Về quê Thanh minh

08:04, 12/04/2019

Cuối tuần trước, nghe cô con gái đang học ở Hà Nội gọi điện thoại báo sẽ về nhà để cùng bố mẹ về quê ăn Tết Thanh minh, tôi ớ người ngạc nhiên. Như hiểu được tâm trạng của bố, nó tỏ vẻ quan trọng qua điện thoại: “Về Thanh minh là để tri ân tổ tiên mà bố. Bạn bè con ở trên này đứa nào cũng hăng hái về quê dịp này (!)”. Nghe cô con gái nói vậy, tôi mừng vì lớp trẻ hôm nay tưởng vô tâm nhưng luôn hướng về nguồn cội.

Khu nghĩa địa làng tôi được hình thành từ lâu. Với quan niệm “trần sao, âm vậy”, trong những năm tiến hành xây dựng nông thôn mới, cùng với việc chỉnh trang nhà cửa, đóng góp xây dựng đường làng, ngõ xóm, nhà văn hóa…, các hộ dân trong làng cũng dành kinh phí tu sửa phần mộ ông bà, tổ tiên. Người dân quê vốn trọng tình, ứng xử với nhau hài hòa theo nguyên tắc “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” nên dù nghĩa địa không có quy hoạch chi tiết nhưng các hộ dân khi xây sửa phần mộ của gia đình, mỗi nhà cũng chỉ quây gọn trong vài ba chục mét vuông. Bởi vậy, đến khu nghĩa địa với những phần mộ xây đơn giản, người dân cảm nhận như đang ở trong làng thu nhỏ. Ở đó, mọi người đều dễ nhận ra phần mộ của gia đình này mới xây, gia đình kia mới tu sửa, nâng cấp với cảm giác thân thuộc, ấm áp. Nghĩa địa làng là nơi tâm linh nên trong ngày Thanh minh, dù mọi người ở xa về tảo mộ, thắp hương khấn vái tổ tiên đông nhưng không hề thấy sự ồn ào, náo nhiệt; mọi người gặp nhau chỉ gật đầu chào hỏi, đáp lễ. Sau khi bày lễ, thắp hương khấn vái tổ tiên trên am thờ, hướng dẫn cô con gái thắp hương trên từng ngôi mộ gia tiên, bố con tôi tranh thủ dọn dẹp, nhặt cỏ, rác xung quanh những ngôi mộ xây. Nhìn thấy mẹ cầm bó hương đang cháy, rút từng nén cắm lên những ngôi mộ đất bên ngoài phần mộ của gia tiên, con gái tôi ngạc nhiên:

- Bố ơi, sao mẹ lại thắp hương cả những ngôi mộ bên ngoài phần mộ nhà mình?

- Đó là những ngôi mộ vô chủ hoặc con cháu đi lập nghiệp ở nơi xa, không có người thăm viếng, hương khói nên nhân dịp Thanh minh mỗi người đều thắp nén hương để người dưới mộ khỏi tủi thân (!).

Nghe bố giải thích, cô con gái tôi hiểu ra và nhanh nhẹn đốt nắm hương to cắm lên những ngôi mộ xung quanh.

Buổi trưa hôm ấy, anh em trong họ tộc cùng tụ tập về nhà bác trưởng họ để ăn giỗ Tổ. Sau một năm mải làm ăn xa, anh em, con cháu trong họ gặp nhau mừng mừng, tủi tủi. Dẫn cô con gái đến từng mâm giới thiệu với mọi người để nhận anh em, một vài người thành đạt trong họ còn cho quà động viên để cháu vươn lên trong học tập, lập nghiệp.

“Lá rụng về cội (!)”. Tết Thanh minh là dịp để con cháu hướng về tổ tiên, là tâm đức của người đang sống đối với người đã khuất. Trên đường trở về thanh phố, dù không nói ra nhưng tôi hiểu, chuyến về quê Thanh minh lần này, con gái tôi và thế hệ trẻ hôm nay không chỉ biết đến những ngôi mộ của gia tiên, hình thành cảm xúc kính trọng tổ tiên mà còn cảm nhận được tình cảm của anh em, họ hàng, từ đó, sống có trách nhiệm hơn với quê hương, nguồn cội./.

Đức Linh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com