Nghệ thuật thư pháp trong các lễ hội xuân

08:03, 08/03/2019

Nhiều năm trở lại đây, tại một số lễ hội xuân trên địa bàn tỉnh xuất hiện các gian trưng bày, triển lãm thư pháp với hình ảnh “ông đồ” mặc áo dài, khăn đóng ngồi viết thư pháp, cho chữ lấy may. Nghệ thuật thư pháp trong lễ hội đã trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Khu vực viết thư pháp trong hội Chợ Viềng Xuân, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực).
Khu vực viết thư pháp trong hội Chợ Viềng Xuân, Thị trấn Nam Giang (Nam Trực).

Từ tháng Giêng đến tháng Ba âm lịch, trên địa bàn tỉnh diễn ra nhiều lễ hội có quy mô vùng như: Lễ hội Khai ấn Đền Trần (Thành phố Nam Định), Lễ hội Phủ Dầy (Vụ Bản) và hàng chục lễ hội làng truyền thống. Ngày đầu xuân mới, nhiều người thường tìm đến các đền chùa, lễ hội để xin các câu, chữ tâm đắc, có ý nghĩa, mong muốn năm mới mọi điều tốt lành, thuận lợi. Ngoài xin chữ cho mình, nhiều người còn xin chữ để tặng ông bà, cha mẹ, anh em, bạn bè nhằm gửi gắm những lời chúc may mắn. Ngoài chữ Hán, các “ông đồ” còn viết thư pháp bằng chữ Quốc ngữ. Chữ thư pháp được thể hiện trong các bức tranh, liễn bằng các chất liệu giấy xuyến, mành lụa, mành trúc, gỗ và được sử dụng trong những nghi thức trọng đại vào dịp lễ, tết hàng năm. Tại Khu di tích lịch sử - văn hoá quốc gia đặc biệt Đền Trần - Chùa Tháp, phường Lộc Vượng (Thành phố Nam Định), vào các dịp Lễ hội Khai ấn đầu xuân, Lễ hội Đền Trần tháng Tám diễn ra nhiều hoạt động văn hoá dân gian đặc sắc; trong đó có nghệ thuật thư pháp. Trò chuyện với các “ông đồ” cho chữ tại đây, chúng tôi được biết, ngày xuân, nội dung của thư pháp thường là những lời chúc an lành, những câu nói tình nghĩa về quan hệ giữa: thầy - trò, cha mẹ - con cái, vợ - chồng, bạn bè, tri kỷ… Đó là các chữ “Phúc”, “Tài”, “Lộc” mang ước vọng một năm mới an khang, thịnh vượng và hạnh phúc. Ngoài ra, các chữ “Chí”, “Thọ”, “Thành” thể hiện ý chí cao viễn, thành đạt trong sự nghiệp; “Nhẫn”, “Lễ”, “Hiếu”, “Thuận” thể hiện mong muốn vạn sự tốt lành, êm thắm; “Nhân”, “Trí”, “Minh” thể hiện khát vọng cao quý về trí tuệ, học vấn… Ngoài ra, những câu đối tết, những bài thơ xưa của các thi sĩ quê hương ca ngợi vẻ đẹp mùa xuân, mảnh đất và con người Nam Định cũng được nhiều người thích thú, lựa chọn. Đi lễ đầu năm, du khách không chỉ thoả mãn ước nguyện cầu may mà còn đem sự thông tuệ của các bậc hiền nhân về với các thành viên trong gia đình thông qua những nét chữ “rồng bay, phượng múa”. Huyện Vụ Bản là vùng đất cổ, người dân nơi đây có truyền thống “tôn sư, trọng đạo” nên dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả vẫn luôn ước mong về một cuộc sống ấm no, con cháu học hành thành đạt, thể hiện qua việc xin chữ đầu xuân. Vì vậy, nét đẹp văn hoá thư pháp hình thành từ đó. Ngày nay, tại các lễ hội truyền thống trên địa bàn huyện vẫn thường xuất hiện một số người viết thư pháp ở nhiều độ tuổi khác nhau, già có, trẻ có. Anh Trần Văn Hùng (hội viên Câu lạc bộ Trí Đức thư pháp Nam Định) - người viết thư pháp lâu năm tại Lễ hội Phủ Dầy chia sẻ: Ở huyện Vụ Bản, thú chơi thư pháp tập trung tại các vùng quê có nhiều lễ hội; tiêu biểu là: Lễ hội Phủ Dầy, Chợ Viềng Xuân, Lễ hội làng Quả Linh… Theo quan niệm của người dân, mỗi chữ được viết ra là thể hiện sự tài hoa của người cho chữ bởi chữ không chỉ đẹp mà còn phải phù hợp với vị thế, nỗi niềm mong mỏi của người xin chữ. Người già thì xin chữ “Tĩnh”, chữ “Thọ”; người gặp nhiều gian nan, trắc trở xin chữ “Nhẫn”; học trò xin chữ “Đạt”; người làm ăn, buôn bán xin chữ “Tín”, chữ “Phát”; không ít người xin chữ “Liêm”, chữ “Chính” về treo ở nhà để răn dạy con cái… Tục xin chữ đầu xuân đang dần trở thành một thú chơi tao nhã trong bốn thú “nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ kiểng”.

Để góp phần khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của nghệ thuật thư pháp trên địa bàn tỉnh, năm 2005, Câu lạc bộ Trí Đức thư pháp Nam Định được thành lập với 10 thành viên có thâm niên về tìm hiểu chữ Hán Nôm. Ông Nguyễn Văn Chính, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Trí Đức thư pháp Nam Định cho biết: Câu lạc bộ là nơi để những người đam mê nghệ thuật thư pháp giao lưu, học hỏi. Các thành viên trong câu lạc bộ thường xuyên tự trau dồi kỹ năng, từ việc duy trì sinh hoạt câu lạc bộ hàng tuần, đến việc tổ chức giao lưu với các câu lạc bộ thư pháp ở các tỉnh: Ninh Bình, Thái Bình, Thành phố Hà Nội... Qua hơn 10 năm hoạt động, đến nay câu lạc bộ thu hút được hơn 20 thành viên tham gia ở mọi lứa tuổi, ngành nghề; từ những người cao tuổi, lão thành cách mạng, bác sĩ, hoạ sĩ, giáo viên, bộ đội, công chức đến các bạn sinh viên. Hàng năm, câu lạc bộ tích cực tham gia tổ chức các hội thi, giao lưu thư pháp dành cho những người đam mê thư pháp trong và ngoài tỉnh thông qua các dịp lễ, tết; đặc biệt là khôi phục hoạt động cho chữ tại: lễ hội Chùa Bái Đính (Ninh Bình), hội chợ hoa Xuân, lễ hội Đền Trần, lễ hội Phủ Dầy (Nam Định) và nhiều trường học trên địa bàn tỉnh. Trong những ngày diễn ra các lễ hội, bên cạnh các hoạt động vui chơi, giải trí, ca hát thì hình ảnh “ông đồ” đã thu hút rất nhiều người, trong đó có giới trẻ mến mộ ghé xem và xin chữ...

Trong nhịp hối hả hôm nay, nghệ thuật thư pháp có thể không còn được thuần túy như người xưa, nhưng cái tâm của người cầm bút thổi hồn vào các con chữ, cái đức của người thưởng thức tinh hoa ấy thật đáng trân trọng. Hình ảnh “ông đồ” cho chữ trong các lễ hội xuân vẫn hiện hữu và còn nguyên giá trị. Nghệ thuật thư pháp đầu năm đã trở thành nét đẹp văn hoá và là mỹ tục không thể thiếu trong các lễ hội xuân trên địa bàn tỉnh ta./.

Bài và ảnh: Khánh Dũng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com