bản đã được Chính phủ chỉ đạo để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành liên quan khác triển khai thực hiện.
Triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành “Định hướng và danh mục sản phẩm chủ lực của ngành văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2017-2020”, theo đó có bốn nhóm sản phẩm ưu tiên triển khai, thực hiện bao gồm:
Lĩnh vực điện ảnh với các sản phẩm là tác phẩm điện ảnh sản xuất và trình chiếu theo công nghệ số. Sự phát triển của công nghệ số đã làm thay đổi ngành công nghiệp điện ảnh. Chẳng hạn việc xuất hiện khái niệm “diễn viên kỹ thuật số” bằng việc tạo ra các hình ảnh phim mới từ những dữ liệu số hóa đã có của diễn viên. Kể cả khi diễn viên đã chết, vẫn có thể đóng tiếp những phim mới bằng vào việc sử dụng dữ liệu số của diễn viên đó. Sản xuất phim kỹ thuật số là xu hướng tất yếu hiện nay.
Lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn với các sản phẩm, dịch vụ biểu diễn nghệ thuật sử dụng công nghệ âm thanh, ánh sáng hiện đại; ứng dụng công nghệ trong truyền dạy nghệ thuật truyền thống và đương đại. Hiện nay, công nghệ thực tại ảo, trình diễn công nghệ về âm thanh, ánh sáng, hình ảnh 3D sẽ tạo nên những thay đổi trong các hoạt động nghệ thuật biểu diễn truyền thống. Bằng công nghệ, có thể tái hiện việc biểu diễn tại một nhà hát, hay sân vận động trực tiếp sống động như thật trước các khán giả khác, ở những địa điểm khác nhau trên thế giới vào cùng một thời điểm.
Lĩnh vực di sản văn hóa ưu tiên ứng dụng khoa học, công nghệ để xây dựng quy trình xử lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; xây dựng hệ thống trưng bày và thuyết minh tương tác trong bảo tàng; ứng dụng công nghệ vào quy trình xử lý, bảo quản hiện vật trong bảo tàng; xây dựng cơ sở dữ liệu ngành di sản văn hóa. Hiện nay, các bảo tàng ảo dành cho công chúng tham quan trực tuyến, các hình ảnh 3D của hiện vật, công nghệ thuyết minh tự động, tự dịch ra các ngôn ngữ khác nhau, thậm chí có thể tự trả lời, tương tác với công chúng tham quan bảo tàng. Công nghệ quét và in 3D được sử dụng để phục chế, nhân bản, sản xuất các hiện vật, di sản cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau từ trưng bày, nghiên cứu, hay bán hàng lưu niệm. Việc hình thành dữ liệu số hóa và chia sẻ bằng công nghệ dữ liệu lớn (bigdata) về di sản văn hóa sẽ làm thay đổi phương thức bảo tồn, phát huy giá trị di sản, quảng bá về di sản trên môi trường số. Các hiện vật hoặc di sản được gắn các chip cảm ứng để thu thập thông tin liên tục về tình trạng hiện vật và di sản, giúp hoạt động quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản hiệu quả hơn.
Lĩnh vực thư viện với sản phẩm thư viện số. Thư viện đang đứng trước nguy cơ cạnh tranh rất lớn khi mọi thứ đều được số hóa và xuất bản ấn phẩm điện tử. Các tài liệu thư viện sẽ chuyển thành dạng tài liệu điện tử và thư viện sẽ chuyển dần từ mô hình thư viện truyền thống sang thư viện điện tử (thư viện số). Với việc kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu qua internet, thư viện số không còn bị rào cản bởi không gian, thời gian. Thư viện số sẽ tạo cơ hội cho việc truy cập, kết nối hệ thống dữ liệu giữa các thư viện trên toàn quốc và với các thư viện trên thế giới tạo cơ hội cho vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số có cơ hội bình đẳng trong tiếp cận nguồn tri thức của thư viện.
Như vậy, trước xu hướng phát triển và ứng dụng thành tựu của CMCN lần thứ tư, nhu cầu của xã hội nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống bằng sản phẩm công nghệ đã trở nên cần thiết và rất tự nhiên. Trước nhu cầu của xã hội hiện nay, các nhà quản lý hoạch định chính sách về công nghệ cần căn cứ chủ trương đường lối của Đảng và tình hình thực tiễn, nắm bắt một cách chủ động, tận dụng tốt thời cơ, thành tựu của CMCN lần thứ tư. Việc ứng dụng công nghệ trong các hoạt động văn hóa của đất nước là vấn đề khó. Vì vậy để triển khai có hiệu quả hoạt động này đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ với phương châm “kiên trì và liên tục” bởi các giải pháp cụ thể, khả thi của nhà quản lý hoạch định chính sách, sự chủ động của các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và toàn xã hội./.
Theo Báo Văn hóa