Huyện Ý Yên có nhiều nghề truyền thống, tiêu biểu như: sơn mài Cát Đằng, xã Yên Tiến; chạm khắc gỗ La Xuyên, Ninh Xá, xã Yên Ninh; đúc đồng Tống Xá, xã Yên Xá; thêu ren, làm nón, xã Yên Trung… Trải qua hàng trăm năm, tinh hoa văn hoá trong các làng nghề truyền thống ở Ý Yên vẫn luôn được các thế hệ người dân nơi đây kế thừa và phát triển trong đời sống hôm nay.
Hiện tại, các làng nghề ở Ý Yên đều có các di tích thờ các vị tổ làng có công mang nghề về địa phương truyền dạy cho dân làng. Các di tích lịch sử - văn hóa như: Đền thờ Đức thánh Tổ làng Tống Xá, xã Yên Xá; Đình La Xuyên, Đình Ninh Xá, xã Yên Ninh; Đình Cát Đằng, xã Yên Tiến… không chỉ là nơi lưu giữ nét tài hoa của các nghệ nhân xưa mà còn là nơi gìn giữ, phát huy truyền thống văn hoá qua mỗi kỳ lễ hội. Vào dịp lễ hội hàng năm tại các di tích, đều diễn ra nghi lễ “hiến xảo” để tấu, trình với các vị tổ nghề những sản phẩm làng nghề. Trước lễ hội từ 2-3 tháng, các gia đình làm nghề sẽ đầu tư tâm sức chế tác thủ công một sản phẩm tiêu biểu và có giá trị nhất. Khi tổ chức nghi lễ “hiến xảo” các gia đình mang sản phẩm ra đình, đền thờ tổ nghề làm lễ yết cáo, dâng trước ban thờ các vị tổ những sản phẩm có tính thẩm mỹ cao và kỹ thuật tinh xảo. Cùng với nghi lễ “hiến xảo”, nghi thức “rước lửa”, “kéo lửa” khai hội cũng là một hoạt động không thể thiếu tại mỗi làng nghề dịp đầu năm. Nghề sơn mài Cát Đằng, xã Yên Tiến có lịch sử lâu đời, tồn tại cách đây trên 600 năm. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, tục “rước lửa” nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức của Vua Đinh Tiên Hoàng và hai tổ nghề là Ngô Đức Dũng và Ngô Ân Ba. Vào dịp đầu xuân mới, các nam thanh niên trong làng tổ chức rước kiệu hoa và lễ vật ra đình làng làm nghi thức rước lửa Thánh. Lửa sau khi rước được châm vào vạc dầu giữa sân đình và chia cho dân làng đem về nhà lấy may. Vào dịp trung tuần tháng Giêng, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội tưởng nhớ ngày giỗ tổ nghề. Lễ hội thể hiện tinh thần gắn kết cộng đồng sâu sắc với các nghi lễ: rước Nước và rước Thỉnh kinh cầu cho “Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, công việc thuận buồm xuôi gió”. Bên cạnh đó, lễ hội còn là dịp quảng bá các sản phẩm của làng nghề như: kiệu bát cống, kiệu võng, bát bửu... Do đảm bảo được các yếu tố: lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và giá trị sử dụng nên nghề sơn mài Cát Đằng là làng nghề truyền thống duy nhất trên địa bàn tỉnh được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia năm 2017.
Lễ hội Đền thờ Đức Thánh Tổ làng đúc đồng Tống Xá, xã Yên Xá. |
Hình thành cách đây gần 10 thế kỷ, nghề chạm khắc La Xuyên, xã Yên Ninh với nghệ thuật điêu khắc gỗ tinh xảo đạt đến mức độ hoàn hảo của nghệ thuật chạm khắc cung đình xưa. Đình La Xuyên là di tích thờ ông tổ nghề mộc Ninh Hữu Hưng - người mang nghề về làng và truyền dạy cho nhân dân địa phương. Trong dịp lễ hội, khác với tục “rước lửa” ở làng nghề Cát Đằng là chỉ có nam thanh niên đi xin lửa thì tục “truyền lửa” ở làng nghề chạm khắc gỗ La Xuyên có cả nam thanh, nữ tú, người già và người trẻ đều có thể tham gia. Lửa thiêng được các gia đình đem về nhà để cáo yết với thổ công, gia tiên, khua trong nhà, ngoài sân và ủ vào bếp giữ lửa trong dịp xuân mới. Dịp này, nhân dân địa phương và những người con xa quê có dịp đoàn tụ, thưởng thức các trò chơi dân gian, hòa mình vào những thuần phong mỹ tục quê hương. Trong lễ hội làng thường có các cuộc thi trình diễn các sản phẩm gỗ nghệ thuật được chế tác từ chính các nghệ nhân làng nghề. Cuộc thi không chỉ là dịp để những người thợ trao đổi, học tập kinh nghiệm mà còn là dịp quảng bá sản phẩm của làng nghề truyền thống. Tại Đình Ninh Xá, để tỏ lòng biết ơn tổ nghề và những người có công dựng làng, giữ nước, định kỳ vào các năm Dần, Thân, Tỵ, Hợi, dân làng Ninh Xá lại tổ chức lễ hội vào các ngày mồng 6 và 7-3 âm lịch. Vào mồng 5 tháng Giêng hàng năm, dân làng Ninh Xá lại tề tựu quanh sân Chùa Phúc Lê tổ chức thi kéo lửa, thổi cơm. Người dân diễn lại tục “kéo lửa”, nấu cơm của quân lính thời xưa bằng hình ảnh một nhóm 3 người vừa đi vừa kéo lửa thổi xôi để làm sống lại không khí quyết tâm đánh giặc của cha ông ta. Cũng như tục “kéo lửa” thổi cơm thi, tục “kéo lửa” khai hội ngày mồng 6 tháng Giêng cũng thu hút hàng nghìn người dân trong xóm ngoài làng tham gia. Lễ hội còn có các nghi thức trang trọng như: tế lễ, rước nước, rước kiệu và các trò chơi dân gian truyền thống như: múa rồng, bắn cung, đấu kiếm, võ vật, hát văn, thao tác các công đoạn nghề mộc, khảm trai… Ở xã Yên Xá, lễ hội Đền thờ Đức Thánh Tổ nghề đúc làng Tống Xá diễn ra 3 năm 1 lần từ ngày 10 đến ngày 12-2 âm lịch nhằm tưởng nhớ ngày ông tổ làng nghề - Thiền sư Nguyễn Minh Không đặt chân đến quê hương và truyền nghề cho nhân dân. Lễ hội ngoài phần tế, rước trang trọng để tưởng niệm Đức Thánh Tổ thì các trò chơi dân gian truyền thống trong phần hội diễn ra vô cùng náo nhiệt như: múa lân - rồng, tổ tôm điếm, bắt vịt dưới ao, vật cù, bịt mắt đánh trống, leo cầu phao, ném vòng cổ chai… Ngày nay, các nghệ nhân đúc đồng Tống Xá tài hoa đã tạo ra nhiều sản phẩm tinh xảo có mặt khắp cả nước với những công trình tầm cỡ quốc gia như: Tượng 14 vị Vua Trần tại Di tích lịch sử - văn hóa Đền Trần (tỉnh Nam Định); Tượng Vua Lý Thái Tổ (Thành phố Hà Nội); Tượng Quốc mẫu Âu Cơ tại khu di tích Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ); Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Tượng đài Bác Hồ tại Nhà Lưu niệm huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên); Tượng Tam thế Phật tổ Như Lai tại Chùa Bái Đính (tỉnh Ninh Bình)...
Nhiều năm qua, cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước, các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống trên địa bàn. Nhiều dự án đầu tư cho các nghề mũi nhọn, có giá trị xuất khẩu và kinh tế cao như: đúc đồng, mộc, khảm trai, sơn mài… Cơ sở vật chất, hạ tầng được đầu tư xây dựng dựa trên nguồn kinh phí xã hội hoá. Nhiều dự án làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống đã được xây dựng ở các xã: Yên Xá, Yên Hồng, Yên Trị, Yên Ninh, Yên Tiến, Thị trấn Lâm… được mở rộng quy mô sản xuất theo hướng công ty, các doanh nghiệp thu hút hàng nghìn lao động trong vùng và các vùng phụ cận tới làm việc, thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Các lớp học, cơ sở dạy nghề và truyền nghề do các tổ chức đứng ra đảm nhiệm và các nghệ nhân trực tiếp giảng dạy được mở rộng ở khắp các xã, thị trấn.
Trải qua bao biến cố, thăng trầm lịch sử, các làng nghề truyền thống ở Ý Yên vẫn luôn tồn tại và phát triển không chỉ thể hiện óc sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của các thế hệ người dân mà còn để lại cho con cháu “nguồn vốn” bất tận cho đến ngày nay. Sản phẩm của các làng nghề truyền thống là di sản văn hoá thể hiện tinh hoa của đất và người, mang ý nghĩa bản địa độc đáo, riêng biệt nhưng đều có một điểm chung là tinh thần gắn kết cộng đồng, cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng