Hàng năm, vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, các địa phương trong tỉnh diễn ra các hoạt động văn nghệ, giao lưu thi đấu thể dục, thể thao thu hút đông đảo người dân tham gia biểu diễn, thi đấu và cổ vũ; tạo khí thế sôi nổi, phấn khởi động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tích cực học tập, lao động, sản xuất.
Biểu diễn kèn đồng nữ trong Ngày hội Văn hóa - Thể thao huyện Hải Hậu. |
Kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám, cả 35 xã, thị trấn của huyện Hải Hậu đều đồng loạt tổ chức ngày hội văn hóa - thể thao. Ở xã Hải Thanh, các hoạt động thể thao được tổ chức từ ngày 10-8 đến ngày 18-8 gồm các môn: Cầu lông, chạy (nam, nữ), bóng đá, bóng chuyền hơi, bóng bàn, bơi... Bên cạnh các môn thi đấu dành cho lớp trẻ, từ sáng ngày 18-8, các thành viên câu lạc bộ Người cao tuổi Hải Thanh đã chuẩn bị trang phục, sắp xếp đội hình để đồng diễn Thái cực quyền. Tuy cao tuổi, nhưng các thành viên trong câu lạc bộ đã thể hiện sự khéo léo, thanh thoát trong từng bài múa. Buổi tối cùng ngày, khán giả ngồi chật kín nhà văn hóa xã thưởng thức các tiết mục ca - múa - nhạc đặc sắc của 13 đội văn nghệ xóm tham dự hội diễn. Đồng chí Nguyễn Thanh Lưu, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Thanh cho biết: “Xã hiện có 13 đội văn nghệ, 4 câu lạc bộ bóng chuyền hơi, 1 câu lạc bộ cờ tướng, 13 đội dưỡng sinh Thức vũ kinh, 8 câu lạc bộ bóng đá, 3 câu lạc bộ bóng bàn, 13 câu lạc bộ cầu lông, 2 câu lạc bộ bóng chuyền. Để thúc đẩy phong trào văn nghệ, thể dục thể thao phát triển, hàng năm xã đều tổ chức ngày hội văn hóa - thể thao với quy mô lớn. Xã trích ngân sách 100 triệu đồng và huy động 150 triệu đồng từ xã hội hóa để tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao”. Ngày hội Văn hóa - thể thao xã Hải Bắc năm nay thu hút gần 1.000 vận động viên, diễn viên không chuyên tham gia vào các loại hình nghệ thuật biểu diễn gồm: văn nghệ, múa sư tử, múa rồng, kèn đồng, đồng diễn, dưỡng sinh và thi đấu các môn thể thao: bóng chuyền, bơi, bóng bàn, cầu lông, cờ tướng, điền kinh. UBND xã đã trích 85 triệu đồng từ ngân sách và huy động 30 triệu đồng từ xã hội hóa để tổ chức ngày hội. Nhờ duy trì ngày hội văn hóa - thể thao, đến nay cả 11 xóm trong xã đều thành lập được các đội văn nghệ quần chúng, hoạt động theo hình thức xã hội hoá, sinh hoạt định kỳ mỗi tháng từ 1 đến 2 lần tại các nhà văn hóa xóm. Đội múa rồng của xã thành lập năm 2011 có 24 thành viên chủ yếu là nữ, duy trì biểu diễn trong Ngày hội Văn hóa - thể thao của xã và của huyện. Xã Hải Xuân tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao trong 2 ngày 19 và 20-8 với tổng kinh phí 300 triệu đồng, trong đó ngân sách xã 40 triệu đồng còn lại từ nguồn xã hội hóa. Ngày hội Văn hóa - thể thao xã Hải Xuân thu hút hơn 700 vận động viên, diễn viên không chuyên tham gia hội diễn văn nghệ và các môn thể thao: kéo co, bơi, bóng chuyền, cầu lông, cờ tướng, điền kinh, dưỡng sinh… Với người dân Hải Hậu, Ngày Quốc khánh 2-9 được xem là “chính hội” bởi tất cả các tiết mục văn nghệ, các môn thể thao tiêu biểu nhất được chọn lọc từ các xã, thị trấn sẽ diễn ra tại khu vực Trung tâm văn hóa huyện. Điều dễ nhận thấy trong Ngày hội Văn hoá - thể thao huyện Hải Hậu là các hoạt động diễn ra đồng bộ từ các loại hình vui chơi giải trí đến thi đấu các môn thể thao đều sinh động, lôi cuốn hấp dẫn người xem. Một số môn nghệ thuật truyền thống ở các địa phương được khôi phục, thể hiện sự quan tâm của cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân Hải Hậu trong việc thực hiện chủ trương xã hội hoá các hoạt động văn hoá, giữ gìn, phát huy giá trị văn hoá dân tộc và sáng tạo nên những giá trị văn hoá mới trong giai đoạn hiện nay. Ngoài các môn thi đấu thể thao, các xã, thị trấn còn đem đến những tiết mục văn nghệ độc đáo; những màn múa sư tử, múa rồng, biểu diễn trống cà rùng, trống rồng, đi kheo, kèn đồng mang đặc trưng của vùng quê biển.
Huyện Trực Ninh hiện có hàng chục tổ, tốp, câu lạc bộ, đội văn nghệ ở 21 xã, thị trấn; mỗi tổ, đội có từ 15 đến 30 thành viên. Vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, các đội văn nghệ ở Trực Ninh đều xây dựng chương trình tham gia hội diễn ở xã và huyện. Từ ngày 21-8 đến 23-8 năm nay, 21 xã, thị trấn trong huyện tham gia hội diễn theo cụm miền. Các tiết mục xuất sắc ở cụm thi miền sẽ được công diễn tại Trung tâm văn hóa huyện vào tối 1-9. Bên cạnh hoạt động văn nghệ, từ 20-8 đến 1-9, huyện tổ chức thi đấu các môn thể thao: bóng đá, bóng chuyền nam, bóng bàn, kéo co, cầu lông, bơi lội, đi bộ nhanh, đi xe đạp chậm... Ở huyện Nghĩa Hưng, từ đầu tháng 8-2019 đến nay, cả 25 xã, thị trấn đều tổ chức các hoạt động văn nghệ, thi đấu thể thao chào mừng kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Ngày hội Văn hóa - thể thao huyện Nghĩa Hưng năm nay bắt đầu bằng hội diễn văn nghệ quần chúng của 25 xã, thị trấn vào ngày 31-8. Cùng với hội diễn văn nghệ, các giải đấu thể thao của huyện diễn ra sôi nổi như: Cầu lông đôi nam, bơi chải nam, nữ, bơi… diễn ra từ 1 đến 2-9. Ngoài ra, trong Ngày hội Văn hóa - thể thao huyện Nghĩa Hưng còn nhiều hoạt động văn hóa, thể dục thể thao mang sắc thái dân gian như múa rồng, kèn đồng, trống cà rùng... Huyện Xuân Trường nhiều năm qua luôn duy trì hoạt động hội diễn văn nghệ quần chúng chào mừng Quốc khánh 2-9. Để chuẩn bị tốt hội diễn văn nghệ, Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện cử cán bộ tới cơ sở phổ biến quy chế, bồi dưỡng chuyên môn cho các diễn viên không chuyên. Năm nay, hội diễn có sự tham gia của 20 xã, thị trấn, 4 trường trung học phổ thông và Trung tâm Y tế huyện Xuân Trường; mỗi đội tham gia 3 tiết mục với nội dung ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, dân tộc anh hùng, quê hương đổi mới. Ban tổ chức khuyến khích các đơn vị đăng ký tiết mục có sự tham gia của diễn viên trẻ; qua đó phát hiện, bồi dưỡng hạt nhân văn nghệ trẻ làm lực lượng nòng cốt cho phong trào. Ở các huyện Giao Thủy, Nam Trực, Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc cùng với tổ chức các hoạt động văn nghệ, nhiều giải thể thao được tổ chức như: bóng chuyền, bóng đá, cầu lông, bóng bàn… thu hút hàng trăm vận động viên không chuyên tham gia thi đấu và đông đảo nhân dân cổ vũ.
Các hoạt động văn hóa - thể thao chào mừng kỷ niệm 74 năm Quốc khánh 2-9 ở các địa phương trong tỉnh đã góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ đã hy sinh xương máu vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; đồng thời tạo khí thế sôi nổi, phấn khởi, động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hăng say lao động, sản xuất, học tập và công tác, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh./.
Bài và ảnh: Viết Dư