Giữa phố xá nhộn nhịp, ngôi nhà của NNƯT Đỗ Đình Thọ ở số 16 Hàng Sắt (TP Nam Định) vẫn có không gian yên tĩnh lạ thường. Trong căn phòng riêng của ông các loại sách được sắp xếp ngăn nắp, đèn bàn làm việc hầu như luôn sáng. Ông cho biết: “Từ khi chuyển giao bí quyết làm kẹo Sìu Châu và cửa hàng cho người con trai út Đỗ Tuấn Hùng, ông có nhiều thời gian chuyên tâm cho việc nghiên cứu về văn học nghệ thuật và văn hóa dân gian”.
Nhà nghiên cứu, NNƯT Đỗ Đình Thọ đã 84 tuổi vẫn dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu văn học nghệ thuật và văn hóa dân gian. |
Qua trò chuyện, chúng tôi bất ngờ bởi ở tuổi 84 nhưng ông vẫn thể hiện sự tinh anh, minh mẫn khi nhắc đến các đề tài nghiên cứu đang theo đuổi. Là người từng trải qua nhiều lĩnh vực công tác trong ngành văn hóa như: Vụ Văn hóa đối ngoại, Vụ Văn hóa quần chúng, Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa), Sở Văn hóa (nay là Sở VH, TT và DL) rồi là Trưởng bộ môn Nghiên cứu - Phê bình, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian và nay là Phó Chủ nhiệm CLB Thiên Trường nên ông có nhiều thuận lợi trong việc tiếp cận các kiến thức phục vụ công tác nghiên cứu. Cũng phải nhắc đến hoàn cảnh gia đình khi ông được sinh ra tại làng Nam Lạng, xã Trực Tuấn (Trực Ninh) - một vùng quê có truyền thống văn hóa lâu đời. Từ nhỏ ông đã được sống trong những làn điệu hát ru, ngâm Kiều của mẹ, được tiếp cận vốn tri thức Hán Nôm do ông ngoại truyền thụ nên sự đam mê nghiên cứu sưu tầm văn hóa nghệ thuật dân gian được tích lũy ngày càng nhiều. Đến nay, gần 10 đầu sách về nghiên cứu văn hoá dân gian, nghiên cứu phê bình văn học của ông được NXB Văn hóa - Thông tin, NXB Văn học, NXB Khoa học Xã hội xuất bản. Trong số các công trình nghiên cứu về các tác giả văn học, ông dành nhiều tâm huyết nghiên cứu về nhà thơ Nguyễn Bính, nhà văn Nam Cao và nhạc sĩ Đặng Thế Phong. Ngay từ thập niên 1980, ông đã đi khắp nơi tra cứu tài liệu, sưu tầm và tìm hiểu những đóng góp của nhà thơ Nguyễn Bính với nền văn học Việt Nam. Ông đã biên soạn và xuất bản nhiều tác phẩm về nhà thơ Nguyễn Bính, tiêu biểu như: “Tuyển tập Nguyễn Bính”, “Thơ tình Nguyễn Bính”, “Xuân tha hương”, “Tì bà truyện”... Nhiều cuốn được in tới hàng trăm nghìn bản vẫn được bán hết trong một thời gian ngắn. Những tư liệu và nghiên cứu của tác giả Đỗ Đình Thọ đã góp phần làm căn cứ khoa học để Nhà nước xét truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt II năm 2000 cho nhà thơ Nguyễn Bính. Hiện nay, ông có nhiều tư liệu về nhà thơ Nguyễn Bính như: Lá số tử vi và nhiều bài thơ, truyện ký, kịch bản viết tay của Nguyễn Bính… Là người am hiểu tường tận về Nguyễn Bính, ông đã hướng dẫn cho nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh làm luận văn tốt nghiệp.
Với nhạc sĩ Đặng Thế Phong, tác giả Đỗ Đình Thọ đã nghiên cứu, tìm hiểu sâu về xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác những bản nhạc trữ tình bất hủ như: Đêm thu, Con thuyền không bến, Giọt mưa thu… Những nghiên cứu của ông về nhạc sĩ Đặng Thế Phong với những tình khúc vượt thời gian đã được giải xuất sắc của Hội VHNT Hà Nam Ninh năm 1994. Ngoài ra cuốn “Tản mạn đôi điều bàn về văn học và nghệ thuật” do Hội VHNT tỉnh xuất bản năm 2005 là một trong những công trình mà NNƯT Đỗ Đình Thọ tâm đắc. Cuốn sách dày 376 trang thể hiện những hiểu biết, bình luận của tác giả về văn chương và nghệ thuật của những nhà thơ, nhà văn nổi tiếng như: Trần Bích San, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Bính, Nam Cao, Tú Xương… và những loại hình nghệ thuật như hát chèo, múa rối, hát dặm, hát chầu văn, hát trống quân. Cuốn sách thể hiện hướng tiếp cận văn chương nghệ thuật một cách tự chủ và phóng khoáng của tác giả. Nhiều tư liệu ông đưa ra có giá trị giúp cho các nhà nghiên cứu, người đọc thêm hiểu biết về danh nhân, tiến trình phát triển của một số môn nghệ thuật truyền thống của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Vừa qua, 2 cuốn sách của tác giả Đỗ Đình Thọ đã vinh dự được trao giải thưởng VHNT Lương Thế Vinh lần thứ VII (2011-2015) gồm: “Trò ổi lỗi rối cạn và rối nước Nam Định” (tác giả Đỗ Đình Thọ và Lê Xuân Quang) và “Đền Hàng Sắt dưới Nam Định - di sản văn hóa Thành Nam” (tác giả Đỗ Đình Thọ và Hồ Đức Thọ). Cuốn “Đền Hàng Sắt dưới Nam Định - di sản văn hóa Thành Nam” được NXB Khoa học Xã hội ấn hành năm 2015 đoạt giải Nhì Giải thưởng VHNT Lương Thế Vinh lần thứ VII (2011-2015). Cuốn sách gồm 4 phần: Lịch sử phát triển, Lịch sử xây dựng đền, Nội dung thờ, Hỗn dung văn hóa Trung Quốc và Việt Nam. Cuốn sách được tác giả nung nấu hơn 10 năm và nghiên cứu ở nhiều di tích tại các tỉnh Hưng Yên, một số tỉnh phía Nam có cùng nhân vật phụng thờ tương tự Đền Hàng Sắt dưới Nam Định. Qua cuốn sách đã giúp các nhà nghiên cứu di sản vừa đánh giá khái quát, vừa chi tiết về giá trị lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của di tích và đặc trưng của nhân vật được phụng thờ. Cuốn “Trò ổi lỗi rối cạn và rối nước Nam Định” được ra đời với sự phối hợp của tác giả Đỗ Đình Thọ và Lê Xuân Quang. Chia sẻ về ý tưởng thực hiện cuốn sách, tác giả Đỗ Đình Thọ cho biết: Từ lâu, ông đã muốn tìm hiểu nghệ thuật múa rối. Sau khi nghiên cứu văn bia “Sùng Thiện Diên Linh” ở Chùa Đọi, huyện Duy Tiên (Hà Nam) ông đã có những tư liệu căn bản trong việc nghiên cứu lịch sử múa rối. Tiếp đó ông đã đi thực tế ở Thị trấn Nam Giang (Nam Trực) tìm hiểu trò ổi lỗi rối cạn Chùa Đại Bi rồi lên Đền thờ Nguyễn Công Bật (người soạn văn bia Sùng Thiện Diên Linh) ở tỉnh Hà Tây cũ tiếp tục nghiên cứu và cùng với tác giả Lê Xuân Quang viết chung cuốn “Trò ổi lỗi rối cạn và rối nước Nam Định”. Năm 1999, cuốn sách được giải thưởng của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam và giải Khuyến khích Giải thưởng VHNT Lương Thế Vinh lần thứ VII (2011-2015). Ngoài ra ông còn có nhiều tham luận phục vụ các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế. Năm 2012, tham luận “Những nét cơ bản về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, trang trí trong các điện thờ Mẫu (nữ thần) trên quê hương Nam Định” của tác giả Đỗ Đình Thọ được sử dụng tại hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Văn hóa thờ Nữ thần ở Việt Nam và châu Á - bản sắc và giá trị”.
Với những cống hiến không ngừng nghỉ, nhà nghiên cứu Đỗ Đình Thọ đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”. Hiện nay dù tuổi đã cao, nhưng NNƯT Đỗ Đình Thọ vẫn miệt mài nghiên cứu bởi với ông, kiến thức lịch sử - văn hóa là vô hạn; còn nhiều tri thức ông chưa có duyên tiếp cận để làm rõ và phát hiện những vấn đề mới trong bối cảnh hiện nay./.
Bài và ảnh: Viết Dư