Nâng cao chất lượng nghiên cứu văn học và văn hóa dân gian

04:06, 07/06/2019

Bộ môn Nghiên cứu - Phê bình (Hội Văn học, Nghệ thuật tỉnh) hiện có 25 hội viên. Thời gian qua đội ngũ cán bộ, hội viên bộ môn luôn tích cực tham gia nghiên cứu phê bình văn học, nghiên cứu các công trình văn hóa dân gian, thân thế, sự nghiệp các danh nhân, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể dân tộc…

Đồng chí Nguyễn Công Thành, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, Trưởng bộ môn Nghiên cứu - Phê bình cho biết: Để khuyến khích các hội viên sáng tạo tác phẩm, hàng năm, bộ môn tổ chức các đợt đi thực tế sáng tác chuyên đề ở trong và ngoài tỉnh; tập hợp các tác phẩm của hội viên để in sách; cử hội viên tham gia trại sáng tác được tài trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch… Những năm gần đây, bộ môn đảm nhiệm 3 đề tài khoa học cấp tỉnh được nghiệm thu gồm: “Sự thay đổi địa danh làng xã Nam Định trong thế kỷ XX” (Chủ nhiệm đề tài Thạc sĩ Hoàng Dương Chương); “Dấu ấn văn hóa thời Trần với cộng đồng dân cư Nam Định” (Chủ nhiệm đề tài Nguyễn Thị Cảnh); “Địa chí văn hóa huyện Vụ Bản” (Chủ nhiệm đề tài Bùi Văn Tam). Hai chuyên đề Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã in thành sách gồm: “Nghề và làng nghề Nam Định”; “Văn hóa dân gian trên đất Trực Ninh - Nam Trực”. Nhiều hội viên thuộc bộ môn đã tham gia các cuộc hội thảo khoa học cấp tỉnh, quốc gia và quốc tế trên nhiều lĩnh vực về danh nhân, văn hóa vật thể, phi vật thể; tiêu biểu là các hội thảo: “Những luận cứ khoa học về lễ khai ấn Đền Trần”, “Văn hóa thờ Mẫu thần nữ ở Việt Nam và châu Á - Bản sắc và giá trị”, "Tín ngưỡng thờ nữ thần (Mẫu) ở Việt Nam và Đông Nam Á". Các cuộc hội thảo về: Địa chí văn hóa, Nguyễn Du và Truyện Kiều… Nhiều người hiện nay tuổi đã cao nhưng vẫn nhiệt huyết với các công trình nghiên cứu văn hóa dân gian như các hội viên: Bùi Văn Tam, Hồ Đức Thọ, Hoàng Dương Chương, Lê Văn Hy, Trần Mỹ Giống, Đồng Ngọc Hoa… Tác giả Bùi Văn Tam (87 tuổi) có khoảng 40 công trình nghiên cứu khoa học về lịch sử, văn hóa quê hương. Trong hàng chục năm nghiên cứu lịch sử, ông có nhiều tác phẩm chất lượng đã xuất bản như: “Trạng nguyên Lương Thế Vinh” (tái bản 3 lần), “Thiên Bản lục kỳ huyền thoại đất Sơn Nam” (Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc 2000), “Họ Lương trong cộng đồng dân tộc” (xuất bản năm 2001), “Phủ Dầy và tín ngưỡng Mẫu Liễu Hạnh” (Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc 2001 - tái bản 3 lần), “Sự tích các vị thần thờ ở đền làng huyện Vụ Bản”, “Địa chí văn hoá huyện Vụ Bản” (xuất bản năm 2016)… Trong đó, công trình “Địa chí văn hóa Vụ Bản” nghiên cứu tổng thể về mảnh đất, con người vùng đất Vụ Bản từ xưa đến nay. Với hai phần rõ rệt gồm 9 chương, dày trên 1.000 trang, “Địa chí văn hóa Vụ Bản” nêu bật đặc điểm địa lý, lịch sử, kinh tế và văn hóa của vùng đất Vụ Bản qua suốt chiều dài lịch sử; đồng thời phân tích chi tiết những thuận lợi, khó khăn cũng như thế mạnh đặc trưng căn bản, phổ quát, riêng biệt của đất và người Vụ Bản. Bên cạnh đó, ông còn nghiên cứu, tập hợp các tư liệu sưu tầm về hệ thống thần phả, tộc phả, truyền thuyết dân gian, ca dao, tục ngữ, các tác phẩm Hán Nôm, các di tích kiến trúc, tín ngưỡng tôn giáo trên địa bàn huyện. Từ việc nghiên cứu, sưu tầm nhân chứng, vật chứng và ghi chép lại tỉ mỉ, ông đã hỗ trợ các địa phương trong huyện phục dựng lại lễ hội làng truyền thống.

Một số tác phẩm của các tác giả thuộc bộ môn Nghiên cứu - Phê bình, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh.
Một số tác phẩm của các tác giả thuộc bộ môn Nghiên cứu - Phê bình, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh.

Tác giả Hồ Đức Thọ với nhiều công trình nghiên cứu được xuất bản như: Lệ làng Việt Nam (biên soạn chung - Nhà xuất bản Hà Nội năm 1999), Mẫu Liễu sử thi (Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc, năm 2000), Trần Triều Hưng Đạo Đại Vương trong tâm thức dân tộc Việt (Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc, năm 2000), Nghi lễ thờ cúng truyền thống (Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc, năm 2002), Chùa Phổ Minh với Giác Hoàng Trần Nhân Tông (Nhà xuất bản Văn hoá - Thông tin, 2008), Hầu bóng trong thờ Mẫu và Thần Tứ phủ ở miền Bắc (2010)... Năm 2014 và 2017 lần lượt hai cuốn sách “Hầu bóng Miền Bắc” và “Hầu bóng Việt Nam, trải nghiệm và hiệu ứng tâm linh” được Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành. Trong đó cuốn “Hầu bóng Việt Nam, trải nghiệm và hiệu ứng tâm linh” được Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam trao giải B năm 2017 và Hội đồng lý luận, phê bình Văn học - Nghệ thuật Trung ương trao giải Khuyến khích dành cho các tác phẩm lý luận, phê bình Văn học - Nghệ thuật có chất lượng năm 2018. Năm 2019, ông được nhận 2 giải B giải thưởng Lương Thế Vinh cho tập “Nhà Trần với Tức Mặc Thiên Trường” (tác giả Hồ Đức Thọ - Trần Huy Chiến), Đền Hàng Sắt dưới Nam Định - di sản văn hóa Thành Nam” (tác giả Hồ Đức Thọ - Đỗ Đình Thọ)… Bên cạnh nghiên cứu, viết sách về tín ngưỡng thờ Mẫu, ông có nhiều tham luận tại các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế; tiêu biểu như: “Văn hóa thờ Nữ thần (Mẫu) ở Việt Nam và châu Á - Bản sắc và giá trị” Hội thảo khoa học quốc tế năm 2012; “Nghiên cứu và thực hành tín ngưỡng trong xã hội đương đại” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh tổ chức năm 2016. Tham luận của ông được các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Tác giả Đồng Ngọc Hoa có nhiều công trình về văn hóa lịch sử, nghiên cứu phật giáo, nghiên cứu phê bình văn học, tiêu biểu như: Lịch sử Phật giáo huyện Trực Ninh (Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin năm 2009), Ngôi chùa bên dòng sông (Nhà xuất bản Văn hoá - Thông tin năm 2011), Lịch sử Phật giáo tỉnh Nam Định (Nhà xuất bản Văn hoá - Thông tin năm năm 2012), Tuyển tập nghiên cứu phê bình (Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin năm 2014), “Lâu đài của Phật” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2015)… Cuốn “Lịch sử Phật giáo tỉnh Nam Định” gồm 8 chương và phần phụ lục đã tập hợp được khối lượng tư liệu phong phú, giúp bạn đọc khái quát tương đối đầy đủ, rõ nét về Phật giáo Nam Định trong mối tương quan với lịch sử Phật giáo Việt Nam, lịch sử dân tộc cũng như những đóng góp của Phật giáo Nam Định đối với sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh. Thông qua cuốn sách, tác giả muốn khẳng định những yếu tố tích cực của Phật giáo là một phần tư tưởng văn hóa Việt có ý nghĩa trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương, hướng về cội nguồn.

Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu - phê bình ở tỉnh ta vẫn còn hạn chế: Một số công trình đi vào nghiên cứu, giới thiệu lý thuyết hoặc khảo cứu những hiện tượng văn học quá khứ, chưa có nhiều công trình đi sâu “giải phẫu” những hiện tượng văn chương sinh động đang diễn ra. Do vậy, vai trò định hướng, khai phóng, dự báo… của nghiên cứu phê bình chưa thật sự được phát huy. Trong khi đó, đội ngũ hội viên trong bộ môn Nghiên cứu - Phê bình hiện nay chủ yếu đã cao tuổi, lực lượng hội viên trẻ còn mỏng. Để nâng cao chất lượng hoạt động của bộ môn Nghiên cứu - Phê bình, thời gian tới Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh quan tâm xây dựng, đào tạo đội ngũ nghiên cứu - phê bình trẻ. Ngoài ra, mỗi tác giả làm công tác nghiên cứu - phê bình cần tự trau dồi năng lực chuyên môn, nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp, để chất lượng tác phẩm, công trình nghiên cứu thực sự được nâng cao và lan tỏa./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com