Từ ngày người vợ hiền lương khuất núi, ông Kiểm lên ở hẳn với vợ chồng anh con trai trên phố. Thời gian đầu trong con mắt của ông, cuộc sống của những người ở thành phố lúc nào cũng bận rộn, tất bật, xô bồ, khác hẳn với lối sống chậm rãi, thoải mái của những người dân quê. Điều đó khiến ông Kiểm cảm thấy khó hòa đồng với môi trường mới. Ngay vợ chồng anh con trai luôn được mọi người khen là sống tình cảm, hiếu đễ, dù vẫn tận tình chăm sóc bố từng bữa cơm, giấc ngủ nhưng ông vẫn cảm thấy đơn độc khi thấy con lúc nào cũng bận rộn, “đầu tắt mặt tối” lo công việc mà thiếu sự hồ hởi, vồn vã… Cả cuộc đời sống thoải mái, tự do ở quê, giờ suốt ngày quanh quẩn trong mấy bức tường nhà phố chật chội, ông Kiểm cảm thấy tù túng, lệ thuộc. Thói đời “nhàn cư vi bất thiện”, từ lúc nào không rõ, ông trở nên đổi tính, hay để ý, soi xét những hành động, cử chỉ, lời nói của con trai, con dâu xem chúng có thật sự thương yêu, quý trọng mình không (?)…
Đang trong tâm trạng bế tắc khi thay đổi môi trường sống thì một hôm, ông Hoàn, cán bộ công tác trong ngành văn hóa đã nghỉ hưu ở ngay sát nhà con trai ông sang chơi. Khác với cảm nhận ban đầu về người thành phố, mới tiếp xúc lần đầu nhưng những câu hỏi, cách dẫn dắt chuyện của ông Hoàn về cuộc sống, về những người sống xung quanh khiến ông Kiểm có cảm tình, tự tin để hòa đồng. Những lần sau sang chơi, ông Hoàn còn đọc và khoe ông Kiểm những bài thơ ông sáng tác, được đăng trên báo và một số tạp chí của tỉnh. Hứng khởi, ông Kiểm cũng say mê kể lại những kỷ niệm đẹp và đọc những bài thơ ông viết về tình đồng chí, đồng đội và với người vợ hiền thảo trong những năm tháng chiến đấu ở chiến trường cho người bạn già nghe. Và từ sự giới thiệu, dẫn dắt của ông Hoàn, dần dần ông Kiểm có thêm những người bạn mới và được cùng tham gia câu lạc bộ thơ người cao tuổi của phường.
Giờ thì ông Kiểm suốt ngày bận bịu, lăn lộn với con chữ, vần điệu để có thơ giao lưu với ông Hoàn và những người bạn trong câu lạc bộ thơ. Khó có thể tả hết được niềm vui của ông khi tìm được một tứ thơ hay, một từ “đắt” để gieo vần phù hợp; nhất là sau khi đã hoàn thành bài thơ. Tuy nhiên, người vui nhất vẫn là vợ chồng anh con trai ông Kiểm. Từ ngày bố gặp ông Hoàn và… làm thơ, không khí trong gia đình anh vui vẻ, ấm áp hẳn lên, không còn cảm giác căng thẳng, bí bách như trước. Sáng thứ Bảy tuần trước, nhìn thấy bố chồng cùng ông Hoàn đang chờ taxi để đi dự “Ngày thơ Việt Nam hướng về biên cương Tổ quốc” do Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức, cô con dâu phấn khởi nói với mọi người: “Trước kia do không hiểu nên tôi cứ nghĩ các cụ làm thơ là… lẩm cẩm. Thực tế nhờ có thơ mà tinh thần bố tôi mới thoải mái, suy nghĩ tích cực như hôm nay. Trong thâm tâm, tôi vô cùng cảm ơn ông Hoàn, cảm ơn… Thơ”./.
Đức Linh