Ở Phòng đọc tổng hợp Thư viện tỉnh, tủ sách do gia đình cố Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tú Châu tặng với hơn 1.000 cuốn sách thu hút nhiều độc giả đến tìm hiểu. Tủ sách phần lớn là sách văn học, có nhiều sách quý bằng tiếng Việt, Hán Nôm và bản dịch Truyện Kiều sang Hán văn... Còn ở Phòng đọc thiếu nhi, với cách bài trí và số lượng sách, truyện mới được bổ sung từ nguồn xã hội hóa đã giúp các độc giả “nhí” có thêm nhiều lựa chọn về đầu sách.
Đồng chí Ngô Thị Thơm, Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: Những năm gần đây công tác xã hội hóa trong lĩnh vực thư viện đã đạt được một số kết quả quan trọng. Hệ thống văn bản pháp luật về thư viện đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác xã hội hóa. Vừa qua, Thư viện tỉnh tiếp nhận gói tài trợ của Công ty Tài chính Prudential Việt Nam trao tặng “Tủ sách của những ước mơ” với tổng giá trị 100 triệu đồng, bao gồm: 7 giá sách dành cho trẻ em, hơn 1.300 cuốn sách thiếu nhi từ Nhà xuất bản Kim Đồng, 2 tranh trang trí và thảm trải sàn cho Phòng đọc thiếu nhi... Gói tài trợ với mục đích hỗ trợ trẻ em được tự do tiếp cận nguồn sách các loại, góp phần rèn luyện kỹ năng đọc chủ động, phát triển tư duy và trí tuệ cảm xúc ở trẻ em. Tiếp nhận gói tài trợ của Công ty Tài chính Prudential Việt Nam, Thư viện tỉnh đã bài trí, sắp xếp lại Phòng đọc thiếu nhi đảm bảo thiết kế phù hợp, tính thẩm mỹ cao, tăng sự hấp dẫn, thân thiện đối với bạn đọc. Từ khi có thêm đầu sách, bạn đọc nhỏ tuổi đến với Phòng đọc thiếu nhi ngày càng đông. Nhiều cuốn sách từ nguồn xã hội hóa được các em quan tâm, lựa chọn tìm đọc như: sách dạy kỹ năng sống, tâm lý lứa tuổi, truyện đạo đức, truyện lịch sử, sách tham khảo, bổ trợ kiến thức giúp các em học mà chơi - chơi mà học…
Học sinh lớp 3A Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái học ngoại khóa tại Phòng đọc thiếu nhi, Thư viện tỉnh. |
Năm 2018, Thư viện tỉnh được Quỹ Thiện tâm, Tập đoàn VinGroup tài trợ 1 xe ô tô đa phương tiện mang tên “Ánh sáng tri thức” với tổng giá trị 1,4 tỷ đồng được thiết kế đầy đủ trang thiết bị phục vụ thư viện lưu động gồm: 6 máy tính xách tay và 1 máy chủ, phần mềm ứng dụng, máy chiếu, ti vi, máy phát điện cùng gần 4.500 bản sách ở các thể loại: sách thiếu nhi, sách hạt giống tâm hồn, sách rèn luyện kỹ năng sống, sách khám phá khoa học và đời sống... Ngay sau khi tiếp nhận xe thư viện lưu động, Thư viện tỉnh đã xây dựng kế hoạch phối hợp với Phòng nghiệp vụ Công an tỉnh, Phòng Văn hóa Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức quản lý trưng bày, phục vụ sách, báo ngoài trời, tra cứu thông tin qua mạng internet tại nhiều địa phương, đơn vị, trường học. Đến nay, xe ô tô thư viện lưu động đã phục vụ được trên 50 chuyến với 65 nghìn lượt độc giả, gần 200 nghìn lượt tài liệu luân chuyển và trên 5.000 lượt người truy cập internet. Chứng kiến một buổi phục vụ lưu động của Thư viện tỉnh ở xã Hải Xuân (Hải Hậu) mới thấy hiệu ứng tích cực và hiệu quả của xe thư viện lưu động. Ông Phạm Văn Toàn ở xã Hải Xuân hào hứng chia sẻ cảm giác lần đầu tiếp cận với xe thư viện lưu động: “Xe thư viện có đủ sách cho người già, trẻ nhỏ. Tôi đã đọc cuốn sách “Kỹ thuật nuôi thỏ” để áp dụng vào phát triển kinh tế gia đình. Với người cao tuổi chúng tôi các cuốn sách y học thường thức đem lại nhiều kiến thức hữu ích để giữ gìn sức khỏe...”. Thực tế cho thấy, xe ô tô thư viện lưu động đa phương tiện giúp Thư viện tỉnh khắc phục được những khó khăn trong công tác luân chuyển tài liệu - xây dựng phong trào đọc sách báo sâu rộng trong cộng đồng. Số đầu sách phong phú cùng hệ thống máy tính có kết nối internet kết hợp với các thiết bị đa phương tiện trên xe thư viện lưu động đã giúp độc giả tiếp cận với công nghệ thông tin, giải trí, tra cứu phục vụ hoạt động lao động sản xuất, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm công dân trong việc tuân thủ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Để phát huy hiệu quả trang thiết bị và các đầu sách từ nguồn xã hội hóa, hàng năm Thư viện tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá nguồn lực, sản phẩm và dịch vụ thư viện qua chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày sách, Tuần lễ học tập suốt đời, trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử thư viện, tờ rơi. Các buổi phục vụ bằng xe thư viện lưu động tại các nhà trường của Thư viện tỉnh thường gắn các chủ đề: “Ngày hội sách cho em”, “Hành trang tri thức cho em”, “Đọc sách vì ngày mai”, “Niềm tin và hy vọng”, “Tri thức và tương lai”… Bên cạnh đó, các “chuyến xe tri thức” còn mang đến cho học sinh nhiều hoạt động văn hoá, trò chơi dân gian như: Rung chuông vàng, Đuổi hình bắt chữ, Đọc sách (Ai nhớ nhiều nhất), Chiếu phim thiếu nhi (về gương hiếu học, gương danh nhân, gương nhân vật lịch sử…), vẽ tranh; tổ chức tặng sách, giảm 50% lệ phí thẻ thư viện cho thiếu nhi…
Thời gian tới, Thư viện tỉnh tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ nguồn lực của các tổ chức, cá nhân về vốn sách báo, trang thiết bị để hiện đại hóa hoạt động thư viện. Đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch “Triển khai Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Nam Định” đã được UBND tỉnh ban hành, trong đó nêu rõ: “Xây dựng và phát triển có hiệu quả chính sách thu hút nguồn lực trong và ngoài tỉnh tham gia phát triển văn hóa đọc”. Với sự quan tâm của các cấp chính quyền, các cơ quan, tổ chức, cá nhân, Thư viện tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng văn hóa đọc bền vững trong cộng đồng./.
Bài và ảnh: Viết Dư