Xuân Trường xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

04:04, 12/04/2019

Thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/HU ngày 12-12-2016 của Huyện ủy Xuân Trường về “Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa trên địa bàn huyện”, các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong huyện đã tập trung chỉ đạo, xây dựng kế hoạch hành động; trong đó đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hoá.

Trong quá trình thực hiện nghị quyết, việc xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở được UBND huyện quan tâm chỉ đạo. Các xã, thị trấn đã phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia đóng góp ý kiến vào đề án, kế hoạch xây dựng nhà văn hóa, khu thể thao, tham gia lựa chọn những việc cần làm trước và mức đóng góp phù hợp nhu cầu, điều kiện thực tế của địa phương. Bằng cơ chế cấp uỷ chỉ đạo, chính quyền quy hoạch, cấp đất, nhân dân trong xóm đóng góp xây dựng và con em xa quê ủng hộ kinh phí, trong hơn 2 năm, huyện đã hỗ trợ gần 700 triệu đồng để các địa phương xây dựng nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố. Các xã, thị trấn thực hiện cơ chế hỗ trợ các thôn, xóm, tổ dân phố xây mới nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hoá thể thao của nhân dân. Với cách làm đồng bộ, đến nay, toàn huyện có 300/312 xóm, tổ dân phố có nhà văn hóa, 12 nhà văn hóa liên xóm. Nhiều xã thực hiện tốt việc xây dựng thiết chế văn hóa như: Xuân Kiên, Xuân Bắc, Xuân Vinh… Xã Xuân Bắc là địa phương sớm hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất văn hóa. Hiện, cả 12 xóm trong xã đều có nhà văn hóa. Đến xóm 8, nhiều người ấn tượng bởi những hàng cây xanh mát và “đường hoa” khoe sắc dẫn vào nhà văn hóa. Đồng chí Vũ Mạnh Hà, Bí thư chi bộ xóm 8, xã Xuân Bắc cho biết: Để tạo không gian trong lành, chi bộ Đảng đã giao chi Hội Cựu chiến binh và chi Hội Phụ nữ xóm phụ trách trồng và chăm sóc cây xanh, hoa ở đường dẫn vào nhà văn hóa... Nhà văn hóa có đầy đủ các trang thiết bị như bàn, ghế, quạt, âm ly, loa đài để phục vụ hội nghị, sinh hoạt văn hóa của các tổ chức đoàn thể. Hiện các nhà văn hóa thôn, xóm sau khi được xây dựng đều có quy chế hoạt động và thành lập ban chủ nhiệm, thành phần gồm ban công tác Mặt trận, bí thư chi bộ, trưởng thôn, xóm. Thực tế cho thấy, các xã phát triển mạnh về phong trào văn nghệ quần chúng đều là những địa phương có hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ. Toàn huyện hiện có hàng chục tổ, tốp, câu lạc bộ văn nghệ ở các xã, thị trấn, tỷ lệ người dân tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao thường xuyên đạt gần 30%. Hàng năm, vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, Tết Trung thu…, hội diễn văn nghệ, các giải thể thao quần chúng ở các địa phương trong huyện được tổ chức ở các nhà văn hóa xã, thị trấn, thôn, xóm, tổ dân phố thu hút hàng trăm diễn viên, nhạc công, vận động viên tham gia.

Bơi chải trong lễ hội Chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng.
Bơi chải trong lễ hội Chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng.

Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, huyện chỉ đạo các địa phương tổ chức cho các hộ dân đăng ký xây dựng gia đình văn hóa; trong đó có nội dung cam kết không vi phạm các tệ nạn xã hội. Cán bộ, đảng viên ở các xã, thị trấn luôn gương mẫu thực hiện các quy chế, quy ước nếp sống văn hoá, đồng thời vận động các thành viên trong gia đình và người dân địa phương thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, hưởng ứng các hoạt động giúp nhau giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa. Toàn huyện hiện có 84,1% số hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; 251/312 làng, thôn, xóm, tổ dân phố đạt danh hiệu Thôn xóm văn hóa (đạt tỷ lệ 80,4%). Đến nay, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Các chi Đoàn thôn, xóm chủ động phối hợp với các đoàn thể, ban công tác Mặt trận khu dân cư đẩy mạnh cuộc vận động “Cưới văn minh, tiết kiệm trong thanh niên”. Những thủ tục rườm rà trong việc tang gây lãng phí thời gian, tiền của và công sức được loại bỏ. Ở xã Xuân Tân cả 16 xóm đều xây dựng hương ước, quy ước quy định cụ thể việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội, quan hệ ứng xử trong gia đình, thôn, xóm, công tác bảo đảm an ninh trật tự trong khu dân cư. Đến nay, xã đã xây dựng được 4 xóm làm điểm về không làm cỗ lấy phần và ăn cỗ không lấy phần.

Trên địa bàn huyện có nhiều lễ hội gắn với các di tích lịch sử - văn hóa thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương tới dự như: lễ hội chùa Keo Hành Thiện, hội làng Ngọc Tiên, xã Xuân Hồng; lễ hội đền An Cư, xã Xuân Vinh; chùa Nghĩa Xá, xã Xuân Ninh... Việc tổ chức các lễ hội trên địa bàn huyện được thực hiện theo hướng văn minh, tiết kiệm, mang ý nghĩa giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”. Các địa phương đã thành lập Ban tổ chức lễ hội với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể; xây dựng kịch bản và quản lý chặt chẽ các hoạt động diễn ra trong lễ hội; đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu về di tích, phổ biến quy chế lễ hội và nội quy bảo vệ di tích, bảo vệ môi trường cảnh quan di tích. Việc quy hoạch không gian lễ hội được quan tâm; nhiều trò chơi dân gian được khôi phục.

Thời gian tới các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Xuân Trường tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hoá. Thường xuyên tổ chức các hoạt động thể dục thể thao, giao lưu văn nghệ ở cơ sở để thu hút nhân dân tham gia; mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu văn nghệ, thể thao cho thế hệ trẻ. Tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và lễ hội./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com