Những ngày hè, mặc dù tiết trời nóng nực, các thành viên của câu lạc bộ Anh ngữ và Âm nhạc Twin Flame ở Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh) vẫn đến sinh hoạt, luyện tập. Câu lạc bộ trở thành sân chơi văn hóa lành mạnh cho lứa tuổi thanh thiếu niên, trang bị cho các em kiến thức Anh ngữ và kỹ năng biểu diễn âm nhạc.
Một buổi sinh hoạt của các thành viên câu lạc bộ Anh ngữ và Âm nhạc Twin Flame (Trực Ninh). |
Ý tưởng thành lập câu lạc bộ Anh ngữ và Âm nhạc Twin Flame được xuất phát từ chàng trai trẻ Nguyễn Trọng Hiếu (26 tuổi). Từ nhỏ, Hiếu đã có niềm đam mê âm nhạc. Năm 10 tuổi, Hiếu đã biểu diễn thành thục đàn Oocgan. Thời gian học ở Trường Đại học Mở Hà Nội, Hiếu tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ và là thành viên câu lạc bộ Ghita của trường. Năm thứ 2 đại học, Hiếu học thêm văn bằng 2 tiếng Anh. Tốt nghiệp đại học, Hiếu trải qua nhiều công việc từ việc lắp trạm BTS ở Tập đoàn Samsung đến lập trình website, phân tích dự án của các công ty ở Hà Nội... Sau 2 năm lăn lộn với cuộc sống bên ngoài, thấy không phù hợp, Hiếu trở về quê ở Thị trấn Cổ Lễ để mở lớp dạy tiếng Anh. Bên cạnh việc giảng dạy, anh thành lập câu lạc bộ Anh ngữ và Âm nhạc Twin Flame. Câu lạc bộ kết hợp giao lưu Anh ngữ giữa các thành viên và truyền dạy kỹ năng biểu diễn các loại nhạc cụ: Ghita, Oocgan, Piano. Thời gian đầu thành lập, câu lạc bộ chỉ có 6 thành viên, đến nay đã phát triển lên 40 thành viên, chủ yếu là học sinh bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông. Những ngày đầu hoạt động khó khăn, các thành viên trong câu lạc bộ phải mượn đàn nhau để học. Là chủ nhiệm câu lạc bộ, anh đã mạnh dạn đầu tư mua sắm hàng chục cây đàn ghita, 4 đàn piano và sửa sang phòng tập để các thành viên sinh hoạt, luyện tập. Vào chiều chủ nhật hàng tuần, các thành viên có mặt đầy đủ ở nhà chủ nhiệm Hiếu để cùng giao lưu âm nhạc và học các bài hát, bản nhạc tiếng Anh. Tham khảo các giáo trình âm nhạc và tiếng Anh tiên tiến, anh đã xây dựng riêng giáo trình một cách khoa học, tạo sự hứng thú cho các thành viên. Anh cho biết: “Âm nhạc giúp những người học ngôn ngữ thứ hai tiếp thu được ngữ pháp, từ vựng và cải thiện chính tả nhanh chóng. Bên cạnh đó, đặc trưng của các bài hát tiếng Anh là giai điệu phong phú nên mỗi người có thể nghe và hát theo để luyện cả ngữ âm, ngữ điệu trong câu. Trong mỗi bài hát, nhiều từ vựng và âm thanh được lặp đi lặp lại giúp người nghe nhớ lâu…”. Ở câu lạc bộ, nhiều thành viên mới tham gia còn bỡ ngỡ bởi phương pháp luyện tiếng Anh qua bài hát. Vì thế, anh đã dày công tìm hiểu xây dựng list bản nhạc, bài hát phù hợp với từng đối tượng. Với các thành viên đã thành thạo ghita, ngoài kỹ năng chơi đàn còn phải đọc thêm tài liệu về hoàn cảnh ra đời bản nhạc để lồng cảm xúc khi thể hiện các giai điệu của tác phẩm, truyền tới người nghe. Ngoài sinh hoạt định kỳ, câu lạc bộ thường tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ vào các dịp hè, Tết Trung thu để các thành viên biểu diễn trên sân khấu. Để nâng cao chất lượng hoạt động của câu lạc bộ, anh thường xuyên mời những người bạn đến từ các nước Anh, Australia giao lưu văn nghệ với các thành viên. Nhờ được giao lưu với người nước ngoài nên kỹ năng nghe nói của các thành viên trong câu lạc bộ dần chuẩn hóa. Với mong muốn mở rộng quy mô hoạt động của câu lạc bộ trên mạng xã hội, Hiếu còn lập trang Fanpage trên Facebook mang tên “Twinflame Center” thu hút hàng trăm người tham gia đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm về cách học âm nhạc và tiếng Anh hiệu quả. Để các bạn ở xa được tiếp cận với phương pháp học tiếng Anh qua âm nhạc, Hiếu cùng người em trai song sinh dàn dựng, đăng các video hướng dẫn, chia sẻ các kiến thức cơ bản về nhạc lý và phương pháp học hát tiếng Anh hiệu quả.
Hiện tại, nhiều thành viên của câu lạc bộ Anh ngữ và Âm nhạc Twin Flame là hạt nhân trong phong trào văn nghệ quần chúng của các công ty, nhà trường và địa phương. Chị Trần Thị Thắm (26 tuổi) làm ở Công ty Giầy Amara (Trực Ninh) tham gia câu lạc bộ gần 3 tháng cho biết: “Sinh hoạt ở câu lạc bộ giúp em tự tin khi giao tiếp với người nước ngoài và tham gia các hoạt động văn nghệ do Công ty tổ chức. Thời gian học chưa lâu nhưng đến nay em có thể đàn và hát một số bài hát tiếng Anh”. Em Nguyễn Thanh Mai, học sinh lớp 11 Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn, ngoài bảng thành tích học tập giỏi còn là học sinh tích cực tham gia phong trào văn nghệ của nhà trường. Mai cho biết: “Từ khi tham gia câu lạc bộ, em vừa được học Anh ngữ với phương pháp hiện đại, hiệu quả vừa được học đàn ghita miễn phí. Em mong muốn mô hình
câu lạc bộ sẽ được nhân rộng ở nhiều địa phương để thanh thiếu nhi có sân chơi lành mạnh”. Em Phạm Minh Anh, xã Trực Chính là học sinh lớp 11 Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn. Là người có năng khiếu múa hát, trong một lần tình cờ đến theo dõi các thành viên câu lạc bộ Anh ngữ và Âm nhạc Twin Flame biểu diễn, Minh Anh đã say mê tiếng đàn ghita cùng giọng hát của các bạn trong câu lạc bộ. Tham gia câu lạc bộ, Minh Anh đã được các thành viên trong câu lạc bộ bồi dưỡng kỹ năng biểu diễn đàn ghita và hát các bài hát tiếng Anh; tự tin trước đám đông và kỹ năng làm việc nhóm.
Với hoạt động hiệu quả, sôi nổi, câu lạc bộ Anh ngữ và Âm nhạc Twin Flame đã tạo sân chơi lành mạnh cho các thành viên, chắp cánh ước mơ cho những người đam mê nghệ thuật./.
Bài và ảnh: Viết Dư