Giữ thương hiệu cho phim tài liệu Việt Nam

08:03, 08/03/2019

27 bộ phim trình chiếu trong 3 ngày chiếu phim tổng kết nghệ thuật sản xuất trong hai năm (2017 và 2018) của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương (DSF) được đánh giá là có luồng gió mới bởi sự xuất hiện của nhiều gương mặt tác giả trẻ với cách thể hiện mới từ hình ảnh, cách dựng, âm thanh sinh động.

Cảnh trong phim tài liệu “Chuyện những người lính già”. Ảnh: DSF
Cảnh trong phim tài liệu “Chuyện những người lính già”. Ảnh: DSF

Đầy ắp hơi thở cuộc sống

Phòng chiếu DSF buổi phim “Tuổi thác ghềnh” khá sôi động. Nhiều lời bàn tán hoặc thốt lên sau mỗi thước phim. “Tuổi thác ghềnh” đề cập đến vấn đề đang rất nổi cộm trong xã hội: Đạo đức, lối sống. Phim đi theo câu chuyện của thầy giáo Trần Tuấn Anh, giáo viên dạy môn Giáo dục công dân của hệ thống Trường Nhân Việt (Thành phố Hồ Chí Minh). Mỗi buổi lên lớp của thầy Tuấn Anh là một câu chuyện về giáo dục, lối sống, ứng xử của học sinh, sinh viên trong nhà trường cũng như thế hệ trẻ thông qua các bài báo, clip về nạn bạo lực học đường; đạo thầy trò; báo hiếu cha mẹ, những thiệt thòi, bất hạnh của các bạn trẻ không may mắn mắc bệnh hiểm nghèo với những khát khao cháy bỏng được sống, được ước mơ… Theo đạo diễn Đặng Linh, tác giả của “Tuổi thác ghềnh”: Đây là đề tài không dễ thực hiện bởi khó từ khâu tiếp cận nhân vật; đạo diễn đã phải hủy ba chuyến bay, tốn nhiều công sức, tiền của bởi sự không hợp tác của các nhân vật. Nhưng kết quả cuối cùng, đạo diễn đã làm được bộ phim, kể câu chuyện mà mình ưng ý sau 6 tháng mày mò, thuyết phục cũng bởi đồng cảm với kịch bản của một cộng tác viên tâm huyết, gắn bó nhiều năm với DSF.

Đề tài tưởng như đã cũ, kể chân dung những cựu chiến binh sau những năm tháng cống hiến tuổi thanh xuân cho cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, trở về lại bắt tay vào công cuộc xây dựng, phát triển, làm giàu quê hương lại được đạo diễn Nguyễn Quý Mạnh Minh thổi làn gió mới vào câu chuyện kể về “Lão gàn Hồ Mơ”. Qua 31 phút trên phim, “Lão gàn Hồ Mơ” hiện lên chân thực, sống động và lôi cuốn người xem với cuộc sống bình dị cùng những cống hiến không ngừng nghỉ của Bộ đội Cụ Hồ... 

27 bộ phim sản xuất trong hai năm là 27 câu chuyện ấn tượng, phản ánh đủ sắc màu cuộc sống, cập nhật hơi thở mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, khoa học, xã hội, văn hóa… Ở đó là tâm tư, trăn trở của những người trẻ đối với việc giữ gìn làng nghề truyền thống trong các phim: “Nghìn năm sơn ta, Trăm năm sơn mài”, “Tâm tình của gốm”, “Đàn bầu kể chuyện”; là những thước phim về lịch sử, chủ nghĩa anh hùng cách mạng “Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu”, “Chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh”; cuộc sống mưu sinh của người dân trong “Chuyện từ hạt muối”, “Cuộc di cư của bầy cừu”, “Sông Gianh thương nhớ”; hay sự tiến bộ, phát triển của khoa học công nghệ với những phim: “Cây trồng biến đổi gien”, “Nông nghiệp hữu cơ”…

Đáp ứng trước yêu cầu của thời kỳ 4.0

Theo đánh giá của đạo diễn Trịnh Quang Tùng, Phó Tổng Giám đốc DSF, xem những bộ phim đã thấy các tác giả đang tìm cách thể hiện. Với phim tài liệu, cách thể hiện rất quan trọng, hạn chế lời bình, cách dựng sáng tạo mang đến những yếu tố gây tò mò, háo hức cho người xem, chuyển cảnh hoặc sử dụng đồ họa, âm thanh cho sinh động. Các tác giả đã bước đầu bắt kịp xu hướng làm phim của thế giới với khát vọng làm những bộ phim mang tính hội nhập. “Đồng hành với công cuộc xây dựng và phát triển của đất nước, qua các thời kỳ, nhiều thế hệ nghệ sĩ của DSF đã luôn cố gắng, sáng tạo và đóng góp với những thành tích nổi bật, tạo dấu ấn và lan tỏa đối với khán giả trong nước cũng như quốc tế. Trong tương lai, chúng tôi luôn tiếp tục cố gắng để có những thế hệ kế cận tài năng, giữ phong độ cũng như giữ “thương hiệu” của một đơn vị sản xuất phim có bề dày lịch sử”, đạo diễn Trịnh Quang Tùng cho biết.

Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Như Vũ, quyền Tổng Giám đốc DSF lạc quan cho rằng, đang có những gương mặt, như: Phùng Ngọc Tú, Đặng Linh, Hoàng Dũng, Sỹ Bằng… Họ đều trẻ, tài năng và tâm huyết với thể loại phim rất kén khán giả và không dễ làm này. Cuộc sống hiện nay với chất liệu ngồn ngộn, tuy nhiên để thể hiện cho ra câu chuyện, vấn đề trên phim tài liệu lại không đơn giản. Bởi trong thời đại công nghệ số, cùng với sự phát triển rầm rộ của các đài truyền hình, công ty truyền thông, ranh giới giữa phim phóng sự và phim tài liệu đang có sự “nhập nhoạng”. Giữ được “thương hiệu” của một đơn vị sản xuất phim tài liệu khoa học, giữ được sự chuẩn mực, am hiểu, tay nghề của một tác giả phim tài liệu là điều cần thiết. DSF có hội đồng nghệ thuật làm việc nghiêm túc trong các khâu kiểm duyệt từ kịch bản đến sản xuất phim, hội tụ những gương mặt nghệ sĩ có uy tín trong nghề.

Cũng theo lời của Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Như Vũ, phim của DSF sản xuất hầu hết phát sóng trên kênh truyền hình Trung ương. Tuy nhiên, 2-3 năm trở lại đây các đài truyền hình địa phương và nhiều kênh truyền hình đã quan tâm phát sóng và đặt hàng sản xuất. Tần suất phát sóng phim của DSF đều đặn hơn, tạo cơ hội cho các tác giả sáng tạo ở nhiều thể loại đề tài. DSF cũng đang đẩy nhanh tiến độ đàm phán với đơn vị truyền thông phát hành phim trên internet, kênh Youtube để người xem dễ tiếp cận cũng như lan tỏa phim tài liệu tới nhiều đối tượng khán giả hơn./.

Theo qdnd.vn



Kính Cartier Chính Hãng Hublot Mua rolex gmt master ii tại 24Kara

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com