Dịp đầu xuân mới là thời gian mà các hoạt động mê tín dị đoan trở nên khó kiểm soát; tập trung chủ yếu trong các lễ hội, “núp” dưới danh nghĩa phong tục cổ truyền, tín ngưỡng dân gian như: xin xâm, hái lộc, xem tướng, xem tử vi, cúng sao giải hạn, đốt vàng mã, hầu bóng... tạo ra một “hiệu ứng đám đông” được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, người này bắt chước người kia và được thực hành một cách máy móc, không có sự phân biệt rõ đâu là tôn giáo, tín ngưỡng, đâu là mê tín dị đoan.
Rước kiệu Ngọc Lộ trong Lễ hội Khai ấn Đền Trần năm 2019 (Thành phố Nam Định). |
Trong các lễ hội mùa xuân ở tỉnh ta, hoạt động đốt vàng mã đang bị lạm dụng và trở thành vấn nạn. Hiện tình trạng người dân mua sắm nhiều đồ vàng mã (lễ vật tượng trưng) để tiến cúng tổ tiên ở các di tích hoặc tại gia đình vào dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội đang diễn ra khá phổ biến. Với quan niệm “trần sao, âm vậy”, đồ vàng mã để dâng cúng tổ tiên giờ đây không đơn thuần là những bộ quần áo, giầy dép, mũ nón truyền thống mà còn mô phỏng tiền, vàng thật như: tiền polyme, đô la, ơ rô, vàng 9999 và cả nhà lầu, xe hơi, ti vi, tủ lạnh, máy giặt, điều hòa, xe máy… Đáng lưu tâm hơn, việc người dân đi giải hạn và cầu may mắn đầu năm vô hình chung đã biến việc đốt vàng mã trở thành hành động “hối lộ cõi âm” chứ không đơn thuần là báo hiếu ông bà, tổ tiên. Hiện nay, việc đốt vàng mã không chỉ ở trong phạm vi gia đình, đền, chùa nhằm gửi gắm tình cảm đến người đã khuất, mà một số công ty, doanh nghiệp tư nhân cũng sử dụng vàng mã với mức độ ngày càng nhiều để tiến dâng thần thánh. Do ảnh hưởng của mặt trái kinh tế thị trường, đốt vàng mã - một tục lệ mang ý nghĩa tâm linh đang chuyển hoá thành hoạt động mê tín dị đoan, gây tốn kém, lãng phí, ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
Không riêng việc đốt vàng mã, ngày nay một số nét đẹp văn hoá khác được xem như là tục lệ truyền thống của dân tộc như: xin lộc, hái lộc đầu năm tại các đình, đền, chùa cũng đang biến tướng thành mê tín dị đoan. Lễ hội Khai ấn Đền Trần, phường Lộc Vượng (Thành phố Nam Định) là một trong những lễ hội thu hút nhiều khách du lịch nhất của vùng đồng bằng sông Hồng. Với truyền thống lâu đời của thời Trần, lễ hội từ lâu được truyền tụng sẽ đem lại sự hanh thông về đường quan lộ cho người tham gia. Vào đêm 14 tháng Giêng, sau nghi lễ dâng hương tại Ban thờ Trung thiên Đền Thiên Trường, đúng 23 giờ 15 phút (giờ Tý), nghi lễ rước kiệu ấn được cử hành trang trọng. Ấn được rước từ Đền Cố Trạch - nơi thờ Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn sang Đền Thiên Trường - nơi đặt bài vị 14 vị Vua Trần để làm lễ Khai ấn. Những năm trước kia, trong thời gian diễn ra nghi lễ rước kiệu ấn, tình trạng ném tiền lẻ vào kiệu ấn để “lấy may” diễn ra khá phổ biến. Sau lễ Khai ấn là tình trạng chen lấn, xô đẩy, giành giật bất cứ thứ gì được cho là “lộc” của nhà Đền tại Ban thờ Trung thiên. Những hành động trên xuất phát từ ý thức chủ quan, suy nghĩ lệch lạc của một bộ phận người dân mê muội, không phân biệt được giữa nét đẹp văn hoá tâm linh với mê tín dị đoan. Để khắc phục tình trạng ném tiền lẻ và “cướp” lộc, Ban tổ chức lễ hội đã cho lắp đặt nhiều camera tại khu vực nội tự Đền Thiên Trường để theo dõi, xử lý các hành vi phản cảm, thiếu văn hoá. Đối với những trường hợp cố tình vi phạm, Ban tổ chức sẽ có những biện pháp nhắc nhở, gửi văn bản về cơ quan quản lý của các cá nhân, tập thể tham gia lễ hội.
Một sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống khác cũng bị lạm dụng là nghi lễ hầu đồng tại các đền, phủ. Năm 2016, “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Sau khi tín ngưỡng thờ Mẫu được UNESCO vinh danh thì nghi lễ hầu đồng đã khá “nở rộ” trong tâm linh của nhiều người sùng đạo Mẫu. Theo khảo sát, toàn tỉnh có 352 di tích lịch sử - văn hoá thờ và phối thờ Mẫu. Ở hầu hết các đền, phủ, miếu thờ Mẫu hoặc phối thờ Mẫu ngày nào cũng diễn ra từ 1-2 giá đồng. Trong khi thời xưa giá hầu đồng khá giản dị, đầy màu sắc dân gian thì ngày nay, nhiều giá hầu đồng đang có những biểu hiện phản cảm, gây tốn kém, lãng phí tiền của từ việc biện lễ, phục sức cho đến phát lộc. Nhiều người dân có điều kiện về kinh tế cho rằng lễ phải to, phải lớn thì mới có nhiều tài, nhiều lộc. Qua đó, dẫn đến thực trạng các gia đình mua sắm lễ vật xa hoa, lãng phí, cầu ước những điều không hợp đạo lý, trái ngược tín ngưỡng thờ Mẫu; một số nghi lễ hầu đồng ở phần ban lộc, thay vì hoa quả tượng trưng đã bị biến tướng thay bằng tiền có mệnh giá lớn… làm lệch lạc ý nghĩa tốt đẹp ban đầu. Bên cạnh đó là hiện tượng thương mại hóa, “buôn thần bán thánh”, đánh vào niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng bái của người dân, lợi dụng nghi lễ để trục lợi. Một số thanh đồng còn lợi dụng việc “nhập thánh” phán truyền người xem phải “trả nợ tào quan”, “cắt duyên âm”, ban “nước thánh”, yểm bùa, trừ ma… dẫn đến hành vi biến tướng thành tệ nạn mê tín dị đoan làm lệch chuẩn giá trị diễn xướng hầu đồng vốn mang nhiều giá trị văn hoá tâm linh.
Bên cạnh các lễ hội lớn, ở một số lễ hội làng tại các địa phương trong tỉnh, tình trạng lạm dụng tín ngưỡng dân gian vẫn đang âm thầm diễn ra. Nhiều hội làng vẫn coi trọng các thủ tục, mang tính hình thức; nặng về kêu gọi công đức, lợi ích cá nhân; quy mô tổ chức vừa tốn kém tiền của, vừa lãng phí thời gian và tình trạng hành khất, ăn xin, đổi tiền lẻ, tăng giá dịch vụ; các hoạt động mê tín dị đoan như bói bài, xem chỉ tay, gieo quẻ, cúng, dâng sao giải hạn... vẫn diễn ra gây phản cảm, mất mỹ quan trong khu di tích.
Thực tế cho thấy, tình trạng mê tín dị đoan hiện vẫn còn tồn tại trên địa bàn tỉnh ta là do tác động của mặt trái cơ chế thị trường, “núp” dưới danh nghĩa “phong tục cổ truyền”, “tín ngưỡng dân gian” làm cho con người sùng bái đồng tiền, dẫn đến những biểu hiện lệch lạc trong đời sống văn hoá tâm linh. Hiện tượng mê tín dị đoan không chỉ tập trung ở các tầng lớp nhân dân mức sống thấp mà ngày càng có chiều hướng phát triển mạnh ở một số bộ phận dân cư có trình độ dân trí cao, mức sống khá giả; từ đó nảy sinh quan niệm sự thành đạt, giàu có là do số phận, trời đất, xuất hiện “khoảng trống” về tinh thần nên cần tìm đến sự “đền bù hư ảo” từ thế giới thánh thần với nhiều hình thức mê tín.
Để ngăn chặn tình trạng mê tín dị đoan trong các lễ hội đầu năm, ngày 18-2-2019, Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) có Công văn số 73/VHCS-NSVH yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có các giải pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động lễ hội đầu xuân. UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tăng cường công tác quản lý lễ hội. Tập trung xây dựng các Ban quản lý lễ hội ngày càng chuyên nghiệp; đồng thời với sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các lực lượng chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành để xử lý các hành vi vi phạm. Xử lý nghiêm khắc các biểu hiện tiêu cực gây tốn kém, lãng phí, tạo tiền đề cho nạn “buôn thần, bán thánh”, tạo cơ hội cho một số cá nhân đầu cơ, trục lợi. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân tham gia hoạt động cộng đồng, phân biệt rõ giữa tôn giáo, tín ngưỡng với mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội để các lễ hội đầu năm diễn ra vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, văn minh; qua đó, vừa tôn vinh được các giá trị truyền thống trong cuộc sống hiện đại, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của nhân dân./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng