Vụ Bản gìn giữ bản sắc văn hoá trong xây dựng nông thôn mới

08:11, 30/11/2018

Về làng Quả Linh, xã Thành Lợi (Vụ Bản) đúng dịp bà con vừa kết thúc vụ thu hoạch lúa mùa, chúng tôi gặp những hình ảnh quen thuộc của một làng quê thuần Việt: các cụ ông chơi cờ tướng ở sân đình chờ đến giờ dọn thóc đang phơi, các cụ bà ngồi dưới gốc cây đa bện chổi rơm… Để giữ gìn khung cảnh này trong quá trình xây dựng NTM, xã đã chỉ đạo các thôn, xóm lấp ao hồ phải theo đúng quy hoạch, vận động nhân dân hạn chế việc chặt cây xanh để giữ nguyên vẻ đẹp không gian làng quê.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây khi chưa có nước máy thì giếng là nguồn nước sinh hoạt chính của các làng ở Vụ Bản. Làng nào chưa có giếng tự nhiên, muốn đào giếng, dân làng phải mời thầy địa lý về xem phong thủy để chọn đúng vùng cát địa, tính toán sao cho mạch nước giếng phải lưu niên, tuôn chảy dồi dào, nước phải trong, mát quanh năm đủ cho cả làng dùng, tránh chạm long mạch. Nhiều di tích lịch sử - văn hóa ở huyện Vụ Bản, nước giếng trong khuôn viên di tích được sử dụng vào những ngày lễ trọng. Trước ngày lấy nước giếng, làng phải đóng nắp để giếng được trong sạch, thanh tịnh... Giếng nước là nguồn tụ thủy, tụ phúc của cả làng nên ở nhiều làng khi xây dựng hương ước đều có quy định phải coi trọng, giữ gìn giếng nước, nghiêm cấm thả trâu, bò hoặc giết súc vật quanh giếng làng... Ngày nay, dẫu không còn là nguồn cấp nước dùng cho dân làng nhưng nhiều địa phương như các xã: Quang Trung, Hợp Hưng, Minh Tân, Vĩnh Hào, Kim Thái, Hiển Khánh vẫn gìn giữ, đầu tư cải tạo giếng nước. Giếng nước thôn Hậu Nha, xã Hiển Khánh được cải tạo năm 2008 do ông Nguyễn Trọng Luyện - người con quê hương đầu tư với kinh phí khoảng 120 triệu đồng. Giếng nước gắn với hình ảnh cây đa trăm tuổi và di tích lịch sử - văn hóa Đình Hậu Nha, xã Hiển Khánh đã tạo nét đẹp cổ kính trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở vùng quê này. Ở xã Quang Trung hiện nay còn lưu giữ được các giếng cổ ở xóm Phủ, giếng Cá làng Giáp Ba, giếng xóm Hội 2, giếng xóm Làng. Theo các tài liệu ghi chép ở Phủ Giáp, giếng Cá làng Giáp Ba, xã Quang Trung có từ thời Hậu Lê. Trước kia giếng được đắp bờ đất, sau đó cụ tiên chỉ của làng là Bùi Thiện Hợi (tự Phúc Bổng) hưng công xây dựng kè bờ gạch cho giếng. Năm 2011, hậu duệ đời thứ 7 của cụ Bùi Thiện Hợi là ông Bùi Thiện Hân đã phát tâm công đức 90 triệu đồng và vận động nhân dân địa phương kè giếng, nâng bờ gạch với kinh phí trên 100 triệu đồng. Điểm đặc biệt ở giếng Cá làng Giáp Ba là có 1 giếng to và một giếng nhỏ sát nhau. Giếng nhỏ nằm ở giữa phía trước giếng to, trên bờ giếng có đặt bát hương thờ Thần Tỉnh (thần Giếng). Hằng tuần dân làng đều chăm lo việc dọn vệ sinh xung quanh giếng. Năm 2016, giếng cổ được cải tạo xây, kè bờ cao hơn so với mặt đường với kinh phí 150 triệu đồng do nhân dân địa phương và con em xa quê đóng góp.

Không gian cây đa, giếng nước ở làng Hậu Nha, xã Hiển Khánh (Vụ Bản).
Không gian cây đa, giếng nước ở làng Hậu Nha, xã Hiển Khánh (Vụ Bản).

Nét văn hóa cổ của các làng, quê ở Vụ Bản còn được thể hiện ở tên địa danh làng xã. Nhiều làng sản xuất nông nghiệp, nên tên làng gắn bó với nghề lúa gạo, tiêu biểu như các làng Lúa (Phong Cốc), làng Phú Cốc, làng Bách Cốc, làng Kho, làng Lúa Đò, làng Đống Lương, làng Phúc Lương, làng Gạo (Quả Linh), làng Tân Cốc... Các tên làng thường gắn bó với những di tích lịch sử, những địa hình sông núi như làng Hổ Sơn nằm dưới chân núi Hổ, làng Côi Sơn nằm dưới chân núi Gôi, làng Ngăm nằm dưới chân núi Ngăm, làng Xuân Bảng nằm dưới chân núi Báng, làng Cao Hương phát tích từ gò Hương, làng Kẻ Dầy phát tích từ Gò Bánh Dầy, làng Vĩnh Lại bên cạnh sông Vĩnh, làng Kênh Đào nằm bên cạnh sông Kênh Đào... Những phiên chợ quê ở Vụ Bản từ lâu đã trở thành hình ảnh bình dị và quen thuộc trong cuộc sống thường ngày của người dân nông thôn. Nhiều làng quê trong huyện vẫn lưu giữ những chợ cổ như: Chợ Hầu ở xã Liên Minh, chợ Lời xã Hiển Khánh. Chợ Hầu, xã Liên Minh là chợ lớn trong vùng. Chợ có đình chợ và hàng chục gian lều chợ. Chợ họp buổi sáng và có 9 phiên chính trong một tháng. Chợ Lời, xã Hiển Khánh theo truyền thuyết có từ thời nhà Trần. Chợ có đình chợ to rộng để bán hàng vải vóc, tơ lụa, các hàng tạp hoá và nhiều lều quán xung quanh đình chỉ để bán hàng ăn và các đồ tươi sống. Chợ họp thường ngày vào buổi sáng, mỗi tháng có 6 phiên chính. Chợ Viềng là phiên chợ đặc biệt nhất của huyện Vụ Bản. Chợ họp mỗi năm có một phiên được tổ chức vào đêm mùng 7 sáng mùng 8 tháng Giêng gắn với di tích lịch sử, văn hóa Phủ Dầy - một trong những trung tâm thờ Mẫu của người Việt. Người dân đến hội trước khi vào chợ mua sắm lấy may, mong cho một năm làm ăn phát đạt, thường đến thắp hương tại các đền, phủ. Chợ Viềng xuân trở thành một hội chợ truyền thống đặc sắc, mang đậm sắc thái văn hóa dân gian, là hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cộng đồng, biểu thị nền kinh tế phồn thực của vùng châu thổ sông Hồng.

Các địa phương ở Vụ Bản còn in đậm dấu ấn văn hóa bằng cách duy trì nền nếp gia phong trong mỗi gia đình - dòng họ; cư dân sinh sống trong làng phải tuân theo các quy định cụ thể về giữ gìn thuần phong mỹ tục qua việc thực hiện hương ước. Chính những yếu tố đó đã tạo sự gắn bó và cấu kết bền chặt cộng đồng dân cư trong các làng thôn, hình thành nên những nét đẹp văn hoá trong sinh hoạt, ứng xử, tín ngưỡng tâm linh. Nhiều gia đình khoa bảng ở các làng Bách Cốc, Phong Vinh, Nguyệt Mại, Cao Phương, An Thái, Cựu Hào, Vĩnh Lại... có bản di huấn hoặc những bài gia huấn ca để giáo dục con, cháu. Các bản di huấn thường nhắc nhở con cháu phải cần kiệm, kiên nhẫn, công tâm, coi đó là phép “tề gia” muôn thuở. Bài gia huấn của cụ nghè làng Si Phạm Đình Kính đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị với nội dung nhắc nhở con cháu “xưa kia gia đình nghèo khổ, phải nhờ bên ngoại giúp đỡ, nay được làm quan phải nhớ thương yêu, giúp đỡ dân nghèo, như thế mới phải đạo làm người”. Trong bài tựa của tộc phả họ Trần Văn ở Cao Phương hay họ Vũ làng An Cự có nhiều lời khuyên con cháu thiết thực: phải đọc gia phả, biết lai lịch tổ tiên để biết công đức. Việc cúng lễ tổ tiên, ông bà cha mẹ đã khuất, không phải chỉ để cầu mong sự phù hộ trong cuộc sống mà để nhớ công đức của tiền nhân, luôn vun trồng bồi đắp công đức cho gia đình, dòng họ, không được làm hại đến thanh danh tiên tổ...

Ngày nay, quá trình đô thị hoá diễn ra nhanh chóng và do tác động của cơ chế thị trường, khiến cho các giá trị văn hoá truyền thống ở mỗi làng quê đang đứng trước nguy cơ mai một. Ở một số nơi, lối sống thực dụng đã len lỏi vào cuộc sống, phá vỡ tình cảm bền chặt và mối quan hệ khăng khít giữa các gia đình, thôn, xóm... Trước tình hình đó, huyện Vụ Bản đã triển khai sâu rộng và hiệu quả phong trào xây dựng làng văn hoá, kết hợp giữa tiếp thu các giá trị văn hóa tiên tiến với gìn giữ bản sắc văn hoá làng quê. Các xã, thị trấn từ việc kế thừa có chọn lọc những tinh hoa của các bản hương ước cổ đã tiến hành sửa đổi, bổ sung thành những quy ước nếp sống văn hoá lành mạnh được nhân dân đồng tình ủng hộ. Thông qua các hoạt động văn hóa, những giá trị văn hoá truyền thống của quê hương được các nghệ nhân, các bậc cao niên truyền lại cho con cháu. Bằng việc giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ở các làng quê kết hợp với việc tiếp thu có chọn lọc những giá trị văn hóa hiện đại trong giai đoạn mở cửa, hội nhập hiện nay, huyện Vụ Bản đã nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, đẩy lùi những thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội, hướng con người tới lối sống tốt đẹp, văn minh./.

Bài và ảnh: Viết Dư



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com