Trước đây, ngôi nhà gỗ lim năm gian cổ kính với những hàng cột tròn, kèo cầu con cung, cửa bức bàn, mái lợp ngói nam tọa lạc trên thổ đất gần hai sào của ông Huy được người dân suy tôn là nhất làng. Nhưng rồi thời thế đổi thay, khi đời sống kinh tế ngày càng khá lên, “mốt” xây nhà mái bằng, nhà ống kiểu thành phố lên ngôi; trong làng một số hộ dân có điều kiện lên tầng thì ông Huy trở nên “lép vế”. Thói đời “Thua thầy một vạn không bằng kém bạn một ly”(!). Cực chẳng đã, ông Huy dồn hết số tiền tiết kiệm, gọi thợ đến hạ giải, tôn nền, dựng lại ngôi nhà cổ, thay ngói nam bằng ngói Hạ Long thời thượng, hiên trước đổ bê tông “tường hoa chắn mái”. Chưa hết, khoảng vườn nhỏ chừng ba chục mét vuông liền kề phía ngõ vào, ông cho xây hai tầng, quét vôi hồng, trang trí hoa văn rực rỡ để chuẩn bị cưới vợ cho con trai… Nhìn khu nhà thiết kế luộm thuộm, mỗi lần về quê, sang chơi, tôi ngầm tiếc cho không gian ngôi nhà cổ bị căn nhà hai tầng chen lấn nhưng chẳng dám chê, vẫn phải đưa đẩy: Cơ ngơi của ông hoành tráng nhất làng; có cổ, có kim, đúng là “tân cổ giao duyên”. Thật buồn là nghe nói vậy, tưởng tôi khen, gương mặt ông rạng ngời, mãn nguyện(!).
Không chỉ riêng ông Huy, ngày trước làng có khoảng hai trăm ngôi nhà bốn hoặc năm gian mái chảy thì nay gần nửa trong số đó chủ nhân phá đi một gian để xây nhà mái bằng; từ đó hình thành “mốt” xây nhà một gian mái bằng, ba hoặc bốn gian mái chảy. Còn nữa, mấy chục chiếc ao gắn với khung cảnh “vườn trên áo dưới” trong các gia đình nông thôn truyền thống trước đây giờ cũng bị chủ nhân san lấp để xây những căn nhà mái bằng, cao tầng. Điều đáng nói ở đây là, nguyên nhân sâu xa của việc hình thành “mốt” xây nhà “tân cổ giao duyên” ở làng tôi khởi nguồn từ thói ganh đua, khi xây nhà, ai cũng cố có gian mái bằng để mình hơn hoặc bằng mọi người chứ không chịu thua kém chứ không chỉ từ nhu cầu ăn ở thực tế(!).
Trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, người dân quê tôi có điều kiện chuyển sang hình thái ăn ở, sinh hoạt tiệm cận với đô thị là điều đáng mừng. Tuy nhiên với tâm lý thích thể hiện, ganh đua, họ đã vô tình tạo nên cảnh lộn xộn, mất bản sắc trong kiến trúc của làng quê. Biết đến bao giờ sự ganh đua trong suy nghĩ của người dân quê tôi trở thành động lực cho sự phát triển chứ không phải là thói xấu(?)./.
Đức Linh