Là địa phương ở gần trung tâm huyện, cùng với phát triển kinh tế, nhiều năm qua, xã Tam Thanh (Vụ Bản) trở thành điểm sáng của huyện về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh Đình - Chùa Phú Thứ. |
Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo các thôn, xóm thành lập Ban vận động xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; trong đó trọng tâm nâng cao chất lượng các phong trào xây dựng: “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”. Công tác xây dựng gia đình văn hóa trở thành một tiêu chí thi đua giữa các gia đình, thể hiện ở việc chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế gắn kết “tình làng nghĩa xóm”. Hằng năm, việc bình xét, đánh giá, công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” nhân Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18-11) luôn được các thôn, xóm thực hiện công khai, dân chủ. Đến nay, toàn xã có 1.509/1.702 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” (đạt tỷ lệ 88,6%); trong đó có 38 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá tiêu biểu”. Nhiều gia đình văn hoá tiêu biểu của xã đóng góp tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế ở địa phương như hộ các ông: Đỗ Tiến Dũng, Đỗ Văn Thịnh, Nguyễn Văn Tố ở thôn Tiền; Nguyễn Hồng Ngự, Nguyễn Văn Lại, Nguyễn Ngọc Thái ở thôn Dư Duệ… toàn xã có 7/8 thôn, xóm được công nhận “Làng văn hóa”; trong đó có nhiều làng văn hoá tiêu biểu như các thôn: Dư Duệ, Tiền, An Lạc, Phú Thọ… Thôn Dư Duệ và thôn Tiền có tỷ lệ gia đình văn hoá hằng năm luôn đạt trên 90%; hơn 10 năm liền an ninh trật tự trong thôn được giữ vững, không có người sinh con thứ 3, không có người vi phạm pháp luật. Các thôn: Quảng Cư, Lê Xá, Phú Thứ là những là địa danh vẫn giữ gìn được thuần phong mỹ tục, nền nếp gia phong, tinh thần tương thân tương ái giúp đỡ nhau phát triển kinh tế trang trại, gia trại. Các thôn Phú Thọ, An Lạc làm tốt công tác huy động sức dân để xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, hệ thống điện thắp sáng… Nhằm gìn giữ những giá trị thuần phong mỹ tục truyền thống, cả 8 thôn, xóm trong xã đều đã xây dựng hương ước, quy ước nếp sống văn hóa. Thông qua vai trò của chính quyền và các tổ chức đoàn thể, các hoạt động cộng đồng như: việc cưới, việc tang và lễ hội ở xã luôn được điều chỉnh bằng các quy định trong quy ước, hương ước; phát huy vai trò của các danh hiệu văn hoá trong việc thực hiện nếp sống văn minh; đặc biệt vai trò tiên phong của các gia đình văn hoá tiêu biểu, gia đình đảng viên gương mẫu. Nhờ đó, việc cưới ở xã được thực hiện theo phương châm “không ăn cỗ lấy phần”. Các đám tang được thực hiện theo quy định của pháp luật, xoá bỏ các hủ tục lạc hậu. Việc tổ chức tang lễ ở các thôn, xóm đã phát huy vai trò của Ban công tác Mặt trận và các tổ chức, đoàn thể: chi Hội Phụ nữ, chi Hội Người cao tuổi, chi Hội Cựu chiến binh trong ban tang lễ. Trên địa bàn xã có 8 chùa, 7 đình; trong đó Đình - Chùa Phú Thứ được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá - cấp tỉnh. Công tác tổ chức các lễ hội trên địa bàn xã luôn thực hiện theo quy ước nếp sống văn minh. Các lễ hội diễn ra vào tháng 2 âm lịch hằng năm như: lễ hội Đình thôn An Lạc, lễ hội Đình thôn Du Duệ, lễ hội Nhà thờ tổ họ Phạm thôn Phú Thứ luôn diễn ra với các nghi lễ trang trọng, văn minh, tiết kiệm.
Nhận thức được tầm quan trọng của các thiết chế văn hoá trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, xã đã huy động các nguồn lực xã hội để xây dựng hệ thống nhà văn hóa, sân luyện tập thể dục thể thao. UBND xã khuyến khích, hỗ trợ việc xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao với kinh phí từ 30-200 triệu đồng. Hầu hết các nhà văn hóa được xây dựng trong giai đoạn 2012-2016, quy mô từ trên 200 ghế ngồi, đảm bảo về diện tích và trang thiết bị sử dụng; kinh phí xây dựng mỗi nhà văn hóa từ 200-400 triệu đồng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, hội họp của nhân dân. Từ sự quan tâm đầu tư và phát huy hệ thống nhà văn hóa thôn, xóm, việc sáng tạo và hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân trong xã ngày càng phát triển. Hiện cả 8 thôn, xóm trong xã đều thành lập đội văn nghệ quần chúng, nòng cốt là đoàn viên, thanh niên, hội viên phụ nữ, người cao tuổi. Các đội văn nghệ hoạt động ở nhiều loại hình như: thơ, hát chèo, ca khúc cách mạng, múa... Ở các thôn có phong trào văn nghệ phát triển mạnh như: An Lạc, Dư Duệ, Phú Thọ, Lê Xá, các gia đình đam mê văn nghệ chính là những gia đình văn hóa tiêu biểu của địa phương. Các thành viên trong gia đình ngoài việc chấp hành tốt các quy định của Nhà nước còn là nòng cốt trong phong trào văn nghệ ở địa phương. Để động viên, khích lệ phong trào văn nghệ quần chúng, hằng năm, Đảng uỷ, UBND xã giao cho Ban văn hoá xã xây dựng kế hoạch, chủ trì tổ chức các chương trình liên hoan, giao lưu văn hoá, văn nghệ nhân dịp kỷ niệm Chiến thắng 30-4, Tết Trung thu, Quốc khánh 2-9, Tết Nguyên đán, lễ hội tại các di tích... Phong trào thể dục thể thao được duy trì và phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
Thời gian tới, xã Tam Thanh tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát động và khơi dậy ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong việc xây dựng, giữ vững và từng bước nâng cao chất lượng gia đình văn hóa, làng văn hóa. Phát huy hiệu quả các thiết chế văn hoá, thể thao, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong nhân dân để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
Bài và ảnh: Khánh Dũng