Trực Ninh thực hiện quy ước văn hóa thôn, xóm

08:12, 11/12/2018

Trước đây, các thôn, xóm, tổ dân phố ở huyện Trực Ninh vẫn duy trì nếp sống văn hóa cũ, các hủ tục như làm cỗ lấy phần trong việc cưới, sử dụng nhiều vòng hoa, bức trướng để phúng viếng trong việc tang...; hiện tượng vứt rác thải ra đường giao thông, xuống sông, kênh mương xảy ra ở nhiều địa phương. 

Rước kiệu truyền thống trong lễ hội Chùa Cổ Lễ, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh).
Rước kiệu truyền thống trong lễ hội Chùa Cổ Lễ, Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh).

Từ thực trạng trên, năm 2017, UBND huyện Trực Ninh đã ban hành Công văn số 88/UBND-TP về việc xây dựng quy ước văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố, kèm theo bản quy ước văn hóa mẫu; đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương rà soát, sửa đổi, bổ sung quy ước văn hóa theo quy định và phù hợp với yêu cầu thực tế. Các quy ước văn hóa gồm các nội dung chủ yếu như: Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Phát triển giáo dục, văn hóa và bảo vệ môi trường; Đảm bảo an ninh trật tự. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã hướng dẫn các xóm, tổ dân phố xây dựng quy ước văn hóa. Việc soạn thảo quy ước văn hóa được các xóm, tổ dân phố giao cho Ban soạn thảo là những người có phẩm chất đạo đức, uy tín và kinh nghiệm sống, có trình độ văn hoá, hiểu biết về pháp luật và phong tục, tập quán ở địa phương. Sau khi quy ước văn hóa được nhân dân ở xóm, tổ dân phố thông qua, UBND xã, thị trấn hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đề nghị UBND huyện phê duyệt. Đến nay, UBND huyện đã phê duyệt 348 quy ước văn hóa được áp dụng cho 391/391 xóm, tổ dân phố trên địa bàn (đạt tỷ lệ 100%). Một số địa phương như Liêm Hải, Trực Hùng, Ninh Cường, Trực Tuấn, Trực Chính đã thành lập Ban vận động, Ban giám sát thực hiện quy ước văn hóa; khi phát hiện những vi phạm quy ước văn hóa báo cáo với trưởng xóm, tổ dân phố. Đối với những tranh chấp nhỏ tại cộng đồng được giải quyết thông qua các tổ hòa giải. Từ năm 2016 đến nay các địa phương trên địa bàn huyện đã tiến hành hòa giải tổng số 343 vụ việc, trong đó có 255 vụ việc hòa giải thành công, đạt tỷ lệ 74,3%. Việc đánh giá thực hiện quy ước văn hóa được thực hiện hằng năm trong các cuộc họp xóm, tổ dân phố, ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Qua 2 năm thực hiện quy ước văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội được nhân dân hưởng ứng thực hiện. Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã có khoảng 1.870 đám cưới, 1.150 đám tang được tổ chức theo quy ước văn hóa. Trên địa bàn huyện có nhiều lễ hội, tiêu biểu như: Lễ hội Chùa Cổ Lễ, Chùa Phúc Ninh, Chùa Cự Trữ, Chùa Văn Hiến, Đền Tuân Lục và các lễ hội Thiên chúa giáo đều được tổ chức theo quy định. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, việc khôi phục các trò chơi dân gian như: cờ tướng, leo cầu ngô... đã đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Đến nay, toàn huyện có 85,9% số hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 345/391 (88,2%) thôn, xóm, tổ dân phố đạt danh hiệu “Thôn, xóm, tổ dân phố văn hóa”; 61 thôn, xóm đề nghị công nhận lại và 19 thôn, xóm đề nghị công nhận mới đạt danh hiệu “Thôn, xóm, tổ dân phố văn hóa”. Thực hiện quy ước văn hóa tham gia giữ gìn, đảm bảo vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp, ở các xã, thị trấn đã hình thành các mô hình thu gom rác thải sinh hoạt. Trong đó, 19/21 xã, thị trấn thành lập tổ thu gom; Thị trấn Cổ Lễ đã hình thành Công ty Môi trường Xanh Tuyên Trung; xã Phương Định khu dân cư tự tổ chức thu gom. Ở xã Việt Hùng nét nổi bật trong thực hiện quy ước văn hóa là ban chi ủy các xóm đều có nghị quyết và coi là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại chi bộ xóm trong sạch vững mạnh. Đến nay, toàn xã có 19/25 xóm được công nhận danh hiệu “Xóm văn hóa”. Ở xã Liêm Hải, thực hiện quy ước nếp sống văn hóa, các đảng viên đều gương mẫu đi đầu để nhân dân làm theo. Các đám cưới ở xã đều được tổ chức vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; từng bước loại bỏ tục làm cỗ lấy phần, ăn cỗ lấy phần; nhiều thủ tục rườm rà trong tổ chức lễ cưới được giảm bớt. Các đám tang tại địa phương được tổ chức chu đáo, trang nghiêm, đúng thời gian quy định; việc tổ chức ăn uống chỉ nội bộ trong gia đình, hiện tượng rắc tiền thật, rải vàng mã, tiền âm phủ phản cảm, gây ô nhiễm môi trường đã giảm đáng kể. Đặc biệt, các đám tang ở địa phương xã hỗ trợ cho gia đình tang quyến 3 vòng hoa luân chuyển để phục vụ khách phúng viếng. Đến nay tỷ lệ gia đình văn hóa của xã đạt 95%, 33/34 xóm đạt danh hiệu “Xóm văn hóa”.

Để quy ước văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố tiếp tục phát huy hiệu quả, thời gian tới cấp ủy, chính quyền xã, thị trấn, các thôn, xóm, tổ dân phố cần phát huy vai trò nòng cốt, nêu gương của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện các nội dung quy ước. Thường xuyên tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, phổ biến quy ước văn hóa tới từng hộ dân. Tiếp tục bổ sung nội dung quy ước văn hóa phù hợp với đặc thù từng địa phương, phù hợp với lợi ích, nguyện vọng chung của cộng đồng dân cư. Gắn việc xây dựng và thực hiện quy ước văn hóa với việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Nâng cao chất lượng xây dựng, thực hiện quy ước văn hóa tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới bền vững ở các địa phương./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com