Nghĩa Hưng xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh

05:03, 22/03/2019

Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy về “Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh”, thời gian qua Huyện uỷ, UBND huyện Nghĩa Hưng đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, từng bước xây dựng môi trường văn hoá, con người văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Huyện chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Học tập và làm việc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Các phong trào xây dựng “Gia đình văn hoá”, “Làng văn hóa”, “Cơ quan, đơn vị, trường học đạt chuẩn văn hóa” có nhiều chuyển biến tích cực. Trong phong trào xây dựng “Gia đình văn hoá”, các thôn, xóm, tổ dân phố làm tốt việc bình xét, công nhận và biểu dương các gia đình văn hoá tiêu biểu; xây dựng nhiều mô hình thiết thực, hoạt động có hiệu quả như: “Gia đình cách mạng gương mẫu”, “Gia đình nông dân văn hóa”, “Gia đình 5 không, 3 sạch”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, “Tuổi cao gương sáng”... Đến nay, toàn huyện có 52.166/61.200 gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hoá” (đạt tỷ lệ 85,2%). Thông qua sinh hoạt của các câu lạc bộ: “Gia đình hạnh phúc”, “Không sinh con thứ ba”, các văn bản: Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới được tuyên truyền rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân. Phong trào xây dựng “Làng (thôn, xóm, tổ dân phố) văn hoá” được đẩy mạnh. Toàn huyện hiện có 275/293 làng (thôn, xóm, tổ dân phố) văn hoá (đạt tỷ lệ 93,9%). Trong phong trào xây dựng “Làng (thôn, xóm, tổ dân phố) văn hoá”, các xã, thị trấn thường xuyên tuyên truyền, vận động các tổ chức, đoàn thể, cộng đồng bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, các hình thức phô trương, lãng phí trong tổ chức việc hiếu, hỷ; xây dựng mô hình thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội phù hợp với các quy định của pháp luật và thuần phong mỹ tục của địa phương. Ở các xã, thị trấn, việc cưới, việc tang được các gia đình tổ chức đơn giản, gọn nhẹ, tiết kiệm. Nhiều mô hình cưới theo nếp sống mới được tổ chức như: tiệc trà, trao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn tại trụ sở UBND xã, thị trấn, đám cưới không thuốc lá. Các hủ tục trong tang lễ như: lăn đường, khóc mướn không còn. Phong trào xây dựng “Cơ quan, đơn vị, trường học đạt chuẩn văn hoá” được triển khai sâu rộng. Trong đó trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân... Thực hiện tốt nếp sống văn minh nơi công cộng, giữ gìn vệ sinh môi trường. Đến nay, cả 85 trường học, 25 trạm y tế, 62 cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện đều đạt chuẩn văn hoá.

Bơi chải trong Ngày hội văn hoá - thể thao huyện Nghĩa Hưng.
Bơi chải trong Ngày hội văn hoá - thể thao huyện Nghĩa Hưng.

Trong xây dựng nông thôn mới, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực nhằm xây dựng, sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hoá cơ sở. Trong phân nhóm thiết chế văn hoá của huyện, các công trình thuộc nhóm 1 gồm: nhà văn hoá, trung tâm văn hóa - thể thao xã, thị trấn do ngân sách Nhà nước các cấp đảm nhiệm. Công trình nhà văn hoá, sân thể thao thôn, xóm, tổ dân phố do địa bàn khu dân cư quản lý, Nhà nước hỗ trợ từ 20-50% kinh phí, còn lại do nhân dân đóng góp công sức, tiền của xây dựng. Đến nay, cả 25 xã, thị trấn trong huyện đều có nhà văn hoá, trung tâm văn hoá - thể thao; 282/293 làng, thôn, xóm, tổ dân phố có nhà văn hoá, sân thể thao (đạt tỷ lệ 96,2%). Các thiết chế văn hoá hoàn thiện là cơ sở để phát triển các phong trào văn hoá, văn nghệ, thể thao quần chúng. Huyện có 1 câu lạc bộ văn hoá - nghệ thuật, 25 câu lạc bộ văn nghệ cấp xã và gần 150 đội văn nghệ thôn, xóm, tổ dân phố, sinh hoạt đa dạng ở nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống: chèo, cải lương, cà kheo, múa rối nước, múa tứ linh, trống cà rùng, trống trắc, kèn đồng, bơi chải… Các loại hình nghệ thuật truyền thống ở các địa phương được khôi phục. Vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 hàng năm, các xã, thị trấn trong huyện lại sôi nổi tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao. Ngày hội văn hoá - thể thao huyện Nghĩa Hưng diễn ra từ ngày 31-8 đến 2-9 thu hút đông đảo nhân dân địa phương; trong đó, hàng nghìn diễn viên, vận động viên của 25 xã, thị trấn và các cơ quan, đơn vị tham gia hội diễn văn nghệ quần chúng và tranh tài ở các môn thể thao: bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, bơi lội, bơi chải… và các trò chơi dân gian như: đi kheo, múa rồng, trống cà rùng, kèn đồng…

Trên địa bàn huyện hiện có 32 di tích lịch sử - văn hoá được Nhà nước xếp hạng tôn tạo và bảo vệ; trong đó có 7 di tích cấp quốc gia và 25 di tích cấp tỉnh. Nhiều năm qua, UBND huyện Nghĩa Hưng đã xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, đề án, quy hoạch nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hoá. Các địa phương có di tích được xếp hạng đã ban hành quy chế quản lý di tích, từng bước đổi mới quản lý lễ hội theo hướng Nhà nước quản lý, hướng dẫn và cộng đồng dân cư là chủ thể tổ chức thực hiện. Hoạt động lễ hội phát triển hài hòa cả phần lễ và phần hội. Nhiều lễ hội dân gian truyền thống được tổ chức phù hợp với nếp sống văn minh.

Để Nghị quyết số 07-NQ/TU đi vào cuộc sống, thời gian tới huyện Nghĩa Hưng tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Cùng với tuyên truyền, vận động, các ngành chức năng, các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm quy định trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Huy động nguồn lực xã hội để xây dựng, hoàn thiện thiết chế văn hoá cơ sở và không gian vui chơi giải trí phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Tổ chức tốt các lễ hội truyền thống, ưu tiên đầu tư nghiên cứu bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá tiêu biểu. Phát triển phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng, nòng cốt là các câu lạc bộ, trung tâm sinh hoạt văn hoá cộng đồng, tạo điều kiện để nhân dân tích cực tham gia sáng tạo, hưởng thụ các giá trị văn hoá./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



Công ty thu mua vải cây tận nơi

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com