Giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc dân gian Chùa Phúc Hải

08:12, 14/12/2018

Về xã Hải Minh (Hải Hậu) tham quan các công trình tín ngưỡng, tôn giáo, khách thập phương đều ấn tượng với không gian, kiến trúc của quần thể di tích lịch sử - văn hóa Chùa Phúc Hải. Đây là quần thể di tích duy nhất của xã Hải Minh được Nhà nước xếp hạng bảo vệ, tôn tạo.

Theo các văn bia ghi lại ở khu di tích, Chùa Phúc Hải có từ cuối thế kỷ 15, là ngôi chùa nhỏ đơn sơ ở phía đông nam làng Kim Đê. Đến năm Quý Sửu thời Vua Lê Kính Tông (1613) chùa được dời chuyển về vị trí phía bắc làng Kim Đê và sau này được xây dựng khang trang hơn. Chùa Phúc Hải thờ Phật và hai vị Quốc sư từ thời Lý là Từ Đạo Hạnh và Không Lộ thiền sư. Trong quần thể Chùa Phúc Hải còn có Đền thờ tứ tổ (các họ: Mai, Phan, Phạm, Nguyễn) và Đền Trần thờ Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Là địa phương có tín ngưỡng thờ Phật, thờ các vị tứ tổ và 52% đồng bào theo đạo Thiên chúa nên kiến trúc nghệ thuật cổ truyền giữa Chùa Phúc Hải với các từ đường và thánh đường Thiên chúa ở địa phương có sự liên quan về phong cách xây dựng, đường nét chạm khắc. Chùa Phúc Hải có nhiều tòa làm theo kiểu nội chữ “đinh”, ngoại chữ “quốc” theo nguyên tắc đối xứng; Đền Trần Hưng Đạo và các từ đường họ Phan, Phạm, Nguyễn cũng được xây dựng theo kiểu chữ “đinh”. Kết cấu các di tích và nghệ thuật có nhiều nét tương đồng, các bờ nóc, bờ dải, đấu gỗ… đều làm theo phong cách cổ truyền. Từ đường họ Mai và nhà thờ xứ Phạm Pháo, nhà thờ họ lẻ Trại Đáy, Thủy Cơ cách thiết kế và kiểu dáng vẫn toát lên đường nét truyền thống. Riêng các nhà thờ Thiên chúa tuy ảnh hưởng kiến trúc phương Tây nhưng bộ khung của các gian vẫn làm theo kiểu tứ trụ, các hệ thống xà lòng, xà nách, con rường đấu trụ… tương tự lối thiết kế cổ truyền dân tộc. Đáng chú ý, các chi tiết trên các cấu kiện chạm khắc lá lật hóa long hoặc long chầu thánh giá; các đường gờ ở các nhà thờ cũng được thiết kế soi chỉ như ở đền chùa và trên tàu mái còn khắc họa tiết tứ quý. Chùa Phúc Hải cùng các công trình trong quần thể Đền Trần, từ đường tứ tổ đều lợp ngói nam, có xây bờ bảng, làm các trụ, đấu và một số họa tiết lá lật đường triện tương tự nhau. Cùng với nét tương đồng về kiến trúc so với các công trình trong quần thể và công trình tôn giáo tín ngưỡng ở địa phương, Chùa Phúc Hải có những nét độc đáo tạo sức hấp dẫn du khách gần xa. Công trình chính bao gồm bái đường, tam bảo và thượng điện, xung quanh có gác chuông, nhà tổ, phủ thờ, nhà khách, nhà bếp. Ngoài ra công trình còn cổng chính, cổng phụ, cột đồng trụ, tường hoa, hồ nước trải rộng trước cửa chùa, khu văn bia, giếng cổ, khu tháp mộ, vườn cảnh... Là một công trình kiến trúc quy mô, tuy đã được tu sửa nhiều lần nhưng Chùa Phúc Hải vẫn bảo lưu được đường nét phong cách nghệ thuật cổ truyền của dân tộc. Trong tổng thể công trình, tòa bái đường với lối thiết kế kiểu “Thượng chồng rường hạ kẻ bẩy” mang dấu ấn kiến trúc thời Hậu Lê thế kỷ XVIII. Các hàng cột trụ, xà lòng, xà nách... có kết cấu tương ứng với hệ thống cột đỡ, được đục chạm hoa lá, soi chỉ tạo đường nét mềm mại thanh thoát. Đặc biệt, trong tòa bái đường còn có bộ cửa võng bài trí tại gian giữa được chạm thông phong hình tượng lưỡng long chầu nguyệt, dưới là hình ảnh đôi phượng múa, đôi ly chầu và nổi bật là những hoa, lá của một ao sen có con rùa đang ẩn hiện phun nước, làm cho tòa nhà càng thêm trang nghiêm lộng lẫy... Chùa Phúc Hải còn lưu giữ được nhiều cổ vật, cổ thư có giá trị. Đó là hệ thống tượng Phật phong phú được chạm khắc, sơn thếp lộng lẫy, tiêu biểu là các pho tượng: Tam thế, Phật Bà, Thích Ca, Cửu Long... Các cỗ kiệu, long đình, đại tự, cửa võng được chạm khắc công phu, nội dung phong phú ca ngợi cảnh đẹp chốn cửa thiền. Ngoài ra Chùa Phúc Hải còn lưu giữ 11 văn bia có giá trị nội dung và nghệ thuật. Đặc biệt nhất là tấm bia “Phúc Hải tự bi” niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 6 (1624) nội dung nói về lịch sử hình thành mảnh đất con người và ngôi chùa.

Không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh, khu di tích Chùa Phúc Hải còn gắn với nhiều mốc son cách mạng và kháng chiến của vùng đất Hải Minh. Nơi đây là địa điểm tập kết của nhân dân tham gia mít tinh, biểu tình, cướp chính quyền trong những ngày Cách mạng Tháng Tám. Trong những năm đầu toàn quốc kháng chiến, chùa là cơ sở đi về, trú quân, tập luyện, triển khai đánh địch của lực lượng tự vệ địa phương, của Sư đoàn 304 chuẩn bị chống càn đánh địch, tổng phản công góp phần cùng cả nước đi đến thắng lợi cuối cùng. 

Để gìn giữ nét kiến trúc cổ truyền dân tộc, năm 2004, nhà thờ tứ tổ trong khu di tích đã được đại tu với kinh phí khoảng 3 tỷ đồng do nhân dân quê hương, con em xa quê và du khách thập phương tiến cúng. Năm 2012 nhà tam bảo, nhà thờ tứ tổ trong khu di tích tiếp tục được tu bổ từ nguồn kinh phí do nhân dân phát tâm công đức khoảng 3 tỷ đồng. Hiện nay, khu di tích đang đại tu Đền Trần thờ Trần Hưng Đạo với kinh phí dự toán 500 triệu đồng, trong đó số tiền hỗ trợ của chương trình mục tiêu quốc gia chống xuống cấp di tích là 200 triệu đồng, còn lại do nhân dân công đức. Hằng năm tại khu di tích lịch sử - văn hóa Chùa Phúc Hải từ ngày 1 đến 3-3 âm lịch hằng năm, lễ hội được tổ chức theo hướng văn minh, tiết kiệm, trở thành nét sinh hoạt văn hoá tâm linh, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương tới dự. 

Trong tiềm thức người dân Hải Minh, khu di tích lịch sử - văn hóa Chùa Phúc Hải là chốn thiêng liêng, nơi tụ họp, thể hiện ước vọng và sự đoàn kết của nhân dân trước những sự kiện trọng đại của quê hương, đất nước, là nơi bảo lưu, gìn giữ truyền thống, bản sắc văn hoá quê hương nên mỗi người đều tự giác bảo vệ, giữ gìn./.

Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com