Lễ hội Chùa Lương, xã Hải Anh (Hải Hậu) được tổ chức từ ngày 14 đến ngày 16-3 âm lịch hàng năm để tưởng nhớ tứ tổ: Trần Vu, Vũ Chi, Hoàng Gia, Phạm Cập - những người có công khai khẩn mảnh đất Quần Anh xưa. Với việc phục dựng và tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, trò chơi dân gian đặc sắc, người dân xã Hải Anh đã đưa lễ hội Chùa Lương trở thành điểm hội tụ, phát huy các giá trị văn hoá làng quê.
Lễ hội truyền thống Cầu Ngói - Chùa Lương. Ảnh: Internet |
Theo các tư liệu lịch sử, năm 1486, tứ tổ: Trần Vu, Vũ Chi, Hoàng Gia, Phạm Cập và 9 dòng họ từ khắp nơi tụ về vùng đất Quần Anh sinh cơ, lập nghiệp. Trải qua bao gian nan, vất vả, “tứ tổ khai sáng, cửu tộc khai cơ” đã khai hoang, lấn biển, tạo lập nên xóm làng trù phú, phát triển trăm nghề, mở rộng địa bàn sinh sống. Khi việc quai đê, lấn biển đã giành được nhiều kết quả, đời sống vật chất của dân cư quanh vùng dần ổn định, bốn ông tổ cùng các dòng họ xây dựng nhiều công trình: đình, đền, chùa, cầu, chợ để chăm lo đời sống cho nhân dân. Chùa Lương là di sản văn hoá tâm linh đã tồn tại hơn 5 thế kỷ. Chùa có tên chữ là “Phúc Lâm tự”, xây dựng vào đời Vua Lê Hồng Thuận (1509-1515). Trải qua nhiều lần trùng tu, mở rộng, ngôi chùa hiện tại có quy mô lớn với 100 gian trên thế đất rộng rãi, thoáng mát. Kiến trúc của công trình giao thoa giữa nhiều thời đại, nhưng vẫn đậm phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê (thế kỷ XVII-XVIII). Trước chùa là hồ nước xanh trong như một tấm gương in bóng tam quan, cùng các cây cổ thụ. Khuôn viên chùa chia làm hai khu vực. Trong đó, khu vực thứ nhất là những công trình quan trọng, gồm các toà: tiền đường, tam bảo, gác chuông, hậu cung và hai dãy hành lang đông, tây. Khu vực thứ hai gồm: nhà tổ, nhà khách, tăng phòng, tháp mộ... Tất cả các hạng mục công trình được xây dựng bằng ngói ta và gạch Bát Tràng, liên kết theo lối “giao mái, bắt vần”, tạo nên tổng thể kiến trúc hài hòa, vừa đảm bảo sự chắc chắn, bền vững vừa nhẹ nhàng thanh thoát. Tổng thể kiến trúc Chùa Lương thể hiện trình độ kỹ thuật điêu luyện, khiếu thẩm mỹ tinh tế của các nghệ nhân dân gian. Trên các thành phần kiến trúc, nổi bật là tòa tiền đường tập trung chạm khắc hình tượng: rồng chầu mặt nguyệt, rồng cuốn thủy, rồng vuốt râu, rồng ngậm ngọc, rồng bay, trúc hóa long... Đến tham quan di tích, du khách không khỏi bất ngờ trước giếng nước Chùa Lương bởi sự độc đáo: Thành giếng được tạo bằng những chiếc cối đá xếp vòng tròn chồng từng lớp lên nhau. Nước giếng trong vắt, tinh khiết, được dân làng dùng để đồ xôi, sửa lễ cúng Phật. Chùa Lương hiện còn lưu giữ gần 40 văn bia niên hiệu Hồng Thuận, Chính Hoà, Cảnh Hưng có ghi công sức đóng góp xây dựng chùa; các lần trùng tu, nâng cấp chùa; quá trình khai hoang lấn biển và cuộc sống của người dân Quần Anh xưa. Điểm nhấn của di tích là các pho tượng Phật được bảo tồn nguyên vẹn, bài trí hợp lý như tượng A di đà, tứ vị Bồ Tát, bát vị Kim cương, Hộ pháp, Tam thế, tổ khai sáng…
Ngoài Chùa Lương, các công trình liên đới khác như Cầu Ngói, Đền Thuỷ tổ cũng là những di tích tồn tại lâu đời gắn liền với Lễ hội Chùa Lương. Vào những năm trước Cách mạng Tháng Tám, lễ hội Chùa Lương - Đình Phong Lạc được nhân dân địa phương gọi là “vào đám cầu phúc”, tổ chức vào dịp tháng 3 âm lịch hàng năm. Lễ vật dâng Phật là cỗ chay, lễ vật dâng các vị thuỷ tổ bao gồm: xôi, lợn, gà… Trong ngày hội, ngoài các nghi thức tế lễ tại chùa còn có nghi thức rước kiệu quanh làng về đình. Đặc biệt, ngày hội còn tổ chức các đêm thi hát chèo, hát văn, ca trù đặc sắc. Lễ hội còn có biểu diễn đi kheo với nhiều tích trò hấp dẫn. Với những giá trị về lịch sử, văn hoá, nghệ thuật kiến trúc, năm 1990, cụm di tích Chùa Lương - Cầu Ngói - Đền Thuỷ tổ được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia. Nhiều năm qua, chính quyền và nhân dân xã Hải Anh luôn quan tâm đến công tác quản lý và phát huy giá trị di tích, nhằm khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch. Lễ hội Chùa Lương được tổ chức văn minh, tiết kiệm đã trở thành nét sinh hoạt văn hoá tâm linh trong đời sống tinh thần của người dân xã Hải Anh. Vào các dịp Lễ Phật Đản, Lễ Vu Lan và các ngày 14, 15, 16-3 âm lịch hàng năm, tại di tích diễn ra các nghi thức tế lễ trang trọng, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng thờ Phật và bày tỏ tấm lòng tri ân công đức của nhân dân đối với các vị thuỷ tổ có công gây dựng cuộc sống ấm no cho nhân dân. Lễ hội gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm: lễ Kỳ yên, cầu phúc, lễ Phật, rước kiệu. Tại sân đền, chùa tổ chức cúng lễ linh đình và rước kiệu quanh làng, cờ trống nhộn nhịp. Nghi thức rước kiệu có sự tham gia của nhiều đội rước đến từ khắp các xóm, các xã của huyện, các hội tập phúc (nơi có thờ các bà Chúa). Đoàn rước rất đông, kéo dài đến tận vài cây số. Những người tham gia đoàn rước đầu chít khăn, quần áo chỉnh tề, nhiều màu sắc: đỏ, vàng, xanh, trắng. Mỗi đoàn tham gia đều có đầy đủ các loại kiệu: Nhang án, kiệu võng, đội cờ, đội kèn, đội trống. Phần hội là các hoạt động văn hoá, văn nghệ dân gian: hát chèo, hát văn, hát đối, trống hội, nhạc kèn và các trò chơi dân gian sôi động như: đi kheo, kéo co, chơi cờ, múa lân - sư - rồng… thu hút đông đảo nhân dân địa phương, du khách thập phương, con em xa quê hương về dự.
Về dự hội Chùa Lương, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp làng quê với những hình ảnh: cây cầu mái ngói, chợ quê, giếng chùa… mà còn được đắm mình trong các hoạt động dân gian truyền thống. Lễ hội Chùa Lương mang ý nghĩa của cư dân miền biển mong muốn cầu cho “Quốc thái dân an, mưa thuận gió hoà”./.
Khánh Dũng