Những di tích lịch sử - văn hóa gắn với "địa chỉ đỏ" cách mạng ở Trực Ninh

06:04, 26/04/2019

Huyện Trực Ninh có 35 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng. Trong đó, nhiều di tích là “địa chỉ đỏ” trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; tiêu biểu như: Chùa Cổ Lễ, Đền Trần Ninh Cường, Đền - Chùa Nam Lạng, Chùa Phúc Ninh…

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Chùa Cổ Lễ là cơ sở nuôi giấu cán bộ, du kích và bộ đội chủ lực Sư đoàn 320, Đại đội 91 của tỉnh, Đại đội 75 huyện Trực Ninh. Hưởng ứng “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chủ tịch, Hòa thượng Thích Thế Long, Trụ trì Chùa Cổ Lễ đã thành lập đội “nghĩa sĩ phật tử”. Ngày 27-2-1947, nhà chùa đã làm lễ “cởi áo cà sa khoác chiến bào” cho 27 nhà sư tham gia kháng chiến chống Pháp. Sau khi cử hành các nghi lễ, đại diện Trung đoàn 34 đến nhận quân, chuyển súng, kiếm, mã tấu đến các vị tăng ni, hạ lệnh xuất phát. Đoàn quân đồng thanh ca vang bài “Tiến lên đường, tới sa trường”. Tiếp đó, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chiến tranh biên giới, nhiều nhà sư đã cởi áo cà sa lên đường chiến đấu. Tại Phòng truyền thống Chùa Cổ Lễ hiện trưng bày nhiều tài liệu, hiện vật về lịch sử của nhà chùa. Trong đó có một góc trưng bày hiện vật là huân, huy chương, huy hiệu Đảng của các cố Hòa thượng Thích Thế Long, Thích Thuận Đức... Ngoài ra còn có những kỷ vật của những vị sư đã “cởi áo cà sa” lên đường tham gia kháng chiến như: chiếc ba lô đã bạc màu, tấm ảnh đen trắng những nhà sư trong quân ngũ…

Di tích lịch sử - văn hóa Đền Nam Lạng, thôn Nam Lạng, xã Trực Tuấn.
Di tích lịch sử - văn hóa Đền Nam Lạng, thôn Nam Lạng, xã Trực Tuấn.

Khu di tích Đền và Chùa Nam Lạng, xã Trực Tuấn gắn liền với sự ra đời và phát triển của phong trào yêu nước và cách mạng của huyện Trực Ninh những năm đầu thế kỷ XX. Năm 1926, các đồng chí Phạm Gia, Đào Đình Mẫn, Đỗ Quang Nhân là nhà giáo ở các nơi về dạy học trong huyện được kết nạp vào tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội. Đền Nam Lạng được chọn làm nơi soạn thảo, in ấn tài liệu của chi bộ để gửi đi các nơi và đón nhận các hội viên trong huyện về họp. Tháng 2-1928, chi bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội được thành lập đặt trụ sở tại Đền Nam Lạng gồm bốn hội viên: Phạm Gia, Ninh Sơn Đẩu, Trần Văn Tiêm và Trần Liễu. Ngày 29-6-1929, Tỉnh uỷ Đông dương Cộng sản Đảng tỉnh Nam Định được thành lập, các đồng chí: Phạm Gia, Đào Đình Mẫn, Trương Đình Phú được chuyển thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Ngày 10-12-1929, cờ búa liềm được treo trên ngọn cây muỗm cầu Cao (Nam Lạng). Đêm 16-8-1945, tại khu di tích Đền và Chùa Nam Lạng, hơn 500 người có trang bị vũ khí đã tập hợp đi cướp chính quyền, đến 15 giờ ngày 17-8-1945, cùng với các đoàn quân từ các xã Trực Nội, Trực Đạo kéo ra phối hợp với đoàn quân Nam Lạng chiếm huyện lỵ Trực Ninh; sau đó kéo sang phối hợp chiếm huyện lỵ Nam Trực. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, tại Đền Nam Lạng đã làm lễ tiễn 5 đồng chí là học trò của nhà giáo Phạm Gia tham gia vào đoàn quân Bắc tiến, giải phóng Sơn La. Nơi đây còn là trạm giao liên, in ấn tài liệu cho các xã lân cận của huyện Trực Ninh. Năm 1947, sư ông Thích Thiện Tú, tu tại chùa đã “cởi áo cà sa khoác chiến bào” ra đi kháng chiến và đã anh dũng hy sinh. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khu di tích Đền, Chùa Nam Lạng là trụ sở của UBND xã, nơi tiễn đưa con em địa phương lên đường nhập ngũ. Đền Nam Lạng hiện nay còn trưng bày bảo tàng về “truyền thống đấu tranh cách mạng” của huyện Trực Ninh từ năm 1965 đến 1968.

Đền Trần Ninh Cường, xã Trực Thái có nhiều đóng góp vào thành tích của địa phương trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Ngày 7-11-1949 địch đánh chiếm Ninh Cường. Tổ chức cách mạng địa phương phải rút về hoạt động bí mật. Đền Trần Ninh Cường với địa thế cách xa khu dân cư, có nhiều cây cổ thụ là khu vực để cán bộ cách mạng họp, đào hầm chôn giấu vũ khí, tài liệu và là trung tâm huấn luyện của bộ đội địa phương, công an xã gây cơ sở diệt tề trừ gian ở 6 xã phía nam huyện. Thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1965-1975), khu vực nhà đền là trung tâm huấn luyện dân quân du kích chiến đấu bắn máy bay và chống biệt kích địch. Những sự kiện diễn ra tại Đền Trần Ninh Cường trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc là những chứng cứ lịch sử, là niềm tự hào, động viên người dân nơi đây đoàn kết vượt qua mọi khó khăn xây dựng quê hương giàu đẹp.

Để phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, Phòng Văn hóa - Thông tin phối hợp với Huyện Đoàn, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện triển khai các hoạt động phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa. Hàng tháng, các trường tiểu học và trung học cơ sở ở các xã, thị trấn có di tích phân công học sinh dọn vệ sinh, trồng hoa, cây xanh; tổ chức cho học sinh tham quan, tìm hiểu về di tích nhằm giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa và cách mạng của quê hương. Gắn với những chiến công của các thế hệ đi trước, mỗi di tích lịch sử - văn hóa ở Trực Ninh đều được bảo tồn và phát huy giá trị, góp phần giáo dục lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com