Phát huy hiệu quả hoạt động hệ thống bảo tàng cấp huyện

04:06, 07/06/2019

Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 Bảo tàng huyện gồm: Hải Hậu, Trực Ninh, Nam Trực, Ý Yên. Thực hiện Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 27-1-2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, nhà văn hoá, câu lạc bộ” (giai đoạn 2014-2020), thời gian qua, ở bảo tàng các huyện đã được xây dựng, các tổ chức, cá nhân đã hiến tặng hàng nghìn tài liệu, hiện vật, thu hút hàng trăm lượt người đến tham quan, nghiên cứu, học tập.

Sinh viên Trường Đại học Văn hoá Hà Nội tham quan, trải nghiệm học tập tại Bảo tàng Hải Hậu.
Sinh viên Trường Đại học Văn hoá Hà Nội tham quan, trải nghiệm học tập tại Bảo tàng Hải Hậu.

Hàng năm, ở bảo tàng các huyện đã được xây dựng, Phòng Văn hoá - Thông tin, Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức cho học sinh tham quan, nghiên cứu, học tập, góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc, bồi dưỡng nhân cách và ý thức trách nhiệm công dân đối với những giá trị lịch sử, văn hóa của quê hương. Hải Hậu là một trong những địa phương xây dựng Bảo tàng huyện sớm nhất cả nước. Từ khi khánh thành, đưa vào sử dụng (năm 1976) đến nay, Bảo tàng Hải Hậu đã phát huy hiệu quả vai trò trong đời sống xã hội. Về tổng thể, Bảo tàng Hải Hậu mang đường nét kiến trúc của một ngôi đình cổ, gồm 5 phòng trưng bày với gần 4.000 tài liệu, hiện vật, hình ảnh. Mỗi phòng trưng bày đều khai thác các hiện vật gốc, thể hiện tính khoa học, tính thẩm mỹ, làm nổi bật truyền thống và những nét bản sắc riêng của mảnh đất, con người Hải Hậu như: Các tài liệu lịch sử mảnh đất Quần Anh xưa; công trình văn hoá Cầu Ngói - Chùa Lương, Đền Tứ tổ; sa bàn chiến thắng Ngòi Cau, Đông Biên thời kỳ chống Pháp; ảnh nữ dân quân du kích kéo xác máy bay bị bắn rơi trên biển Hải Thịnh những năm chống Mỹ… Chị Vũ Thị Thuỷ, cán bộ phụ trách Bảo tàng Hải Hậu cho biết: Để nâng cao chất lượng hoạt động, Bảo tàng huyện đã đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nhằm tạo dấu ấn và thu hút khách tham quan như: thành lập tổ phụ trách, đầu tư phương tiện, trang thiết bị, mi-crô, loa, máy chiếu... Năm 2018, đã có hơn 1.000 lượt khách tham quan bảo tàng bao gồm các đơn vị, tổ chức, cá nhân, trong đó có gần 70% đối tượng là học sinh của hơn 20 cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện. Từ đầu năm 2019 đến nay, Bảo tàng Hải Hậu đã tiếp đón nhiều tổ chức, đoàn thể đến tham quan, thực tế, nghiên cứu như: Trường Đại học Văn hoá Hà Nội, Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện, Hội Cựu học sinh Trường Trung học phổ thông Hải Hậu A… Bảo tàng Trực Ninh hiện lưu giữ trên 200 tài liệu, hình ảnh, hiện vật có giá trị phản ánh trung thực, sống động sự hình thành, phát triển của mảnh đất, con người; lịch sử, cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; sự phát triển kinh tế nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp địa phương qua các thời kỳ; những lễ hội gắn với di tích và làng nghề ươm tơ dệt lụa Cổ Chất truyền thống… Đồng chí Phạm Thị Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Du lịch huyện Trực Ninh cho biết: Từ khi xây dựng (năm 2010) đến nay, Bảo tàng Trực Ninh là “địa chỉ văn hoá” giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đối tượng tham quan của Bảo tàng huyện chủ yếu là học sinh các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở, tiểu học trên địa bàn. Năm 2018, Bảo tàng Trực Ninh thu hút hàng trăm giáo viên, học sinh các trường học ở các xã, thị trấn trong huyện như: Thị trấn Cổ Lễ, Phương Định, Trực Chính, Trung Đông, Liêm Hải, Việt Hùng, Trực Tuấn… đến tham quan, học tập. Ở huyện Ý Yên, thực hiện chương trình “Nâng cao chất lượng dạy và học bộ môn Lịch sử”, công tác giáo dục truyền thống tại Bảo tàng huyện được nhiều trường học đặc biệt chú trọng. Ban giám hiệu các nhà trường xây dựng kế hoạch, phân công giáo viên quản lý, hướng dẫn học sinh tham quan, học tập. Chương trình học bộ môn Lịch sử tại Bảo tàng huyện được chia làm 2 tiết/lớp/học kỳ. Trải nghiệm tại Bảo tàng huyện, học sinh có cơ hội tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng quê hương như: Các tài liệu liên quan đến quá trình hình thành và phát triển của huyện qua các triều đại Đinh - Lê, Lý - Trần; hình ảnh, tư liệu về 2 bảo vật quốc gia, 41 di tích lịch sử - văn hoá cùng các sản phẩm làng nghề truyền thống: Sơn mài Cát Đằng, chạm khắc gỗ La Xuyên, đúc đồng Tống Xá, khảm trai Ninh Xá, một số hiện vật thường dùng trong gia đình của người dân trước đây… Ở huyện Nam Trực, để tăng số lượng hiện vật phục vụ khách tham quan, Bảo tàng Nam Trực đã huy động các xã, thị trấn, các tổ chức, cá nhân hiến tặng các hiện vật có giá trị lịch sử, văn hoá. Vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam (30-4) hàng năm, Trung tâm Chính trị Trường Chinh huyện tổ chức cho lớp đảng viên mới tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu về truyền thống lịch sử của quê hương tại Bảo tàng huyện. Ngoài ra, trong các dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12), Ban Chỉ huy Quân sự huyện cùng các hội viên Chi hội Cựu chiến binh các xã, thị trấn cũng đến Bảo tàng huyện tìm hiểu, nói chuyện chuyên đề ôn lại truyền thống lịch sử, cách mạng quê hương.

Để khai thác, phát huy giá trị hệ thống thiết chế bảo tàng, thời gian tới, các bảo tàng cấp huyện đã được xây dựng tiếp tục quan tâm, đầu tư áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ như: trưng bày, phân loại, bảo quản các tài liệu, hình ảnh, hiện vật. Tổ chức các hoạt động văn hóa đa dạng, hấp dẫn để thu hút khách tham quan; từ đó, phát huy hiệu quả trong công tác giáo dục truyền thống, bồi đắp cho mỗi người, nhất là thế hệ trẻ lòng yêu nước, niềm tự hào về quê hương, đất nước./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com